BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5446/TCHQ-GSQL V/v vướng mắc thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 2018 |
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.
Tiếp theo công văn số 4063/TCHQ-GSQL ngày 11/7/2018 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; căn cứ công văn số 6321/BCT-KHCN ngày 10/8/2018 của Bộ Công Thương; công văn số 4130/ATTP-KN ngày; 08/8/2018 của Bộ Y tế; công văn số 5932/BNN-QLCL ngày 03/8/2018, Quyết định số 3489/QĐ-BNN-QLCL ngày 31/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan thông báo ý kiến của các Bộ như sau:
1. Về việc ủy quyền nhập khẩu:
Căn cứ khoản 5, Điều 3 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thì các tổ chức, cá nhân được ủy quyền được phép sử dụng Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy/ Giấy xác nhận công bố phù hợp ATTP còn hiệu lực do các tổ chức/ cá nhân đứng tên công bố sản phẩm ủy quyền.
2. Về các trường hợp được cảnh báo về an toàn thực phẩm:
Điều 13 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm (trừ các trường hợp được cảnh báo về an toàn thực phẩm).
Các trường hợp được cảnh báo về an toàn thực phẩm do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, UBND cấp tỉnh hoặc của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc nhà sản xuất (điểm c, khoản 3 Điều 17 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP), các hình thức thông báo bằng văn bản, cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc cổng thông tin điện tử chính thức của các cơ quan nêu trên. Khi nhận được thông báo chính thức về các trường hợp cảnh báo từ các cơ quan nêu trên, Tổng cục sẽ có văn bản gửi các đơn vị hải quan để thực hiện.
3. Về Giấy chứng nhận tương đương với các Giấy chứng nhận HACCP, ISO 22000, IFS, BRC 22000:
Giấy chứng nhận tương đương với Giấy chứng nhận HACCP, ISO 22000, IFS, BRC 22000 quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP là Giấy chứng nhận cấp cho cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên nguyên tắc phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (Hazard Analysis van Critical Control Points-HACCP) hoặc những cơ sở sản xuất thực phẩm tại nước xuất khẩu thực phẩm vào Việt Nam đã được cấp Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm khác bởi tổ chức đánh giá sự phù hợp đã được công nhận của chính quốc gia đó thì Giấy chứng nhận đó có giá trị tương đương.
Theo ý kiến của Bộ NN&PTNT thì hiện tại chưa có văn bản nào quy định về vấn đề này nên chỉ có thể xem xét cụ thể loại chứng nhận được xuất trình kèm theo hồ sơ đăng ký nhập khẩu để đánh giá và kết luận.
4. Cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm do Bộ Công Thương chỉ định:
Hiện nay, việc chỉ định các đơn vị có chức năng kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu đã được Bộ Công Thương thông báo tại công văn số 6321/BCT-KHCN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo tại Quyết định số 3489/QĐ-BNN-QLCL. Đề nghị các đơn vị căn cứ danh sách các đơn vị kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại các văn bản nêu trên để thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổng hợp, báo cáo Tổng cục (qua Cục Giám sát quản lý) để có hướng dẫn cụ thể./.
(gửi kèm công văn số 6321/BCT-KHCN ngày 10/8/2018 của Bộ Công Thương; Quyết định số 3489/QĐ-BNN-QLCL ngày 31/8/2018 của Bộ NN&PTNT)
Nơi nhận: - Như trên; - TT Vũ Thị Mai (để b/c); - Các Bộ: Y tế, Công Thương, NN&PTNT, Tư Pháp; VCCI (để phối hợp); - Lưu: VT, GSQL (3b). | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |