Open navigation

Quyết định 1316/QĐ-TCHQ Chi tiết tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng máy vi tính chuyên dùng, máy in chuyên dùng trong hệ thống Hải quan


BỘ TÀI CHÍNH

TỔNG CỤC HẢI QUAN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 1316/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2018


QUYẾT ĐỊNH


QUY ĐỊNH CHI TIẾT TIÊU CHUẨN, ĐỊNH MỨC VÀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG MÁY VI TÍNH CHUYÊN DÙNG, MÁY IN CHUYÊN DÙNG TRONG HỆ THỐNG HẢI QUAN


TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN


Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017;


Căn cứ Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị;


Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/0015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;


Căn cứ Quyết định số 372/QĐ-BTC ngày 21/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng tại các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ Tài chính;


Căn cứ Quyết định số 460/QĐ-BTC ngày 03/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng tại các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ Tài chính;


Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị,


QUYẾT ĐỊNH:


Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chi tiết tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng máy vi tính chuyên dùng, máy in chuyên dùng trong hệ thống Hải quan”.


Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Quyết định 4635/QĐ-TCHQ ngày 30/12/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành quy chế quản lý, sử dụng thiết bị chuyên dùng máy vi tính, máy in, máy photocopy, máy scan trong ngành Hải quan.

Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.



Nơi nhận:

  • Như Điều 2;

  • Bộ Tài chính (Cục KHTC-để b/c);

  • Lãnh đạo Tổng cục (để b/c);

  • Lưu: VT, TVQT (10b).



KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG


 PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Dương Thái



QUY ĐỊNH


CHI TIẾT TIÊU CHUẨN, ĐỊNH MỨC VÀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ SỬ DỤNG MÁY VI TÍNH CHUYÊN DÙNG, MÁY IN CHUYÊN DÙNG TRONG HỆ THỐNG HẢI QUAN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1316/QĐ-TCHQ ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)



Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng


  1. Quyết định này quy định tiêu chuẩn định mức và chế độ quản lý, sử dụng các thiết bị chuyên dùng là: máy vi tính chuyên dùng, máy in chuyên dùng trang bị, sử dụng trong ngành Hải quan được hình thành từ các nguồn sau:


    1. Mua sắm từ nguồn kinh phí hoạt động của Tổng cục Hải quan;


    2. Mua sắm từ nguồn kinh phí khác: nguồn vốn viện trợ của Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và tổ chức quốc tế khác; nguồn vốn vay ODA và các nguồn kinh phí hợp pháp khác;


    3. Được cấp hiện vật từ nguồn viện trợ của Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và tổ chức quốc tế khác, nguồn vốn vay ODA; nguồn do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho, tặng hoặc được điều chuyển từ các dự án nước ngoài tài trợ khi kết thúc hoạt động...


  2. Các đơn vị, cá nhân trong ngành Hải quan được giao quản lý, sử dụng máy vi tính chuyên dùng, máy in chuyên dùng thuộc đối tượng áp dụng của quy chế này.


Điều 2. Nguyên tắc trang bị, quản lý, sử dụng tài sản


  1. Việc quản lý, sử dụng các tài sản quy định tại Điều 1 Quy chế này phải thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.


  2. Tiêu chuẩn định mức trang bị tài sản ban hành kèm theo Quyết định này là mức tối đa áp dụng cho các đơn vị, cá nhân trong ngành Hải quan được trang bị mới lần đầu. Các đơn vị chỉ thực hiện mua sắm khi cần thiết trang bị và còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức.


  3. Tài sản được trang bị phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn định mức, đúng mục đích, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị tiếp nhận sử dụng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị cũng như của Ngành.


  4. Các đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản có trách nhiệm theo dõi tình hình sử dụng tài sản và tình trạng kỹ thuật tài sản để kịp thời xử lý khi thay đổi nhu cầu sử dụng, tài sản gặp sự cố, hoặc có sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản.

  5. Các đơn vị, cá nhân được giao sử dụng tài sản có trách nhiệm sử dụng tài sản đúng mục đích, công năng tài sản; bảo vệ - bảo quản tài sản để luôn có phương tiện kỹ thuật tốt phục vụ công tác.


  6. Nghiêm cấm: việc trang bị không đúng mục đích, không đúng tiêu chuẩn định mức; trang bị nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; sử dụng sai mục đích, sai quy định, sai quy trình gây hư hỏng, thất thoát tài sản; cố ý làm hư hỏng tài sản; không quản lý tài sản dẫn đến hư hỏng, mất mát...


  7. Đơn vị và cá nhân vi phạm Quyết định này tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý, kỷ luật theo quy định.


Điều 3. Tiêu chuẩn, định mức trang bị


  1. Tiêu chuẩn, định mức trang bị máy vi tính chuyên dùng, máy in chuyên dùng, cho các đơn vị, cá nhân trong ngành Hải quan thực hiện theo Quyết định số 460/QĐ-BTC ngày 03/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.


  2. Đối với việc trang bị máy in chuyên dùng:


    1. Trường hợp định mức tính theo thiết bị/người, số lượng người được tính trên cơ sở số lượng cán bộ, công chức và người lao động của đơn vị nhưng không bao gồm người làm công tác như vệ sinh, tạp vụ, lái xe, bếp ăn, điện nước, bảo vệ... (sau đây gọi tắt là CBCC).


    2. Trường hợp định mức tính theo thiết bị/ đơn vị, các đơn vị được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai bộ máy làm việc (Tổ/ Đội/ cơ quan đại diện...) bên ngoài trụ sở chính được trang bị bổ sung 01 thiết bị/địa điểm triển khai.


  3. Việc trang bị máy vi tính chuyên dùng cho cá nhân áp dụng cho CBCC được giao nhiệm vụ chuyên môn đặc thù thuộc đối được được trang bị thiết bị chuyên dùng tại Phụ lục đính kèm Quyết định này và theo nguyên tắc 01 thiết bị/ người, trong đó:


    1. CBCC đã được trang bị một trong các loại máy vi tính chuyên dùng sẽ không được trang bị tiếp máy vi tính phổ biến (máy vi tính để bàn/ máy vi tính xách tay/ thiết bị điện tử tương đương theo tiêu chuẩn định mức máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ).


    2. CBCC đã được trang bị máy vi tính xách tay chuyên dùng theo định mức tại điểm

      1.4 mục 1 Phụ lục đính kèm Quyết định này sẽ không được trang bị các loại máy vi tính chuyên dùng khác.


    3. Khi điều chuyển sang vị trí công tác khác không thuộc đối tượng được trang bị máy tính xách tay chuyên dùng cho cá nhân, CBCC có trách nhiệm bàn giao thiết bị cho đơn vị quản lý để bố trí sử dụng đúng đối tượng.

    4. Không trang bị máy vi tính chuyên dùng cho CBCC đã được hưởng cơ chế khoán sử dụng máy vi tính.


  4. Việc trang bị máy vi tính xách tay chuyên dùng dùng chung cho đơn vị được tính trên cơ sở số lượng CBCC nhưng không bao gồm: (i) người đã được trang bị máy vi tính xách tay chuyên dùng theo định mức cho cá nhân, (ii) người đã hưởng cơ chế khoán kinh phí sử dụng máy vi tính tại đơn vị.


    Trường hợp cá nhân nào thuộc đối tượng trang bị máy xách tay chuyên dùng cá nhân nhưng đã được trang bị máy vi tính để bàn và không có có nhu cầu trang bị riêng máy xách tay chuyên dùng thì được tính vào số lượng người để xác định tiêu chuẩn định mức máy vi tính xách tay chuyên dùng sử dụng chung cho đơn vị.


  5. Máy vi tính, máy in chuyên dùng tại Trường Hải quan Việt Nam là máy vi tính, máy in sử dụng cho công tác điều hành hoạt động của Trường, không áp dụng cho hoạt động sự nghiệp giáo dục như: giảng dạy, đào tạo, phục vụ tại phòng học học viên...


Điều 4. Mua sắm, trang bị tài sản


  1. Việc mua sắm máy vi tính chuyên dùng, máy in chuyên dùng thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, quy định của Chính phủ, của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.


    Khi xây dựng kế hoạch/dự toán mua sắm, đơn vị phải báo cáo rõ sự cần thiết trang bị, số lượng thiết bị đã trang bị, số lượng theo tiêu chuẩn định mức.


    Đơn vị thẩm định kế hoạch/dự toán mua sắm phải đánh giá sự cần thiết trang bị, thừa thiếu so với tiêu chuẩn định mức mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt mua sắm.


    Việc trang bị thay thế cho các thiết bị chuyên dùng đã thanh lý phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn định mức tại Quyết định này.


  2. Việc thuê máy vi tính chuyên dùng, máy in chuyên dùng thực hiện theo quy định của pháp luật về thuê tài sản, đấu thầu và các quy quy định của Chính phủ, của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.


  3. Trường hợp tiếp nhận viện trợ, quà tặng, cho biếu của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoặc từ ngân sách địa phương, các đơn vị căn cứ tiêu chuẩn định mức và nhu cầu sử dụng để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ, tặng, cho biếu, tránh trang bị lãng phí.


Điều 5. Lập, lưu giữ hồ sơ tài sản


  1. Hồ sơ tài sản liên quan đến việc hình thành, biến động tài sản nhà nước bao gồm:

    1. Tài sản hình thành từ mua sắm: Hồ sơ đề xuất mua sắm; Quyết định mua sắm; hợp đồng mua sắm; biên bản nghiệm thu, bàn giao; biên bản thanh lý hợp đồng; Quyết định trang cấp/điều chuyển tài sản.


    2. Tài sản hình thành thông qua viện trợ: Hồ sơ xây dựng danh mục tài sản viện trợ; văn bản chấp thuận tiếp nhận viện trợ của cấp có thẩm quyền; điều ước, thoả thuận về viện trợ/ hợp đồng chuyển giao tài sản; biên bản nghiệm thu (nếu có), biên bản bàn giao; văn bản xác nhận viện trợ, quyết định xác lập quyền sở hữu tài sản nhà nước, quyết định chuyển giao tài sản của cấp có thẩm quyền.


    3. Tài liệu kỹ thuật do nhà sản xuất cung cấp (nếu có).


    4. Các văn bản liên quan đến việc sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp, thu hồi, điều chuyển, thanh lý, bán, tiêu hủy tài sản (nếu có).


    5. Cơ sở dữ liệu về tài sản trên Chương trình phần mềm quản lý tài sản.


  2. Các đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các cá nhân có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình phải lập, lưu giữ hồ sơ tài sản nhà nước theo quy định.


  3. Đơn vị/ bộ phận được giao nhiệm vụ mua sắm/ tiếp nhận viện trợ tài sản có trách nhiệm lập danh mục tài sản, trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định điều chuyển tài sản làm căn cứ hạch toán kế toán và nhập liệu trên chương trình phần mềm Quản lý tài sản.


Cục Tài vụ - Quản trị chủ trì thẩm tra hồ sơ điều chuyển tài sản đối với các tài sản mua sắm tại cấp Tổng cục, trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định điều chuyển tài sản.


Phòng/ bộ phận Quản lý tài sản tại các Cục Hải quan chủ trì thẩm tra hồ sơ điều chuyển tài sản đối với các tài sản mua sắm tại cấp Cục, trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định điều chuyển tài sản.


Điều 6. Sử dụng, bảo quản, bảo trì, sửa chữa và xử lý tài sản


  1. Việc sử dụng tài sản phải tuân theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đối với từng loại tài sản, quy định của Quyết định này và chỉ dùng để phục vụ hoạt động nghiệp vụ tại đơn vị. Đơn vị được giao quản lý sử dụng tài sản có trách nhiệm ban hành Quy chế quản lý sử dụng tài sản.


  2. Để đảm bảo hiệu quả hoạt động của tài sản, trong quá trình sử dụng tài sản, các đơn vị, cá nhân được giao sử dụng tài sản có trách nhiệm: bảo quản, vệ sinh tài sản; thực hiện bảo dưỡng định kỳ theo quy định của nhà sản xuất.


  3. Khi phát hiện tài sản gặp sự cố, hư hỏng mà không tự khắc phục được, cá nhân, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản báo cáo đơn vị trực tiếp quản lý tài sản để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để hư hỏng kéo dài.

  4. Trình tự, thủ tục và các hồ sơ trình duyệt thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý các tài sản phải tuân theo quy định hiện hành của Nhà nước và phân cấp xử lý của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.


Điều 7. Trách nhiệm của các đơn vị


  1. Trách nhiệm của Cục Tài vụ - Quản trị:


    1. Chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Tổng cục Hải quan về tình hình quản lý tài sản trong toàn ngành.


    2. Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thực hiện Quyết định này và tổng hợp các vướng mắc trong quá trình thực hiện.


    3. Thẩm định, bố trí kịp thời kinh phí mua sắm, trang bị, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản.


    4. Triển khai thực hiện các quy định khác có liên quan tại Quyết định này; Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định.


  2. Các đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm, tiếp nhận viện trợ các tài sản thực hiện đầy đủ trách nhiệm quy định tại Quyết định này; công khai, phổ biến Quyết định trong toàn đơn vị.


  3. Trách nhiệm của đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản:


    1. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm quy định tại Quyết định này; công khai, phổ biến Quyết định này và quy chế quản lý sử dụng trong toàn đơn vị;


    2. Xây dựng kế hoạch mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa hàng năm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.


    3. Kiểm tra, theo dõi quản lý, sử dụng tài sản được trang cấp; Thực hiện kiểm kê định kỳ, xử lý tài sản, báo cáo tài sản theo quy định hiện hành.


    4. Triển khai thực hiện các quy định khác có liên quan tại Quyết định này.


    5. Thực hiện sắp xếp lại, xử lý máy vi tính, máy in tại đơn vị theo quy định tại Điều 27 Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.


  4. Cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản phải thực hiện đầy đủ các quy định tại Quyết định này.


Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các đơn vị phản ánh về Tổng cục Hải quan (qua Cục Tài vụ - Quản trị) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.