Open navigation

Quyết định 456/QĐ-BCT Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Bộ Công Thương


BỘ CÔNG THƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 456/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2019


QUYẾT ĐỊNH


KẾ HOẠCH THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP) CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG


BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG


Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 08 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;


Căn cứ Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP);


Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên;


QUYẾT ĐỊNH:


Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Bộ Công Thương.


Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.


Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Chánh Văn phòng Bộ và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.



Nơi nhận:

  • Văn phòng Chính phủ;

  • Các đ/c Thứ trưởng;

  • Các Vụ: AP, AM, KHCN, TC, PC, KH;

  • Các Cục: XNK, CT, PVTM, XTTM, TMĐT;

  • VPB, VPBCĐLNKT, Trung tâm TTCN&TM;

  • Lưu: VT, ĐB (2),


    BỘ TRƯỞNG


    Trần Tuấn Anh

    KẾ HOẠCH THỰC HIỆN


    HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP) CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

    (Kèm theo Quyết định số 456QĐ/BCT-ĐB ngày 01 tháng 03 năm 2019 của Bộ Công Thương)


    1. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG KẾ HOẠCH


      1. Cơ sở pháp lý


        • Việt Nam cùng 10 nước bao gồm Ốt-xtrây-lia, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi- lê, Ma-lai-xia, Mê-hi-cô, Nhật Bản, Niu Di-lân, Pê-ru và Xinh-ga-po đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chi-lê vào ngày 8 tháng 3 năm 2018. Theo quy định, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ khi có 6 nước thành viên hoàn tất thủ tục phê chuẩn và thông báo cho nước lưu chiểu là Niu Di-lân.


        • Ngày 30 tháng 12 năm 2018, Hiệp định đã chính thức có hiệu lực đối với 6 nước thành viên gồm Mê-hi-cô, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Niu Di-lân, Ca-na- đa và Ốt-xtrây-lia sau khi các nước này hoàn tất thủ tục phê chuẩn và thông báo cho Niu Di-lân.


        • Đối với Việt Nam, ngày 12 tháng 11 năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 72/2018/QH14 về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan. Ngày 15 tháng 11 năm 2018, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi văn bản thông báo cho Niu Di-lân về việc hoàn tất thủ tục phê chuẩn. Căn cứ theo điều khoản có hiệu lực của Hiệp định, ngày 14 tháng 01 năm 2019 là ngày Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.


        • Ngày 25 tháng 01 năm 2019, tại Quyết định số 121/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện doanh nghiệp triển khai thực hiện Kế hoạch.


        • Tại công văn số 9552/BCT-KH của Bộ Công Thương ngày 23 tháng 11 năm 2018 do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giao Vụ Đa biên chủ trì việc xây dựng kế hoạch, lộ trình, phân công chi tiết các nội dung công việc để triển khai Hiệp định CPTPP.


      2. Sự cần thiết


        • Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP. Vì vậy, Bộ Công Thương cần phải xây dựng Kế hoạch thực hiện rõ ràng để bảo đảm triển khai đầy đủ nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao.

        • Hiệp định CPTPP là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam đàm phán, ký kết và phê chuẩn. Hiệp định này có mức độ cam kết sâu và rộng hơn nhiều các FTA trước đây của Việt Nam. Hiệp định này dự kiến sẽ đem lại nhiều cơ hội to lớn nhưng cũng đi kèm những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam, trong đó có nhiều lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương. Do đó, việc xây dựng Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương sẽ giúp Bộ một mặt hoàn thành nhiệm vụ đầu mối triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP do Chính phủ giao mặt khác sẽ giúp Bộ chủ động trong việc tận dụng các cơ hội cũng như hạn chế các thách thức đối với những lĩnh vực phụ trách.


        • Hiện nay, nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp về Hiệp định CPTPP rất lớn, đặc biệt sau khi Hiệp định được Quốc hội Việt Nam thông qua. Mặc dù trong thời gian qua đã có nhiều hội thảo được tổ chức tại một số địa phương nhưng chủ yếu mang tính tự phát, không theo chương trình tuyên truyền có tính hệ thống của Chính phủ. Vì vậy, dư luận rất mong chờ Chính phủ, cụ thể là Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan chủ trì đàm phán Hiệp định CPTPP trực tiếp tổ chức các hội thảo, tọa đàm có chất lượng và chuyên môn cao để giới thiệu và giải thích đầy đủ, cặn kẽ về Hiệp định CPTPP tới các đối tượng quan tâm.


    2. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, LỘ TRÌNH THỰC HIỆN VÀ NGUỒN KINH PHÍ


  1. Mục tiêu


    • Tập trung hỗ trợ tất cả các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định CPTPP.


    • Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ mà Bộ Công Thương được giao với tư cách là cơ quan đầu mối trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP trên cơ sở huy động sự tham gia của tất cả các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Công Thương. Điều này sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Bộ Công Thương trong quá trình đàm phán FTA nói riêng và lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế nói chung.


    • Hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và công chúng nắm được nội dung cam kết của Hiệp định CPTPP và cách thức thực thi cam kết Hiệp định trong từng lĩnh vực một cách đúng đắn và nhất quán thông qua kế hoạch thực hiện rõ ràng, hiệu quả, nhất quán và có tính kết nối với các cơ quan, tổ chức liên quan, đặc biệt là báo chí và truyền thông.


    • Vận dụng và phát huy có hiệu quả các ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế tối thiểu các thách thức của Hiệp định CPTPP trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo.

    • Giúp xây dựng kế hoạch tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác cũng như sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước cho việc thực hiện Hiệp định CPTPP hiệu quả, tiết kiệm.


  2. Đối tượng


    Tập trung vào các nhóm đối tượng chủ yếu như sau:


    • Các Bộ, ngành, địa phương;


    • Các hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp và các doanh nghiệp trên toàn quốc;


    • Các cơ quan truyền hình, báo chí trung ương và địa phương, đội ngũ phóng viên và biên tập viên thuộc các cơ quan truyền hình, báo chí phụ trách lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế thuộc các cơ quan này;


    • Các cán bộ quản lý nhà nước thuộc các Bộ, ngành trung ương và các Sở ban ngành hữu quan thuộc các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước;


    • Giới học giả, nhà nghiên cứu và cán bộ làm công tác giảng dạy về hội nhập kinh tế quốc tế thuộc các viện, trường đại học trên phạm vi cả nước.


  3. Phạm vi


    Tất cả các hoạt động của Kế hoạch này sẽ tập trung triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước.


  4. Lộ trình triển khai


    - Giai đoạn 1 (năm 2019): bao gồm các nhiệm vụ chính như sau:


    + Tập trung hoàn tất các công việc liên quan đến ban hành các văn bản pháp luật cần thiết để thực hiện Hiệp định CPTPP;


    + Xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, tập trung vào việc tuyên truyền, giới thiệu các thông tin về Hiệp định CPTPP và các chương cụ thể của Hiệp định;


    + Xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử về FTA trên cơ sở phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Sứ quán Ốt-xtrây-lia tại Hà Nội;


    + Xây dựng và vận hành các đầu mối triển khai các nội dung liên quan đến Bộ Công Thương để thực hiện và tham gia Hiệp định CPTPP;

    + Nâng cao năng lực cung cấp thông tin của các đơn vị trong Bộ Công Thương, đặc biệt là hệ thống thương vụ, trung tâm thông tin, trung tâm xúc tiến thương mại, văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp thông tin hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp;


    + Xây dựng các chương trình, hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cho các ngành hàng và dịch vụ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương;


    + Xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam vào thị trường các nước CPTPP;


    + Xây dựng và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật (tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, vệ sinh an toàn thực phẩm …) phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng;


    + Xây dựng Đề án tăng cường sử dụng hệ thống có cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu về nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như chủ động xây dựng các các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định và cam kết quốc tế để bảo vệ sản xuất trong nước, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam;


    + Xây dựng, củng cố cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương trong các vụ việc phòng vệ thương mại;

    + Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam, sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định hoặc các cơ chế khác khi cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam;


    + Điều phối và tham gia các hoạt động của Hội đồng CPTPP, các Ủy ban chuyên môn CPTPP và các công việc liên quan khác.


    - Giai đoạn 2 (năm 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035):


    + Tiếp tục triển khai các công việc liên quan đến việc sửa đổi, ban hành văn bản pháp luật cần thiết để thực hiện Hiệp định CPTPP;


    + Triển khai hoạt động tuyên truyền chuyên sâu, chú trọng vào các khóa tập huấn, đào tạo kiến thức về Hiệp định CPTPP cho cán bộ trung ương, địa phương và các doanh nghiệp;

    + Tiếp tục nâng cao năng lực cung cấp thông tin của các đơn vị trong Bộ Công Thương, đặc biệt là hệ thống thương vụ, trung tâm thông tin, trung tâm xúc tiến thương mại để cung cấp thông tin hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp;


    + Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật (tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ, bảo vệ môi trường…) phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng;


    + Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng Đề án cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, củng cố cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương trong các vụ phòng vệ thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại v.v;


    + Triển khai các nhiệm vụ khác được giao.


  5. Nguồn kinh phí


    Để thực hiện các hoạt động của Kế hoạch này, dự kiến sẽ có 3 nguồn kinh phí như sau:


    • Ngân sách Nhà nước;


    • Nguồn tài trợ của các đối tác nước ngoài, tập trung vào các nước phát triển tham gia CPTPP như Ca-na-đa, Ốt-xtrây-lia, Niu Di-lân, Nhật Bản v.v… và một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), v.v;


    • Nguồn kinh phí huy động tài trợ của các các cơ quan truyền hình, báo chí; các viện, trường đại học, v.v.


  6. Tổ chức thực hiện


    1. Đối với nhóm hoạt động lấy kinh phí từ nguồn Ngân sách nhà nước (NSNN)


      • Căn cứ vào nội dung Kế hoạch được phê duyệt nêu trên, hàng năm, Vụ Đa biên chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong Bộ lập đề xuất tổng thể các hoạt động cụ thể sẽ triển khai và dự toán kinh phí cả giai đoạn phù hợp với các hình thức hoạt động nêu trong Kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ được phân công phụ trách để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ phê duyệt;


      • Trên cơ sở phê duyệt của Lãnh đạo Bộ, giao Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp chủ trì, phối hợp cùng Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm, bố trí đầy đủ kinh phí cần thiết, đồng thời giao cho các đơn vị và hướng dẫn các đơn vị về quy trình, thủ tục cần thiết liên quan tới tài chính để triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của Bộ Công Thương.

    2. Đối với nhóm hoạt động lấy kinh phí ngoài Ngân sách nhà nước


      • Giao Vụ Đa biên chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ tiếp nhận các đề xuất hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp liên quan tới việc thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch này;


      • Giao Vụ Đa biên và Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền hình, báo chí, viện, trường đại học xây dựng nội dung và vận động tài trợ từ các nguồn lực khác nhau cho các chương trình truyền hình, báo chí, mạng xã hội, chương trình giảng dạy và nghiên cứu.


    3. Cơ chế đánh giá và rà soát


  • Hàng năm, định kỳ trước ngày 15 tháng 11, các đơn vị liên quan trong Bộ gửi báo cáo tổng kết đánh giá kết quả thực hiện cho Vụ Đa biên để tổng hợp, trình Lãnh đạo Bộ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện và kiến nghị các biện pháp điều chỉnh phù hợp trong năm tiếp theo, bảo đảm Kế hoạch được thực hiện hiệu quả và đồng bộ.


- Sau thời gian 5 năm thực hiện, Vụ Đa biên chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ rà soát kết quả thực hiện Kế hoạch để đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả các nhiệm vụ được nêu ra nhằm duy trì tận dụng cơ hội và hạn chế các thách thức của Hiệp định được lâu dài và phù hợp hơn với bối cảnh mới.

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.