Open navigation

Công văn 6506/TCHQ-GSQL Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát gỗ nguyên liệu bạch dương nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN

 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 ---------------

Số: 6506/TCHQ-GSQL
v/v tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát gỗ nguyên liệu bạch dương nhập khẩu

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2020

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Theo chỉ đạo của Chính phủ tại công văn số 5768/VPCP-KTTH ngày 15/7/2020 về việc Tổ chức Forest Trend cảnh báo một số doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với rủi ro trong luồng cung cấp gỗ nguyên liệu bất hợp pháp từ Nga và Ucraine chủ yếu được nhập khẩu qua Trung Quốc, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc thực hiện các nội dung sau để tăng cường công tác kiểm tra nguồn gốc gỗ nguyên liệu bạch dương nhập khẩu từ Trung Quốc:

1. Khi làm thủ tục hải quan đối với mặt hàng gỗ nguyên liệu nhập khẩu cần căn cứ quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018) để thực hiện đồng thời đối chiếu với các quy định tại Điều 25, 26 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 5/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để xác định chính sách mặt hàng áp dụng đối với loại hàng hóa này.

2. Tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm rõ diễn biến tình hình về hoạt động nhập khẩu gỗ nguyên liệu bạch dương từ các thị trường như Trung Quốc, Nga, Ucraine để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp buôn lậu, gian lận nguồn gốc nguyên liệu gỗ nhập khẩu, đặc biệt các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Nga, Ucraine và Trung Quốc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

3. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, giám sát hàng hóa tại cửa khẩu. Trong quá trình giám sát hàng hóa lưu giữ tại cửa khẩu nếu phát hiện hàng hóa không có xuất xứ hoặc có nghi ngờ gian lận về số lượng, chủng loại, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thì thực hiện kiểm tra thực tế ngay tại cửa khẩu và chuyển thông tin cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để xử lý theo quy định.

4. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gian lận trốn thuế hoặc mặt hàng nhập khẩu có nghi vấn về trị giá, số lượng, chủng loại, xuất xứ thì thiết lập tiêu chí, đưa vào nhóm đối tượng có rủi ro cao để áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát phù hợp, đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra sau thông quan để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

5. Phối hợp, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường trong đấu tranh chống nguy cơ nhập khẩu gỗ lậu, thẩm lậu vào thị trường nội địa.

Nhận được công văn này, yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về Hải quan) để có chỉ đạo./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- TT Vũ Thị Mai (để b/c);
- Tổng cục trưởng (để b/c);
- Các Cục: ĐTCBL, KTSTQ, QLRR, Vụ TTr-Ktra (để thực hiện);
 - Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




 Mai Xuân Thành

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.