BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12311/BTC-TCT V/v phối hợp chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy định về hóa đơn điện tử từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. | Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2024 |
Kính gửi: Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Tài chính trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức thực hiện thành công công tác hóa đơn điện tử (HĐĐT) nói chung và HĐĐT từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu nói riêng, góp phần quan trọng trong việc tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, chống buôn lậu, gian lận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng hợp báo cáo của các Cục Thuế cho thấy, việc thực hiện HĐĐT từng lần bán bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu đã đạt được những kết quả nhất định. So với thời điểm 31/3/2024: So với thời điểm 31/3/2024: (i). Số cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu (CH) áp dụng giải pháp kết nối tự động[1] là 7.702 CH, chiếm 47% tổng số CH toàn quốc; sản lượng xăng dầu bán lẻ tăng 15,6% so cùng kỳ năm trước; (ii). Số CH sử dụng máy POS/máy tính bảng[2] là 8.543 CH, chiếm 52% tổng số CH toàn quốc; sản lượng bán lẻ tăng 10% so với thực hiện cùng kỳ năm trước; (iii). Số CH áp dụng giải pháp camera AI hoặc thủ công[3] là 232 CH, chiếm 1% tổng số CH toàn quốc; sản lượng bán lẻ giảm 8%.
Số liệu báo cáo nêu trên cho thấy, tính bình quân, doanh nghiệp sử dụng giải pháp kết nối tự động để phát hành HĐĐT từng lần bán hàng đạt mức tỷ lệ tăng trưởng sản lượng tích cực nhất. Qua đó, được đánh giá là giải pháp tối ưu hơn các giải pháp còn lại do dữ liệu, thông tin từng lần bán hàng được ghi nhận và chuyển tự động từ cột đo xăng dầu đến máy tính có kết nối mạng internet để phát hành HĐĐT từng lần và chuyển dữ liệu HĐĐT tới cơ quan thuế, hạn chế sự tác động của con người. Tuy nhiên, vẫn còn 52% số CH sử dụng giải pháp máy POS/máy tính bảng để phát hành HĐĐT từng lần bán hàng. Khi sử dụng giải pháp này, người bán phải nhập thủ công thông tin từng lần bán hàng vào máy POS/máy tính bảng, do đó việc phát hành HĐĐT từng lần bán hàng phụ thuộc hoàn toàn vào công tác nhập dữ liệu của người bán.
Từ tháng 4 đến hết tháng 9 năm 2024, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện gần 10.000 lượt kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về phát hành HĐĐT từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan thuế chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Ngày 23/09/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 99/CĐ- TTg về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra giám sát, yêu cầu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm quy định về HĐĐT theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, hóa đơn điện tử.
Thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm như sau:
1. Chỉ đạo các cơ quan, ban ngành tại địa phương (công thương, công an, thông tin và truyền thông, kế hoạch và đầu tư, khoa học và công nghệ,...) phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế các cấp thành lập các Đoàn/Tổ kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất việc chấp hành quy định về kinh doanh xăng dầu, quy định về quản lý, sử dụng HĐĐT từng lần bán hàng tại từng doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo đúng quy định.
Trường hợp phát hiện các cửa hàng, doanh nghiệp cố tình vi phạm quy định phát hành HĐĐT từng lần bán hàng, đề nghị xem xét thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 5/3/2024; Công khai thông tin về doanh nghiệp, cửa hàng vi phạm về HĐĐT theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Tổ chức quản lý, giám sát lượng xăng dầu hợp pháp bán ra trên địa bàn đảm bảo thu đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định, đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống các hoạt động mua bán trái phép, gian lận tiền thuế.
Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp xây dựng cơ chế phân bổ số tiền thuế BVMT từ xăng, dầu cho ngân sách địa phương dựa trên lượng xăng dầu bán ra, tiêu thụ trên địa bàn kết hợp với tiêu chí về dân số.
2. Tiếp tục chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các đài, báo tại địa phương phối hợp với cơ quan thuế đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp, giải pháp tuyên truyền đến người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn hiểu rõ để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, quy định về xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, các hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý thuế.
Thực hiện tuyên truyền, thông tin đến người tiêu dùng, người dân về hành vi gian lận tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu như bơm “nối số”, gian lận đo lường khi bán xăng, dầu để người dân biết, lưu ý khi mua xăng dầu cần giám sát, yêu cầu nhân viên bán hàng phải trả màn hình hiển thị kết quả đo lường về số 0 trước khi tiếp tục bán hàng, góp phần chống gian lận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
3. Chỉ đạo Sở khoa học và Công nghệ phối hợp với cơ quan thuế, Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chuyển đổi áp dụng giải pháp kết nối dữ liệu tự động để phát hành HĐĐT từng lần bán hàng, hạn chế tối đa sự tác động của con người góp phần chống gian lận trong hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Bộ Tài chính đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Tài chính trong công tác quản lý thuế nói chung và triển khai hóa đơn điện tử đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu nói riêng, xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp công tác của đồng chí./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
[1] Dữ liệu bán hàng được tự động truyền theo từng lần bán hàng từ cột đo xăng dầu đến hệ thống quản lý, lưu trữ dữ liệu có kết nối mạng internet làm cơ sở phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng và truyền dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế.
[2] Sử dụng máy POS cầm tay/máy tính bảng nhập thông tin từng lần bán hàng, máy POS cầm tay/máy tính bảng có cài đặt phần mềm để phát hành HĐĐT từng lần bán hàng và truyền dữ liệu về cơ quan thuế.
[3] Lắp camera đọc thông tin từng lần bán hàng từ màn hình hiển thị của cột đo xăng dầu, kết nối và truyền thông tin từng lần bán hàng về máy tính có mạng internet để xử lý và phát hành HĐĐT và truyền dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế.