BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 2020 |
Kính gửi: Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 1982/HQHCM-TXNK ngày 09/7/2020 và số 1183/HQHCM-TXNK ngày 23/4/2020 của Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh vướng mắc về trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Vướng mắc về việc gửi và tiếp nhận đề nghị tham vấn một lần:
Căn cứ quy định tại khoản 1 mục II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 1304/QĐ-TCHQ ngày 29/4/2020 thì người khai hải quan phải gửi đề nghị đến cơ quan hải quan thông qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến sau khi có kết quả tham vấn. Trường hợp người khai hải quan gửi đề nghị bằng văn bản qua đường văn thư, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp nhận và xử lý theo quy trình đã được ban hành tại Quyết định số 1304/QĐ-TCHQ .
2. Vướng mắc về điều kiện chấp nhận tham vấn giá một lần:
Qua theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện thủ tục tham vấn trị giá hải quan tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thì vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp cơ quan hải quan chấp nhận trị giá kê khai mà không kiểm tra đầy đủ, dẫn đến rủi ro đối với công tác thu Ngân sách của ngành. Các trường hợp này tập trung nhiều ở các doanh nghiệp có hạng rủi ro cao. Do đó, để phòng ngừa khả năng doanh nghiệp lợi dụng sự thuận lợi của thủ tục tham vấn một lần, mặt khác để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật hải quan, Tổng cục Hải quan sử dụng tiêu chí hạng doanh nghiệp để xem xét, chấp nhận áp dụng kết quả tham vấn một lần. Đề xuất của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
3. Vướng mắc về căn cứ bác bỏ trị giá khai báo khi kiểm tra, tham vấn trị giá đối với trường hợp bác bỏ trị giá khai báo do “khai báo không đúng, không đủ tiêu chí mô tả hàng hóa tại tờ khai hải quan có ảnh hưởng đến trị giá hải quan”:
Căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 và điểm đ.2 khoản 4 Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC thì cơ quan hải quan yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo, trường hợp quá thời hạn mà người khai hải quan không thực hiện khai bổ sung hoặc khai bổ sung không đúng thì cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế theo quy định. Theo đó, việc hiểu theo quan điểm thứ hai của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh là phù hợp với quy định.
4. Vướng mắc về phần mềm điều khiển vận hành:
Căn cứ khoản 5, khoản 19 Điều 1 và khoản 5, khoản 6 Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1, khoản 5 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Tổng cục Hải quan tại công văn số 7837/TCHQ-TXNK thì:
a) Đối với trường hợp nhập khẩu phương tiện trung gian có chứa phần mềm điều khiển vận hành nhưng không thuộc quy định tại khoản 5 Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC thì thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính.
b) Đối với trường hợp máy móc thiết bị nhập khẩu kèm điều khiển vận hành (thể hiện trên hợp đồng mua bán) nhưng phần mềm không nhập khẩu trực tiếp mà truyền qua internet khi cài đặt, đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phải xác định trị giá của máy móc thiết bị đã bao gồm trị giá của phần mềm hay chưa, nếu chưa bao gồm thì phải cộng thêm trị giá phần mềm vào trị giá của máy móc thiết bị.
c) Đối với trường hợp nhập khẩu phần mềm điều khiển vận hành trước thời điểm Thông tư 60/2019/TT-BTC có hiệu lực: đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thực hiện cho doanh nghiệp khai bổ sung hoặc ấn định thuế theo đề xuất tại công văn số 1183/HQHCM-TXNK ngày 23/4/2020.
5. Vướng mắc về hệ thống GTT02: Tổng cục Hải quan đã khắc phục vướng mắc theo phản ánh của đơn vị.
Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh được biết và thực hiện./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |