Open navigation

Quyết định 1458/QĐ-BHXH Thiết lập hệ thống công, viên chức làm đầu mối Kiểm soát TTHC của BHXH Việt Nam


BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số:  1458 / QĐ - BHXH 

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2015


QUYẾT ĐỊNH


VỀ VIỆC THIẾT LẬP HỆ THỐNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÀM ĐẦU MỐI KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM


TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM


Căn cứ Nghị định số  05 / 2014 / NĐ - CP  ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;


Căn cứ Nghị định số  63 / 2010 / NĐ - CP  ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;


Căn cứ Nghị định số  48 / 2013 / NĐ - CP  ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;


Căn cứ Chỉ thị số  15 / CT - TTg  ngày 05 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Nghị định số  48 / 2013 / NĐ - CP  ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ;


Căn cứ Chỉ thị số  13 / CT - TTg  ngày 10 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính;


Căn cứ Công văn số  5957 / BTP - KSTT  ngày 19/8/2013 của Bộ Tư pháp về việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác kiểm soát thủ tục hành chính;


Xét đề nghị của Trưởng Ban Pháp chế và Trưởng Ban Tổ chức cán bộ,


QUYẾT ĐỊNH:


Điều 1. Thiết lập hệ thống công chức, viên chức làm đầu mối Kiểm soát thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (sau đây gọi chung là cán bộ đầu mối), như sau:

  1. Ban Pháp chế: công chức, viên chức thuộc Ban.

  2. Ban Thu, Ban Tài chính - Kế toán, Ban Sổ - Thẻ, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Ban Tổ chức cán bộ: Mỗi đơn vị tối thiểu 02 cán bộ đầu mối.

  3. Các đơn vị khác trực thuộc cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở Trung ương: Mỗi đơn vị tối thiểu 01 cán bộ đầu mối.

  4. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội tỉnh): Tối thiểu 04 cán bộ đầu mối thuộc Văn phòng Bảo hiểm xã hội tỉnh, phòng Tiếp nhận và Trả kết quả thủ tục hành chính, phòng Tổ chức cán bộ, phòng Kiểm tra.

  5. Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là Bảo hiểm xã hội huyện): Tối thiểu 01 cán bộ đầu mối.

Điều 2. Nhiệm vụ của cán bộ đầu mối

  1. Cán bộ đầu mối có nhiệm vụ tham mưu giúp thủ trưởng đơn vị chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

    1. Kiểm soát quy định thủ tục hành chính:

      • Đánh giá tác động của thủ tục hành chính về sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp và tính hiệu quả trước khi ban hành;

      • Thẩm định quy định về thủ tục hành chính.

    2. Kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính:

      • Công bố thủ tục hành chính;

      • Niêm yết công khai thủ tục hành chính;

      • Giải quyết thủ tục hành chính;

      • Kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính.

    3. Rà soát thủ tục hành chính:

      • Đánh giá, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính;

      • Đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thủ tục hành chính.

    4. Tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính của cá nhân, tổ chức.

  2. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam căn cứ quy định tại Điểm a, c, d Khoản 1 Điều này; Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện căn cứ quy định tại Điểm b, c, d Khoản 1 Điều này để giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ đầu mối thuộc đơn vị quản lý.

Điều 3. Thẩm quyền phê duyệt danh sách cán bộ đầu mối

  1. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (sau đây gọi chung là Tổng Giám đốc) quyết định phê duyệt danh sách cán bộ đầu mối quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và các đơn vị giúp việc Tổng Giám đốc tại Khoản 3 Điều 1 Quyết định này trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Ban Pháp chế.

  2. Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc quyết định phê duyệt danh sách cán bộ đầu mối quy định tại Khoản 3 Điều 1 Quyết định này và gửi về Ban Pháp chế để tổng hợp, theo dõi.

  3. Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh quyết định phê duyệt danh sách cán bộ đầu mối quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 1 Quyết định này trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Văn phòng Bảo hiểm xã hội tỉnh và gửi về Ban Pháp chế để tổng hợp, theo dõi.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

  1. Trách nhiệm Ban Pháp chế

    1. Tổng hợp danh sách cán bộ đầu mối quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và các đơn vị giúp việc Tổng Giám đốc tại Khoản 3 Điều 1 Quyết định này trình Tổng Giám đốc xem xét, quyết định phê duyệt.

    2. Hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về công chức, viên chức làm đầu mối Kiểm soát thủ tục hành chính đối với các đơn vị trong toàn Ngành.

  2. Trách nhiệm Ban Tổ chức cán bộ

    Phối hợp với Ban Pháp chế tham mưu, đề xuất Tổng Giám đốc việc thiết lập (hoặc bãi bỏ) hệ thống công chức, viên chức làm đầu mối Kiểm soát thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

  3. Trách nhiệm Ban Tài chính - Kế toán

Phối hợp với Ban Pháp chế, Ban Tổ chức cán bộ tham mưu, đề xuất Tổng Giám đốc việc thực hiện chi trả chế độ đối với cán bộ đầu mối theo quy định.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số  1089 / QĐ - BHXH  ngày 20/11/2011 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thiết lập hệ thống cán bộ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính tại các Ban nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và công chức, viên chức làm đầu mối Kiểm soát thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.




Nơi nhận:

  • Như Điều 5;

  • Bộ Tư pháp (để b/c);

  • Tổng Giám đốc;

  • Các Phó TGĐ;

  • Lưu: VT, TCCB (3b), PC (8b).

TỔNG GIÁM ĐỐC

Nguyễn Thị Minh

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.