BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2169/LĐTBXH-KHTC V/v xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2023-2025 (Vốn sự nghiệp) | Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2022 |
Kính gửi: Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ
Thực hiện Luật Ngân sách nhà nước; Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước; các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính: số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 về việc hướng dẫn Nghị định số 163/2016/NĐ-CP và số 69/2017/TT-BTC ngày 07/7/2017 về hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, Bộ hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 như sau:
I. ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022
1. Căn cứ đánh giá nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2022
- Dự toán thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 được giao tại Quyết định số 1488/QĐ-LĐTBXH ngày 30/12/2021 và các Quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có).
- Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Quyết định số 18/QĐ-LĐTBXH ngày 10/01/2022 của Bộ ban hành Kế hoạch hành động của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
- Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 08/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 4956/LĐTBXH-KHTC ngày 22/11/2018 của Bộ trưởng về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước theo Chỉ thị số 31/CT-TTg.
- Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022;
- Tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022; các giải pháp phấn đấu hoàn thành vượt dự toán ngân sách nhà nước 2022 trong những tháng còn lại đã được các cấp có thẩm quyền quyết định.
- Các kết luận, kiến nghị của các cơ quan chức năng đối với công tác thanh tra, kiểm toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng khi tổ chức thực hiện thu chi ngân sách nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính.
2. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2022
2.1. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN
- Đánh giá thực hiện thu NSNN năm 2022 theo quy định của Luật NSNN, không đánh giá vào NSNN các khoản thu phí đã chuyển sang giá dịch vụ theo quy định của Luật Phí và lệ phí; các khoản được khấu trừ đối với cơ quan nhà nước hoặc khoản trích lại của các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện.
- Đánh giá kết quả thực hiện thu phí, lệ phí, thu xử phạt hành chính 6 tháng đầu năm và ước cả năm 2022; trong đó chi tiết số được để lại chi, chi tiết số sử dụng cho chi thường xuyên và chi cho các chương trình, dự án đầu tư theo quy định; số còn dư đến hết năm 2022 (nếu có); những thuận lợi, khó khăn, nhất là tác động của xung đột chính trị trên thế giới, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ của đơn vị sự nghiệp.
- Đánh giá kết quả thực hiện các khoản thu được để lại theo quy định đối với các cơ quan hành chính nhà nước được hưởng cơ chế đặc thù theo quy định của các cấp thẩm quyền; nguồn phí để lại, các khoản thu nghiệp vụ, khoản trích qua công tác thanh tra, kiểm toán và dự kiến số lũy kế còn lại đến hết năm 2022.
- Các khoản thu của các đơn vị sự nghiệp công lập (ngoài nguồn NSNN), trên cơ sở đó xác định mức độ tự chủ tài chính của từng đơn vị; đánh giá các khoản thu phí được để lại theo quy định của pháp luật đối với cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
2.2. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2022
- Báo cáo tình hình thực hiện phân bổ, giao dự toán và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2022 theo từng lĩnh vực chi được giao, trong đó bên cạnh việc đánh giá các nhiệm vụ chi theo dự toán, tập trung làm rõ tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
- Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, các chương trình, dự án lớn trong 6 tháng đầu năm, dự kiến cả năm 2022; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý.
- Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát chi tiêu các nguồn kinh phí trong những tháng còn lại đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2.3. Đánh giá tình hình thực hiện các CTMTQG và các chương trình, dự án, đề án khác
a) Đối với 03 chương trình mục tiêu quốc gia:
Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đơn vị được giao chủ trì và thực hiện các hoạt động thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia báo cáo cụ thể:
- Tình hình xây dựng các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình;
- Tổng mức kinh phí cho Chương trình theo phê duyệt của cấp thẩm quyền; kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025 đối với từng CTMTQG (cụ thể nguồn NSTW, NSĐP; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác; nguồn vốn vay, nguồn vốn huy động khác - nếu có), theo từng lĩnh vực chi (nếu có);
- Việc dự kiến phân bổ, giao dự toán năm 2022 (gồm cả dự toán năm 2021 chuyển sang) đối với từng CTMTQG; tiến độ giải ngân, khả năng thực hiện năm 2022, chi tiết đối với từng nguồn NSTW, NSĐP; nguồn vốn ĐTPT, chi thường xuyên; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác; nguồn vốn vay, nguồn vốn huy động khác - nếu có), theo từng lĩnh vực chi;
- Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị (nếu có).
b) Đối với các nhiệm vụ thường xuyên thuộc các chương trình mục tiêu (CTMT) giai đoạn 2016-2020 tiếp tục thực hiện và được cấp thẩm quyền phê duyệt dưới dạng chương trình, dự án, đề án giai đoạn 2021-2025 hoặc đến năm 2030, được giao dự toán, bổ sung hoặc đang trình bổ sung kinh phí năm 2022, các đơn vị báo cáo tình hình ban hành văn bản hướng dẫn, thực hiện năm 2022 theo từng lĩnh vực chi. Trường hợp có sử dụng nguồn vốn ngoài nước, báo cáo riêng tình hình phân bổ, giải ngân đối với từng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, các đề xuất kiến nghị (nếu có).
c) Đối với các chương trình, dự án khác sử dụng nguồn vốn ngoài nước:
- Các đơn vị đánh giá tình hình phân bổ, giao, thực hiện dự toán chi năm 2022, việc điều chỉnh, bổ sung năm 2022 (nếu có) theo Hiệp định, Thỏa thuận đã ký kết, chi tiết theo từng nguồn vốn (vốn ODA không hoàn lại, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức); cơ chế tài chính, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị (nếu có). Đối với vốn viện trợ không hoàn lại, đánh giá về việc tiếp nhận các khoản viện trợ mới phát sinh, chưa có trong dự toán, tiến độ về thủ tục bổ sung dự toán.
- Đánh giá kết quả giải ngân vốn ngoài nước, so sánh với dự toán được giao; làm rõ nguyên nhân của việc giải ngân chậm; đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình, dự án.
2.4. Tình hình thực hiện chính sách tiền lương và tạo nguồn cải cách tiền lương năm 2022
- Biên chế, quỹ lương, các khoản phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo chế độ quy định (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn).
- Các đơn vị đánh giá việc thực hiện chính sách tạo nguồn chi cải cách tiền lương gắn với sắp xếp lạo tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm: tỷ lệ trích số thu được để lại theo quy định và khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2022 tăng thêm (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) để tạo nguồn cải cách tiền lương.
2.5. Đối với các nhiệm vụ quản lý nhà nước chủ yếu của ngành:
a) Đối với các chế độ, chính sách: Đánh giá tổng thể toàn bộ các chính sách, chế độ; rà soát, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách, chế độ không phù hợp với thực tế.
b) Thực hiện tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy: Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, ước cả năm 2022 và tổng hợp lũy kế tình hình thực hiện đến hết năm 2022, chi tiết theo từng mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII (Nghị quyết số 18-NQ/TW), Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị (Kết luận số 28-KL/TW) về tình hình biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các văn bản liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó chi tiết:
- Số giảm biên chế, giảm đầu mối tổ chức bộ máy (đối với các trường hợp đánh giá đến hết năm 2022 chưa hoàn thành mục tiêu tại các Kết luận, Nghị quyết nêu trên, đơn vị giải trình cụ thể khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân).
- Số kinh phí NSNN tiết kiệm được do giảm biên chế, giảm tổ chức bộ máy, trong đó số sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương.
- Số kinh phí phải bố trí từng năm từ NSNN để thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế (Nghị định số 108/2014/NĐ-CP), Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế (Nghị định số 113/2018/NĐ-CP).
c) Thực hiện đổi mới khu vực sự nghiệp công:
- Kết quả sắp xếp, đổi mới hệ thống, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 19-NQ/TW), Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công (Nghị định số 60/2021/NĐ-CP) trong 6 tháng đầu năm, ước cả năm 2022 và lũy kế đến hết năm 2022; trong đó: đánh giá cụ thể việc thực hiện lộ trình giá, phí dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, các trường hợp có lộ trình khác, đơn vị báo cáo cụ thể mức độ dự kiến đạt được đến hết năm 2022, giải trình nguyên nhân, tiến độ báo cáo và phê duyệt của các cấp thẩm quyền (nếu có); trên cơ sở đó, đánh giá chi tiết việc thực hiện từng mục tiêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW (cụ thể dự kiến số lượng và mức độ tự chủ của từng đơn vị; từng nguồn tài chính (nguồn NSNN, nguồn thu sự nghiệp), từng nhiệm vụ chi đối với từng đơn vị, từng lĩnh vực sự nghiệp; tổng số biên chế và số lượng biên chế hưởng lương từ NSNN theo từng lĩnh vực sự nghiệp vào thời điểm năm 2022).
- Tác động của việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao khả năng tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đến việc bố trí NSNN theo từng lĩnh vực trong năm 2022, lũy kế đến hết năm 2022 và việc sử dụng số kinh phí NSNN dành ra từ việc nâng cao tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị.
2.6. Đánh giá kế hoạch tài chính của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách năm 2022
Các đơn vị được giao quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch thu - chi và các nhiệm vụ được giao 6 tháng và dự kiến cả năm 2022; các khó khăn, vướng mắc phát sinh và kiến nghị giải pháp xử lý.
II. XÂY DỰNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2023
1. Yêu cầu xây dựng dự toán năm 2023
a) Dự toán NSNN năm 2023 được xây dựng theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn; bao quát hết nhiệm vụ thu – chi ngân sách (vốn trong nước và vốn ngoài nước); có đầy đủ thuyết minh cơ sở pháp lý, căn cứ tính toán; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, các kế hoạch 5 năm 2021-2025, các mục tiêu theo các Nghị quyết của Trung ương; các văn bản pháp luật và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền có liên quan; các cơ chế, chính sách đặc thù theo quy định; đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ nhằm triển khai các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).
b) Trên cơ sở đánh giá thực hiện năm 2022, các đơn vị xác định nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2023, chủ động sắp xếp các khoản chi và thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2023, phù hợp với khả năng nguồn lực (bao gồm cả nguồn hợp pháp khác theo quy định); việc xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2022 phải theo đúng các quy định của pháp luật về quản lý thu, chi ngân sách; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN.
c) Các đơn vị quản lý ngành, lĩnh vực khi xây dựng dự toán cần tính tới việc rà soát tổng thể các chế độ, chính sách (nhất là các chính sách an sinh xã hội) để bãi bỏ, hoặc lồng ghép theo thẩm quyền, hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ, lồng ghép các chính sách chồng chéo, trùng lắp, kém hiệu quả; không đề xuất các chính sách làm giảm thu ngân sách; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo; chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước
2.1. Xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước:
a) Dự toán thu NSNN năm 2023 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành (tổng hợp đầy đủ các khoản thu từ phí, lệ phí và các khoản thu khác vào NSNN theo qui định của Luật NSNN, Luật Phí và lệ phí và các văn bản hướng dẫn); trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu NSNN năm 2022, dự báo tình hình năm 2023 có tính đến các yếu tố tác động trong và ngoài nước, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh và tác động của xung đột chính trị trên thế giới.
b) Các đơn vị thực hiện nghiêm túc các khoản thu hồi nộp ngân sách nhà nước theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng.
c) Đối với các khoản thu phí, lệ phí nộp NSNN và để lại chi theo quy định, các đơn vị ước số thu phí, lệ phí thực hiện năm 2022, dự kiến những yếu tố tác động đến số thu năm 2023 để xây dựng dự toán thu phù hợp, tích cực, cụ thể theo từng khoản thu phí, lệ phí (chi tiết tổng số thu, số được để lại chi theo chế độ đối với từng lĩnh vực chi tương ứng, số nộp NSNN theo quy định). Các đơn vị quản lý hành chính nhà nước (Cục QLLĐNN, Cục An toàn lao động và Cục Việc làm) dự kiến số phí được để lại chi theo quy định (chi tiết dự kiến việc sử dụng cho chi thường xuyên theo quy định, chi cho các chương trình, dự án đầu tư đã được phê duyệt - nếu có và tiến độ triển khai thực tế).
d) Đối với khoản thu học phí, giá dịch vụ y tế và các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công (không thuộc danh mục phí, lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí), không là chỉ tiêu giao dự toán thu, chi NSNN cho các đơn vị nhưng phải lập dự toán riêng và xây dựng phương án sử dụng gửi cùng dự toán ngân sách năm 2023 để giám sát theo quy định. Các đơn vị tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn từ nguồn thu này và các khoản thu khác được để lại chi để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.
2.2. Xây dựng dự toán thu viện trợ không hoàn lại:
a) Căn cứ các hiệp định, thỏa thuận viện trợ ODA và viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã và đang thực hiện; các thỏa thuận đã và sẽ được ký kết, triển khai từ năm 2023; các đơn vị xây dựng dự toán thu viện trợ không hoàn lại năm 2023.
b) Các đơn vị chỉ được chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại khi có dự toán thu. Trường hợp các khoản thu viện trợ phát sinh sau thời điểm trình dự toán thì phải báo cáo Bộ tổng hợp đề nghị Bộ Tài chính (đối với vốn viện trợ cho chi thường xuyên) để báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho bổ sung dự toán thu làm cơ sở để bổ sung dự toán chi theo quy định.
3. Xây dựng dự toán chi thường xuyên (Vốn sự nghiệp)
3.1. Căn cứ nhiệm vụ chính trị, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách năm 2023 (nếu có), xây dựng dự toán chi thường xuyên cho từng lĩnh vực chi theo mục tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2023, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, định mức chi NSNN, đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành.
a) Các đơn vị sử dụng NSNN lập dự toán chi thường xuyên đúng tính chất nguồn kinh phí, triệt để tiết kiệm, đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; đảm bảo kinh phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí của các cơ quan nhà nước theo quy định; chú trọng cải cách hành chính theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ưu tiên xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số và tận dụng hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Dự toán chi mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán/đề án theo quy định; hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, tiếp tục thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, đồng thời tiếp tục cơ chế tạo nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo quy định.
b) Đối với dự toán kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng tài sản công, các đơn vị thực hiện theo quy định tại Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công.
3.2. Dự toán chi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể xây dựng gắn với việc triển khai Kết luận số 28-KL/TW; trong đó, quỹ lương tính theo biên chế được giao (nếu có) hoặc theo Kết luận số 28-KL/TW, trên cơ sở đó, xác định cụ thể các tác động tăng hoặc giảm quỹ lương năm 2023 so với năm 2022.
3.3. Dự toán chi hoạt động năm 2023 nguồn NSNN của các đơn vị sự nghiệp xây dựng trên cơ sở các mục tiêu về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 và quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Trong đó:
a) Không xây dựng dự toán chi thường xuyên NSNN hỗ trợ cho các dịch vụ sự nghiệp công đã hoàn thành lộ trình giá, phí từ năm 2022 trở về trước hoặc dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
b) Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên xây dựng dự toán chi NSNN năm 2023 giảm tối thiểu 3% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN so với dự toán năm 2022, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN tương ứng mức giảm chi thường xuyên từ ngân sách.
c) Các đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên tiếp tục giảm tối thiểu 2% chi trực tiếp từ NSNN so với dự toán năm 2022 trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do NSNN đảm bảo.
d) Dự kiến việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần.
3.4. Một số lưu ý thêm khi xây dựng dự toán NSNN năm 2023:
a) Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ: Xây dựng dự toán chi trên cơ sở phê duyệt của cấp có thẩm quyền đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp cơ sở, nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, dịch vụ công sử dụng NSNN và nhiệm vụ khác; phù hợp với định hướng mục tiêu, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2025 và Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
b) Chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề: Thuyết minh cơ sở xây dựng dự toán chi thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
c) Chi sự nghiệp y tế: Thuyết minh cụ thể cơ sở tính toán nhu cầu chi thực hiện các chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; dự kiến số kinh phí giảm cấp chi thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp y tế theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế; nhu cầu NSNN hỗ trợ do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm một phần chi phí thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp y tế công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
d) Chi các hoạt động kinh tế: Xây dựng trên cơ sở khối lượng nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và chế độ, định mức chi ngân sách quy định; xây dựng dự toán kinh phí Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp kinh tế công lập theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, kinh phí thực hiện đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ. Ngoài ra, các đơn vị xây dựng (kèm thuyết minh chi tiết), tổng hợp vào dự toán ngân sách các nhiệm vụ chi thường xuyên liên quan tới xử lý tài sản công, sắp xếp, xử lý nhà đất, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định (nếu có).
e) Chi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể: Thuyết minh rõ các nội dung sau:
- Số biên chế được giao năm 2023 (nếu có), trường hợp chưa được giao biên chế thì tiếp tục thực hiện giảm biên chế đối với các trường hợp đến hết năm 2022 chưa thực hiện được mục tiêu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị hoặc theo biên chế năm 2022 đối với các trường hợp đã đạt mục tiêu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW, trong đó làm rõ số biên chế thực có mặt đến thời điểm 01/6/2022, số biên chế chưa tuyển theo chỉ tiêu biên chế năm 2023 nêu trên.
- Xác định Quỹ lương ngạch bậc, các khoản phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo chế độ quy định theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng (tính đủ 12 tháng) do NSNN đảm bảo, bao gồm: (i) Quỹ tiền lương của số biên chế được giao năm 2023, bao gồm quỹ lương của số biên chế thực có mặt tính đến thời điểm 01/6/2022, được xác định trên cơ sở mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo chế độ và quỹ tiền lương của số biên chế chưa tuyển (nhưng vẫn phải trong tổng biên chế được giao), tính trên cơ sở mức lương 1.490.000 đồng/tháng, hệ số lương 2,34/biên chế và các khoản đóng góp theo chế độ; (ii) Giảm quỹ tiền lương đối với các trường hợp phải tiếp tục tinh giản biên chế.
- Xây dựng dự toán các khoản chi đặc thù (chỉ đề xuất dự toán đối với các nhiệm vụ đặc thù ngoài định mức chi thường xuyên theo quy định; đảm bảo cơ sở pháp lý, nội dung chi, mức chi, các nội dung liên quan khác) năm 2023 trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.
- Các đơn vị lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật theo quy định (trong đó xác định rõ kinh phí bảo đảm xây dựng, hoàn thiện pháp luật theo Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020) và ưu tiên bố trí trong phạm vi dự toán được giao để đảm bảo thực hiện công tác này.
f) Đối với các tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, dự toán ngân sách năm 2023: Trường hợp được cấp có thẩm quyền giao biên chế, thực hiện khoán kinh phí theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao trên cơ sở vận dụng định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN lĩnh vực quản lý nhà nước và thực hiện hỗ trợ cho các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
4. Các đơn vị quản lý nhà nước các lĩnh vực bên cạnh việc lập dự toán thu, chi NSNN năm 2023 (phần trực tiếp thực hiện tại đơn vị), cần tính toán xác định nhu cầu kinh phí thực hiện các cơ chế, chính sách được cấp có thẩm quyền ban hành năm 2023, kèm theo thuyết minh cụ thể căn cứ tính toán.
5. Xây dựng dự toán chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án khác:
a) Căn cứ Luật NSNN, Luật Đầu tư công, trên cơ sở các Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn triển khai, kế hoạch trung hạn được giao (nếu có), số kiểm tra được thông báo, khả năng thực hiện năm 2022, các đơn vị được giao chủ chương trình và các đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai các hoạt động thuộc CTMTQG xây dựng dự toán chi ngân sách năm 2023 và dự kiến lộ trình thực hiện trong cả giai đoạn 2023-2025 theo từng bộ, cơ quan trung ương và từng địa phương, chi tiết nhiệm vụ chi ĐTPT, chi thường xuyên theo từng lĩnh vực chi, nguồn NSTW, NSĐP, nguồn lồng ghép các chương trình, đề án khác, các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có), kèm thuyết minh cụ thể về căn cứ pháp lý, cơ sở dự toán kinh phí và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán gửi dự toán NSNN năm 2023 và kế hoạch 3 năm 2023-2025 của đơn vị.
b) Đối với các chương trình, dự án, đề án khác: Căn cứ quyết định phê duyệt, văn bản hướng dẫn, tình hình triển khai thực hiện năm 2022, thực hiện lập dự toán, tổng hợp chung vào báo cáo dự toán chi thường xuyên năm 2023 chi tiết theo từng lĩnh vực chi, từng bộ, cơ quan trung ương và từng địa phương theo quy định, kèm thuyết minh cụ thể về căn cứ pháp lý, cơ sở dự toán kinh phí và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán.
6. Đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA (bao gồm vốn vay và viện trợ), nguồn vốn vay ưu đãi và viện trợ phi chính phủ nước ngoài:
6.1. Căn cứ quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn thi hành, căn cứ Hiệp định, Thỏa thuận đã và sẽ ký với nhà tài trợ, tiến độ thực hiện, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; trên cơ sở cơ chế tài chính của các chương trình, dự án, các đơn vị thực hiện lập dự toán từng chương trình, dự án có sử dụng vốn ngoài nước, chi tiết cơ chế tài chính, nguồn vốn vay nợ nước ngoài (bao gồm vay ODA, vay ưu đãi), vốn viện trợ, vốn đối ứng; phân định theo tính chất chi đầu tư phát triển, chi sự nghiệp; phân biệt rõ tính chất của dự án là cấp phát hoặc vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, mức vốn cho từng phần. Các đơn vị không đề xuất ký kết các hiệp định vay mới cho chi thường xuyên.
6.2. Đối với các chương trình, dự án hỗn hợp cả vốn cấp phát từ NSNN và vốn cho vay lại, cơ quan được giao quản lý chương trình, dự án hướng dẫn lập, tổng hợp dự toán cho từng phần vốn.
6.3. Các chương trình, dự án, do một số Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương cùng tham gia, các đơn vị chủ dự án lập dự toán chi từ nguồn vốn ngoài nước gửi Bộ tổng hợp và thuyết minh cơ sở phân bổ gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
6.4. Đối với các chương trình, dự án ô, các đơn vị chủ dự án thành phần có trách nhiệm xây dựng dự toán chi tiết kinh phí thực hiện dự án thành phần, gửi Bộ tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, chi tiết theo nguồn vốn, theo nhiệm vụ như các chương trình, dự án thông thường và theo từng Bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
6.5. Lập dự toán chi từ nguồn vốn ngoài nước phải đảm bảo đúng, đủ và trong phạm vi hạn mức quy định.
7. Dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương năm 2022:
Các đơn vị thực hiện thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.
8. Lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế:
Việc lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2023 theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Thông tư số 31/2019/TT-BTC ngày 05/6/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
9. Dự toán chi từ nguồn thu được để lại theo chế độ:
Các đơn vị thực hiện lập dự toán chi từ nguồn thu được để lại báo cáo Bộ theo quy định mẫu biểu tại Thông tư số 342/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính để theo dõi.
10. Các đơn vị có quản lý Quỹ ngoài ngân sách (Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ hỗ trợ khắc phục bom mìn VN): Lập báo cáo tình hình thu - chi tài chính năm 2022 và dự kiến kế hoạch thu - chi tài chính năm 2023 của các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thuộc phạm vi quản lý, gửi kèm báo cáo dự toán NSNN năm 2023 của đơn vị gửi Bộ để tổng hợp chung gửi Bộ Tài chính theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Trong đó, thuyết minh chi tiết về số dư, số phát sinh thu từ NSNN cấp, từ huy động, tài trợ,...; số chi cho các nhiệm vụ; tình hình biến động về vốn điều lệ, nguồn vốn hoạt động và các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến quỹ (nếu có). Đánh giá hiệu quả hoạt động, các khó khăn, vướng mắc phát sinh và kiến nghị giải pháp xử lý.
III. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 3 NĂM 2023-2025
1. Yêu cầu lập kế hoạch
Thực hiện quy định tại Luật NSNN, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm và Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 07/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm (Thông tư số 69/2017/TT-BTC), việc lập kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2023 - 2025 đảm bảo các yêu cầu sau:
1.1. Căn cứ định hướng mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; các Nghị quyết Trung ương Khóa XII về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập và các Nghị quyết về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội…; căn cứ kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2022-2024; căn cứ các thỏa thuận, hiệp định vay nợ, viện trợ nguồn vốn ngoài nước đã và sẽ được ký kết, triển khai trong các năm 2023-2025; các quy định tại thời kỳ ổn định NSNN 2022-2025; căn cứ các trần chi tiêu giai đoạn 2023-2025 được thông báo (nếu có) và dự toán ngân sách năm 2023 lập theo quy định tại mục II của Công văn này, các đơn vị xây dựng kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2023-2025 theo quy định.
Trường hợp nhu cầu chi của các đơn vị trong các năm 2023-2025 tăng, giảm mạnh so với dự toán năm 2022 đã được giao và ước thực hiện năm 2022, các đơn vị phải có thuyết minh, giải trình, có các giải pháp huy động thêm các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách, đảm bảo các nhu cầu chi phải cân đối được nguồn lực thực hiện.
1.2. Dự toán chi năm 2023-2025 tạm xây dựng với mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng. Sau khi cấp có thẩm quyền quyết định phương án thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Tài chính có thông báo, Bộ sẽ hướng dẫn các đơn vị thực hiện sau.
1.3. Việc lập, báo cáo, tổng hợp và trình kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2023-2025 được tiến hành đồng thời với quá trình lập dự toán NSNN năm 2023.
2. Lập kế hoạch thu NSNN 03 năm 2023 – 2025
2.1. Kế hoạch thu NSNN 03 năm 2023-2025 được lập trên cơ sở cập nhật kế hoạch 03 năm 2022-2024, dự toán thu NSNN năm 2023; đồng thời:
a) Căn cứ khả năng phát triển kinh tế của đất nước phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 và nội dung, nhiệm vụ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; các yếu tố thay đổi về năng lực đầu tư, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ, phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của từng năm; các yếu tố tác động của quá trình hội nhập quốc tế.
b) Tác động thu ngân sách từ việc điều chỉnh giá, phí các dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình kết cấu đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
2.2. Dự toán các khoản thu phí, lệ phí các năm 2023-2025 tích cực, chi tiết theo từng khoản thu phí, lệ phí theo quy định (số thu, số nộp NSNN) và chỉ tổng hợp vào dự toán thu NSNN phần phí, lệ phí nộp NSNN.
2.3. Đối với các khoản thu học phí, giá dịch vụ y tế, thu dịch vụ sự nghiệp công không thuộc danh mục phí và lệ phí, các khoản thu chuyển sang cơ chế giá dịch vụ; thực hiện lập kế hoạch thu theo quy định và xây dựng phương án sử dụng để gửi cơ quan có thẩm quyền giám sát và tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn từ khoản thu này để cải cách tiền lương theo quy định; các đơn vị lập kế hoạch thu và xây dựng phương án sử dụng để gửi Bộ giám sát và tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn từ khoản thu này để cải cách tiền lương theo quy định.
3. Lập kế hoạch chi NSNN 03 năm 2023 – 2025
3.1. Kế hoạch chi NSNN 03 năm 2023-2025 của các đơn vị được lập trên cơ sở cập nhật kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2022-2024, số ước thực hiện năm 2022, trần chi ngân sách giai đoạn 2023-2025 được thông báo (nếu có), dự toán năm 2023 được lập ở Mục II Công văn này và phù hợp với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cùng kỳ; trong đó thuyết minh cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án (kể cả CTMTQG), chính sách, chế độ đã hết thời gian thực hiện/mới được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt lưu ý việc triển khai các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII.
3.2. Trong quá trình xây dựng dự toán chi NSNN năm 2023, các đơn vị xác định chi tiết chi tiêu cơ sở, chi tiêu mới của đơn vị theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư số 69/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính để làm căn cứ xác định chi tiêu cơ sở, chi tiêu mới và tổng hợp nhu cầu chi thường xuyên và nhu cầu chi bảo dưỡng, vận hành trong kế hoạch chi năm 2023-2025.
Đối với các đơn vị quản lý lĩnh vực (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các Cục, Văn phòng quốc gia về Giảm nghèo, Thanh tra Bộ) bên cạnh việc lập kế hoạch thu, chi NSNN từng năm của giai đoạn 2023-2025 phần trực tiếp thực hiện, cần tính toán xác định nhu cầu kinh phí thực hiện các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền ban hành từng năm của giai đoạn 2023-2025, kèm theo thuyết minh cụ thể căn cứ tính toán.
Trong quá trình xây dựng Kế hoạch – tài chính ngân sách 3 năm, các đơn vị lưu ý:
- Lập kế hoạch chi từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài năm 2023-2025 theo tiến độ thực hiện các đối với các Hiệp định, thỏa thuận vay đã ký kết và đang triển khai thực hiện, theo cam kết, đàm phán đối với các trường hợp mới ký kết, đã được phê duyệt chủ trương, đang đàm phán.
- Lập kế hoạch chi thường xuyên chi tiết việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách, chế độ còn hiệu lực/hết hiệu lực; các mục tiêu, nhiệm vụ, chế độ, chính sách mới đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
3.3. Lập kế hoạch chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia:
Các đơn vị đề xuất các nhiệm vụ, nội dung và dự toán chi ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025 chi tiết theo từng mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chi ĐTPT, chi thường xuyên, cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương tham gia thực hiện chương trình; kèm thuyết minh cụ thể về căn cứ pháp lý, cơ sở dự toán kinh phí, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán theo quy định.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thuyết minh, mẫu biểu lập dự toán:
1.1. Thuyết minh lập dự toán:
Việc xây dựng dự toán phải đảm bảo theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn; đặc biệt là việc tuân thủ về các Biểu, mẫu xây dựng dự toán theo quy định tại các Thông tư của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, qua quá trình tổng hợp, các đơn vị vẫn chưa thực hiện đầy đủ, nhất là căn cứ xác định dự toán của các đơn vị sự nghiệp. Vì vậy, yêu cầu các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ nghiên cứu kỹ các văn bản hiện hành và hướng dẫn tại Công văn này của Bộ để nghiêm túc thực hiện và thuyết minh dự toán đầy đủ theo quy định. Trong đó:
- Đối với các khoản chi thường xuyên:
+ Các khoản chi cho hoạt động hành chính, sự nghiệp của các đơn vị được dự toán trên cơ sở chế độ, chính sách và định mức chi hiện hành. Đối với các nhiệm vụ tăng hoặc giảm so với năm 2022, đơn vị lập dự toán tăng hoặc giảm tương ứng, những nhiệm vụ đặc thù của từng đơn vị cần có thuyết minh cụ thể.
+ Các nhiệm vụ chi thường xuyên khác (sự nghiệp nuôi dưỡng người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội,...) căn cứ vào kế hoạch và nhiệm vụ được giao, ước kết quả thực hiện năm 2022 để lập dự toán chi tiết triển khai thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị.
- Đối với các khoản chi không thường xuyên:
+ Các khoản chi chương trình, đề án, đề tài cấp Bộ... ngoài việc lập dự toán theo yêu cầu cần khẩn trương hoàn tất các thủ tục theo quy định để đảm bảo điều kiện phân bổ dự toán kinh phí.
+ Các khoản chi cho mua sắm, sửa chữa tài sản, chi cho công việc (Hội nghị, điều tra, nghiên cứu...) bằng nguồn kinh phí sự nghiệp cần có thuyết minh, tính toán chi tiết kèm theo và trình cấp cáo thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ phân bổ dự toán.
Trường hợp đơn vị không dự toán theo đúng biểu mẫu; không có thuyết minh cụ thể; không gửi về Bộ đúng thời hạn sẽ không được tổng hợp dự toán; trong năm có phát sinh nhu cầu kinh phí, các đơn vị tự sắp xếp trong phạm vi dự toán được giao để thực hiện theo quy định.
Các đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về tính đầy đủ, chính xác của nội dung và số liệu, đề xuất dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025.
1.2. Báo biểu lập dự toán
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và nội dung hoạt động của đơn vị, dự toán thu chi NSNN của đơn vị lập theo hệ thống biểu mẫu quy định tại Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 hướng dẫn Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NSNN và Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 07/7/2017 hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm (theo Công văn hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2022 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 2022 – 2024 hoặc tham khảo Biểu mẫu dự toán kèm theo công văn trên Cổng thông tin điện tử của Bộ: http://molisa.gov.vn/Pages/VanBan/ChiDaoDieuHanh.aspx).
2. Những đề xuất, kiến nghị của đơn vị (nếu có)
- Trên cơ sở kết quả đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2022; kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán,… các đơn vị nghiên cứu đề xuất cụ thể việc sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ thu, chi NSNN và các chính sách, chế độ khác; kiến nghị công tác hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ NSNN để tổng hợp đề nghị Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
- Đề xuất bổ sung, sửa đổi chính sách chế độ, định mức không còn phù hợp.
3. Tiến độ lập dự toán:
- Các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ gửi Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 về Bộ (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) trước ngày 15/7/2022; đồng thời gửi thư theo địa chỉ email: [email protected].
- Các đơn vị có đơn vị dự toán trực thuộc (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Người có công, Cục Việc làm, Cục Quan hệ lao động – Tiền lương...) chủ động hướng dẫn, tổng hợp dự toán của các đơn vị dự toán trực thuộc để đảm bảo yêu cầu về thời gian nêu trên.
Yêu cầu Thủ trưởng đơn vị tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng kế hoạch và dự toán NSNN năm 2023 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 đảm bảo yêu cầu, nội dung và tiến độ quy định.
Trường hợp Bộ Tài chính có hướng dẫn các nội dung mới trong việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, Bộ (Vụ Kế hoạch – Tài chính) sẽ hướng dẫn bổ sung để các đơn vị cập nhật trong xây dựng dự toán năm 2023 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, đơn vị phản ánh về Vụ Kế hoạch - Tài chính, điện thoại 04.38.269.544 để được hướng dẫn, giải đáp./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
[FILE ĐÍNH KÈM TRONG VĂN BẢN]