Open navigation

Thông tư 73/2023/TT-BTC ngày 19/12/2023 Sửa đổi Thông tư 117_2020_TT-BTC quy định về phương pháp tính khoản thu trái pháp luật số lợi bất hợp pháp có được

BỘ TÀI CHÍNH
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/2023/TT-BTC

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2023

 THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 117/2020/TT-BTC
NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2020 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
QUY ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP TÍNH KHOẢN THU TRÁI PHÁP LUẬT,
SỐ LỢI BẤT HỢP PHÁP CÓ ĐƯỢC DO THỰC HIỆN HÀNH VI VI PHẠM
 PHÁP LUẬT VỀ CHỨNG KHOÁN VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 117/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp tính khoản thu trái pháp luật, số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 117/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp tính khoản thu trái pháp luật, số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán

1. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 Điều 3 như sau:

“d) Khoản thu trái pháp luật đối với trường hợp trong thời kỳ thao túng thị trường chứng khoán có điều chỉnh về giá chứng khoán được tính bằng tổng khoản thu trái pháp luật trong các giai đoạn trước thời điểm điều chỉnh về giá (ngày giao dịch không hưởng quyền) và khoản thu trái pháp luật trong giai đoạn sau khi điều chỉnh về giá.

Khoản thu trái pháp luật trong giai đoạn trước thời điểm điều chỉnh về giá và khoản thu trái pháp luật trong giai đoạn sau khi điều chỉnh về giá được tính theo công thức quy định tại khoản này. Đối với trường hợp tổng khối lượng chứng khoán bán ra lớn hơn tổng khối lượng chứng khoán mua vào trong giai đoạn sau khi điều chỉnh giá, giá của khối lượng chứng khoán chênh lệch quy định tại điểm c khoản này là giá mua bình quân trong giai đoạn trước ngày giao dịch không hưởng quyền được điều chỉnh giá theo công thức sau:

P’=(P+Pa*a-C)/(1+a+b)

Trong đó:

P’: giá của khối lượng chứng khoán chênh lệch quy định tại điểm c khoản này.

P: giá mua bình quân cổ phiếu trong giai đoạn trước ngày giao dịch không hưởng quyền.

Pa: giá cổ phiếu phát hành thêm cho quyền mua ưu đãi.

a: tỷ lệ cổ phiếu phát hành thêm cho quyền mua ưu đãi.

b: tỷ lệ chia cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

C: cổ tức bằng tiền.”.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm h khoản 3 Điều 4 như sau:

“h) Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi che giấu thông tin về quyền sở hữu thực sự đối với một hoặc một số chứng khoán để trốn tránh hoặc để hỗ trợ người khác trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin hoặc chào mua công khai hoặc quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam quy định tại khoản 4 Điều 34 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 28 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được tính như sau:

- Đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi che giấu thông tin về quyền sở hữu thực sự đối với một hoặc một số chứng khoán để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định hoặc nghĩa vụ phải tuân thủ trong thực hiện chào mua công khai hoặc quy định phải tuân thủ về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, số lợi bất hợp pháp mà tổ chức, cá nhân vi phạm có được do thực hiện hành vi vi phạm là toàn bộ số tiền, chứng khoán và khoản lợi ích khác phát sinh từ số chứng khoán che giấu quyền sở hữu thực sự.

- Đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi nhằm hỗ trợ người khác che giấu thông tin về quyền sở hữu thực sự đối với một hoặc một số chứng khoán để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin hoặc chào mua công khai hoặc quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, số lợi bất hợp pháp mà tổ chức, cá nhân vi phạm có được do thực hiện hành vi vi phạm là toàn bộ số tiền, chứng khoán và khoản lợi ích liên quan đến số tiền, chứng khoán này phát sinh từ hành vi vi phạm, được xác định trên cơ sở hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa các bên;”.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05 tháng 02 năm 2024.

2. Đối với hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành mà bị phát hiện hoặc đang trong quá trình xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khi Thông tư này đã có hiệu lực thì áp dụng quy định tại Thông tư này nếu Thông tư này quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.

 
Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Kiểm toán nhà nước;
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Cổng Thông tin điện tử Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
 - Lưu: VT, UBCK (120b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




 Nguyễn Đức Chi

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.