THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 24 / CT - TTg |
Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THUẾ, HẢI QUAN.
Trong những năm qua, công tác quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan đã được đổi mới, có bước tiến dài, đạt được nhiều kết quả và ngày càng được hoàn thiện theo hướng hiện đại, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về hội nhập, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, công tác quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, như: quản lý thuế, hải quan chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp; quy trình, thủ tục quản lý ở một số khâu còn phức tạp, thời gian (số giờ) làm thủ tục thuế, hải quan còn cao; cải cách thủ tục hành chính còn chậm; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quản lý thuế, hải quan còn chưa tốt; tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của một số cán bộ thuế, hải quan còn chưa cao.
Để tăng cường công tác quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải
quan, phát hiện, ngăn ngừa những hạn chế, tồn tại nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
-
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
-
Triển khai quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 19 / NQ - CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, chú trọng đẩy mạnh cải cách những thủ tục hành chính có liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước của Bộ, ngành, đơn vị mình phụ trách, thực hiện kết nối mạng với cơ quan thuế hải quan để phối hợp, trao đổi thông tin trong quản lý về thực hiện các thủ tục hành chính thuế, hải quan.
Phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu thuế, chống chuyển giá và quản lý thu thuế khoán quyết liệt, hiệu quả hơn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.
-
-
Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm:
-
Chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách năm 2014 đã được Quốc hội, Chính phủ giao; tổ chức triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị: số 11 / CT - TTg ngày 21 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2015 và số 13 / CT - TTg ngày 01 tháng 6 năm 2014 về việc đẩy nhanh thực hiện các giải pháp và giải quyết các thủ tục hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại tại một số địa phương.
-
Rà soát các văn bản pháp luật về thuế, hải quan để sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung để cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết theo hướng: đơn giản, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hậu kiểm.
Rà soát quy trình, thủ tục hành chính thuế, hải quan có liên quan đến các chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh để chủ động sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi kịp thời, đảm bảo giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế và hải quan, trong đó:
-
Về quy trình, thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu: rà soát để loại bỏ những thủ tục không cần thiết, còn phức tạp trong thực hiện; trong mỗi thủ tục rà soát bãi bỏ các chỉ tiêu để giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu bằng với mức trung bình của nhóm các nước ASEAN-6.
Về quy trình, thủ tục kê khai, nộp thuế: rà soát để bãi bỏ thủ tục không cần thiết, còn gây phiền hà cho người nộp thuế; trong mỗi thủ tục rà soát bãi bỏ các chỉ tiêu để giảm thời gian kê khai, nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm các nước ASEAN-6. Đẩy mạnh giao dịch điện tử trong quản lý thuế (khai thuế, nộp thuế), phấn đấu cuối năm 2014 có 95% số doanh nghiệp khai thuế điện tử, 15 / 63 địa phương thực hiện nộp thuế điện tử và 63 / 63 địa phương triển khai trong năm 2015; cắt giảm tối thiểu 50% số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế, phấn đấu đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước "ASEAN-6 (171 giờ / năm) , cải thiện rõ rệt thứ hạng về chỉ số nộp thuế của Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới.
d) Công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính thuế, hải quan trên mạng Internet; niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan, nơi tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính để doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận và giám sát thực hiện; bố trí cán bộ, công chức có năng lực, trách nhiệm trong tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính của người nộp thuế, làm thủ tục hải quan; giảm tiếp xúc giữa cán bộ Thuế, cán bộ Hải quan với doanh nghiệp, người dân.
đ) Triển khai có hiệu quả mô hình một cửa liên thông, nâng cao trách nhiệm, sự phối hợp của cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan với các ngành, đơn vị liên quan trong quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan.
e) Tổ chức thực hiện tốt Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế hải quan một cửa quốc gia theo đúng cam kết với ASEAN, đưa công nghệ thông tin vào hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa hải quan.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, đơn vị liên quan xây dựng các Đề án về “Cơ chế kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”, về “Xã hội hóa việc mua sắm trang thiết bị và đầu tư hạ tầng cơ sở phục cho công tác hiện đại hóa kiểm tra giám sát hải quan”, về “Thông qua truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống VNACCS / VCIS , kiểm tra, kiểm soát chứng từ, hàng hóa xuất nhập khẩu”. Thí điểm xây dựng mô hình thống nhất quản lý tại các cửa khẩu theo hướng đưa cán bộ hải quan đi đào tạo nghiệp vụ tại các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành (trước mắt áp dụng với Cục Hải quan thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh).
-
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra thuế, hải quan; tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tạm nhập, tái xuất, các cửa hàng bán hàng miễn thuế tại khu kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là mặt hàng rượu ngoại, thuốc lá ngoại, nội tạng động vật. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi quy định liên quan đến hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu vào khu phi thuế quan, khu kinh tế cửa khẩu có dân cư sinh sống không có hàng rào cứng và hàng hóa gửi kho ngoại quan, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, đồng thời hạn chế tình trạng sơ hở, lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế.
-
Tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác quản lý thuế, hải quan. Đẩy mạnh phát triển đại lý thuế, đại lý hải quan; tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp, người dân thực hiện các thủ tục về thuế, hải quan thông qua các đại lý thuế, đại lý hải quan.
Chấn chỉnh, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức thuế, hải quan đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan đã đề ra; thường xuyên giáo dục nâng cao phẩm chất, đạo đức và năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thuế, hải quan; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, vi phạm pháp luật.
k) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi quy trình, thủ tục để giảm thời gian và giảm số lần thực hiện thủ tục hành chính thu, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
-
-
Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Quốc phòng và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia theo đúng tiến độ, nội dung đã đề ra; đảm bảo khả năng cung cấp dịch vụ công ở mức độ 3, 4 đối với các thủ tục hành chính một cửa của Bộ, ngành mình; khẩn trương xây dựng, phê duyệt, thực hiện dự án xây dựng hệ thống xử ]ý chuyên ngành để đảm bảo khả năng kết nối Cơ chế một cửa quốc gia; tham gia, phối hợp, xây dựng Đề án “Cơ chế kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.
Các đơn vị thanh tra, kiểm tra có liên quan đến vấn đề thuế, hải quan tại những doanh nghiệp đã thực hiện khai thuế, hải quan điện tử phải căn cứ vào hồ sơ, chứng từ điện tử tại doanh nghiệp để thanh tra, kiểm tra, không được yêu cầu doanh nghiệp xuất trình thêm bản giấy.
-
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại thực hiện kết nối với hệ thống Kho bạc, cơ quan Thuế và cơ quan Hải quan để đảm bảo công tác thu nộp ngân sách nhà nước thuận tiện, hiệu quả; nộp kịp thời các khoản chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước.
-
Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính đảm bảo nhu cầu biên chế cho công tác quản lý thuế và hải quan gắn với việc sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực.
-
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin cho công tác quản lý thuế, hải quan điện tử; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thông tin về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan đến doanh nghiệp và người dân.
-
Bộ Công Thương sớm hoàn thành đề án giá khí thị trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai quốc gia; Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi quy định về điều kiện thành lập doanh nghiệp mới, tăng cường công tác hậu kiểm, thu hồi giấy phép kinh doanh các doanh nghiệp vi phạm pháp luật để quản lý chặt chẽ hơn; Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành quy định về việc phối hợp trong việc thanh tra tại doanh nghiệp đảm bảo tránh trùng lắp, chồng chéo với thanh tra thuế, hải quan.
-
Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy trình, thủ tục hành chính thu, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để đến cuối năm 2014 cắt giảm 1/3 số lần và giảm 50% số giờ thực hiện nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế so với hiện nay.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; lắng nghe, phản ảnh kịp thời ý kiến, đề xuất của người nộp thuế về các cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan; phối hợp với các Bộ, ngành để kiến nghị và tham gia sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, đảm bảo phù hợp với thực tế và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
Ban Bí thư Trung ương Đảng;
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
Văn phòng Chủ tịch nước;
Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
Văn phòng Quốc hội;
Tòa án nhân dân tối cao;
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
Kiểm toán Nhà nước;
Ngân hàng Chính sách xã hội;
Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
Lưu: Văn thư, KTTH (3b).