Open navigation

Công văn 2977/TCT-CS Khấu trừ thuế giá trị gia tăng


BỘ TÀI CHÍNH

TỔNG CỤC THUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 2977/TCT-CS

V/v: chính sách thuế.

Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 2017


Kính gửi: Cục Thuế thành phố Hà Nội.


Tổng cục Thuế nhận được công văn số 22876/CT-PC ngày 24/4/2017 của Cục Thuế thành phố Hà Nội về hoàn thuế GTGT. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:


Tại khoản 7 Điều 1 Luật số 31/2013/QH13 ngày 19/6/2013 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 13 của Luật thuế GTGT quy định như sau: “7. Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:


“Điều 13. Các trường hợp hoàn thuế


1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo; trường hợp lũy kế sau ít nhất mười hai tháng tính từ tháng đầu tiên hoặc ít nhất sau bốn quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ mà vẫn còn số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.””


Tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 209/2013/TT-BTC ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định: “Điều 10. Hoàn thuế giá trị gia tăng


Việc hoàn thuế giá trị gia tăng thực hiện theo quy định tại Điều 13 Luật thuế giá trị gia tăng và Khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng.


1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo; trường hợp lũy kế sau mười hai tháng tính từ tháng đầu tiên hoặc sau bốn quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ mà vẫn còn so thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.”


Tại khoản 1 Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Điều 18. Đối tượng và trường hợp được hoàn thuế GTGT


1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo; trường hợp lũy kế sau ít nhất mười hai tháng tính từ tháng đầu tiên hoặc sau ít nhất bốn quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết mà vẫn còn số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.”

Căn cứ theo hướng dẫn nêu trên và theo trình bày, kiến nghị của Cục Thuế TP Hà Nội, Tổng cục Thuế thống nhất về nguyên tắc chung với đề xuất xử lý của Cục Thuế TP Hà Nội tại công văn số 22876/CT-PC của Cục Thuế thành phố Hà Nội, cụ thể: Trường hợp Công ty CP SXKD gia súc gia cầm có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết lũy kế từ 12 tháng trở lên tính từ tháng đầu tiên (hoặc từ 4 quý trở lên tính từ quý đầu tiên) phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết mà vẫn còn số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết, nếu đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì Công ty thuộc đối tượng được hoàn thuế.


Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thuế TP Hà Nội thì từ năm 2007 đến 30/6/2016 Công ty liên tục kinh doanh lỗ và luôn phát sinh thuế GTGT còn được khấu trừ, không phát sinh thuế GTGT phải nộp, vì vậy đề nghị Cục Thuế kiểm tra, thanh tra tại Công ty để xác định, làm rõ việc chấp hành pháp luật thuế của Công ty để có cơ sở xem xét xử lý hoàn thuế.


Tổng cục Thuế có ý kiến để Cục Thuế thành phố Hà Nội được biết./.



Nơi nhận:

  • Như trên;

  • Vụ PC - BTC;

  • Vụ KK&KTT, PC - TCT;

  • Website Tổng cục Thuế;

  • Lưu: VT, CS (3).s


KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG

 PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG


Cao Anh Tuấn

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.