Hết hiệu lực: 10/08/2020
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 84/2017/TT-BTC | Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2017 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 68/2016/NĐ-CP NGÀY 1/7/2016 CỦA CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật hải quan ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/07/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,
Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về điều kiện làm việc cho cơ quan hải quan; nơi kiểm tra hàng hóa; nơi lắp đặt trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan; kho chứa tang vật vi phạm tại kho ngoại quan, địa điểm thu gom hàng lẻ, kho hàng không kéo dài, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung, địa điểm chuyển phát nhanh, hàng bưu chính theo quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan (dưới đây gọi tắt là kho bãi, địa điểm).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc kinh doanh, mở rộng, thu hẹp, chuyển quyền sở hữu, di chuyển, đổi tên, tạm dừng, chấm dứt hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm.
2. Cơ quan hải quan, công chức hải quan.
3. Cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Kho ngoại quan chuyên dùng là kho, bãi ngoại quan được thành lập, công nhận theo quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP sử dụng để lưu giữ, bảo quản một hoặc một số chủng loại hàng hóa có yêu cầu bảo quản đặc biệt như chất lỏng, hóa chất, hàng đông lạnh, hoặc hàng hóa phải được lưu giữ ở điều kiện nhiệt độ, ánh sáng và môi trường nhất định theo yêu cầu của nhà sản xuất.
2. Tài liệu chứng minh quyền sử dụng kho bãi, địa điểm gồm một trong các giấy tờ sau:
a) Bản chụp từ bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân đề nghị công nhận, mở rộng kho bãi, địa điểm, hoặc
b) Bản chụp từ bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp cho chủ đất và Hợp đồng thuê, mượn đất trong trường hợp tổ chức cá nhân đi thuê, mượn đất để xây dựng kho bãi, địa điểm, hoặc
c) Bản chụp từ bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp cho chủ đất và Hợp đồng thuê, mượn hoặc hợp tác liên danh kinh doanh kho bãi, nhà xưởng, hoặc
d) Bản chụp từ bản chính Quyết định giao, cho thuê, mượn đất của cơ quan có thẩm quyền để xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cảng, cửa khẩu, ga đường sắt và Hợp đồng tổ chức cá nhân thuê, mượn lại đất, kho bãi, nhà xưởng của Ban quản lý các khu vực nêu trên.
3. Tang vật vi phạm trong Thông tư này được hiểu là tiền và các khoản tương đương tiền, hàng hóa, phương tiện bị cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc vật chứng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Nơi làm việc của cơ quan hải quan
Nơi làm việc của cơ quan hải quan tại các kho bãi, địa điểm được tổ chức, cá nhân kinh doanh kho bãi, địa điểm đầu tư xây dựng và phải đảm bảo các điều kiện sau:
1. Vị trí: nằm trong diện tích khu vực kho bãi, địa điểm dự kiến công nhận mới hoặc đã được công nhận hoặc nằm trong cùng một khu đất thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát hải quan.
2. Có diện tích tối thiểu 20 m2, được ngăn cách với khu vực xung quanh, đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.
Đối với các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa tập trung tại các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, văn phòng làm việc của hải quan có diện tích tối thiểu 50 m2.
3. Trang thiết bị:
a) Máy tính cài đặt phần mềm quản lý, kết nối hệ thống quản lý của doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, địa điểm và kết nối với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan hải quan theo quy định của Tổng cục Hải quan.
b) Thiết bị kết nối với hệ thống ca-mê-ra giám sát của tổ chức, cá nhân kinh doanh kho bãi, địa điểm để theo dõi, lưu trữ, truy xuất và hiển thị hình ảnh tại tất cả các khu vực chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cổng ra vào kho bãi, địa điểm.
c) Các trang thiết bị văn phòng khác (bàn, ghế, tủ đựng hồ sơ, điện thoại để bàn).
d) Hạ tầng kỹ thuật (nguồn điện, điện chiếu sáng, hạ tầng công nghệ thông tin) đảm bảo điều kiện hoạt động.
Điều 5. Nơi kiểm tra hàng hóa
1. Tổ chức, cá nhân bố trí khu vực có mái che nằm trong diện tích kho bãi, địa điểm, thuận lợi cho cơ quan hải quan trong việc thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa, niêm phong hải quan.
2. Đối với kho bãi, địa điểm có tổng diện tích từ 03 héc-ta trở lên: tổ chức, cá nhân bố trí khu vực hoạt động của máy soi công-tê-nơ diện tích tối thiểu là 2.000 m2 (40m x 50m) để đảm bảo về an toàn phóng xạ và hoạt động soi chiếu. Trong thời gian máy soi công-tê-nơ chưa được điều động đến khu vực hoạt động thì doanh nghiệp vẫn sử dụng khu vực trên cho hoạt động khai thác, kinh doanh của kho bãi, địa điểm.
Điều 6. Kho chứa tang vật vi phạm
1. Kho chứa hàng hóa tang vật vi phạm có diện tích tối thiểu 30 m2, tách biệt với kho chứa hàng hóa khác. Riêng địa điểm kiểm tra, giám sát tập trung hàng bưu chính và hàng chuyển phát nhanh, kho chứa hàng vi phạm có diện tích tối thiểu 10 m2.
Trường hợp kho chứa hàng hóa tang vật vi phạm được xây dựng nằm trong kho chứa hàng hóa tại kho bãi, địa điểm dự kiến hoặc đã được công nhận phải đảm bảo chế độ niêm phong hải quan, tính nguyên trạng và phẩm chất của hàng hóa trong quá trình lưu giữ. Trong thời gian không lưu giữ tang vật vi phạm, tổ chức cá nhân được sử dụng kho tang vật vi phạm để chứa hàng hóa khác theo quy định.
2. Đối với kho bãi, địa điểm có quy mô lớn trên 03 héc-ta và không có kho chứa hàng hóa tang vật vi phạm: tổ chức, cá nhân bố trí khu vực bãi riêng có diện tích tối thiểu 200 m2 để lưu giữ phương tiện, công-tê-nơ chứa hàng vi phạm. Tổ chức, cá nhân được sử dụng khu vực bãi dự kiến chứa hàng vi phạm để lưu giữ, khai thác hàng hóa trọng trường hợp khu vực bãi trên không chứa hàng vi phạm.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/9/2017./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ; các Phó TTCP; - Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Quốc Hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Tòa án Nhân dân Tối cao; - Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; - Công báo; - Website Chính phủ; - Website Tổng cục Hải quan; - Lưu VT; TCHQ (181). | KT. BỘ TRƯỞNG |
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /….. | ………, ngày ….. tháng ….. năm 20….. |
BIÊN BẢN KIỂM TRA KHO BÃI, ĐỊA ĐIỂM
Căn cứ quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan;
Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư số ……../2017/TT-BTC ngày.... của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ;
Hôm nay, vào hồi ….., ngày ……tháng.... năm 20..., tại địa điểm .... (2)
Thành phần gồm:
I/ Đại diện cơ quan hải quan (3)
- Ông (bà)……………………, chức vụ……………………….., đơn vị………………………..
- Ông (bà)……………………, chức vụ……………………….., đơn vị………………………..
- Ông (bà)……………………, chức vụ……………………….., đơn vị………………………..
II/ Đại diện tổ chức cá nhân
- Ông (bà)……………………, chức vụ……………………….., đơn vị………………………..
- Ông (bà)……………………, chức vụ……………………….., đơn vị………………………..
Hai bên đã tiến hành lập biên bản kiểm tra các điều kiện theo quy định tại Điều Nghị định số 68/2016/NĐ-CP cụ thể như sau:
1. Chủ kho bãi, địa điểm: ……………..
2. Địa điểm, diện tích: (4).
3. Trang thiết bị:
3.1. Mô tả cơ sở vật chất, hạ tầng: (5)
3.2. Hệ thống camera giám sát: (6).
3.3. Hệ thống điện chiếu sáng: (7).
3.4. Hệ thống phòng cháy chữa cháy: (8).
3.5. Về thiết bị, phần mềm quản lý hàng hóa ra vào kho bãi, địa điểm: (9).
3.6. Trang thiết bị khai thác hàng hóa trong kho bãi, địa điểm: (10).
4. Quy chế hoạt động kho bãi, địa điểm: (11).
5. Chi cục/Đội thuộc Chi cục trực tiếp quản lý: (12).
III/ Kết luận của Đoàn kiểm tra
… (13)...
Việc kiểm tra thực tế kho bãi địa điểm được các bên phối hợp thực hiện đúng quy định, không gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Biên bản được kết thúc vào hồi....giờ...phút ngày …….., đã được các bên thông qua, nhất trí và ký tên. Biên bản được lập thành .... bản có giá trị pháp lý như nhau, đại diện Đơn vị kiểm tra ………(14) giữ 01 bản, đại diện doanh nghiệp giữ 01 bản.
ĐẠI DIỆN DOANH NGHIỆP | ĐẠI DIỆN ĐƠN VỊ KIỂM TRA |
Hướng dẫn các chỉ tiêu thông tin
(1). Cục Giám sát quản lý về Hải quan hoặc Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi quản lý kho bãi địa điểm.
(2). Nêu cụ thể nơi kiểm tra thực tế kho bãi địa điểm và nơi lập biên bản.
(3). Trường hợp Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý) trực tiếp kiểm tra thì có thể thêm đại diện của Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi quản lý kho bãi, địa điểm.
(4). Nêu cụ thể địa điểm, diện tích (chi tiết kho chứa hàng, kho chứa hàng vi phạm, bãi, công trình phụ trợ) và thông tin về các quyết định trước của nơi dự kiến công nhận, mở rộng, thu hẹp, di chuyển, tạm dừng, chấm dứt.
(5). Mô tả chi tiết diện tích, kết cấu (quy cách, phẩm chất, chất liệu), điều kiện ngăn cách với khu vực xung quanh, điều kiện lưu giữ hàng hóa, các trang thiết bị nếu có của nhà kho chứa hàng hóa, kho chứa hàng vi phạm, bãi, văn phòng làm việc của hải quan, các công trình phụ trợ.
(6). Nêu cụ thể số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, tính năng, hệ thống lưu trữ, báo cáo hình ảnh của hệ thống camera giám sát.
(7). Nêu cụ thể hiện trạng hệ thống điện chiếu sáng, đánh giá với điều kiện làm việc, kiểm tra, giám sát của Hải quan.
(8). Nêu cụ thể số lượng thiết bị phòng cháy chữa cháy, Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy (số quyết định, cơ quan cấp, ngày tháng, hiệu lực).
(9). Mô tả chi tiết phần mềm quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, lưu trữ, khả năng kết nối mạng với cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu tập trung của cơ quan hải quan theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
(10). Nêu cụ thể các trang thiết bị, máy móc bị phục vụ hoạt động của kho: máy in, phô tô, xe nâng, cân, công cụ dụng cụ phục vụ thực hiện các dịch vụ được phép hoạt động trong kho bãi, địa điểm dự kiến công nhận, mở rộng...
(11). Mô tả quy chế hoạt động của kho bãi, địa điểm.
(12). Trường hợp kho bãi, địa điểm được không nhận mới hoặc đề nghị di chuyển đến nơi mới khác đơn vị hải quan đã quản lý trước đây thì Đơn vị hải quan nơi quản lý dự kiến giao Chi cục/Đội thuộc Chi cục (nêu cụ thể mã địa điểm Chi cục, Đội trên hệ thống) quản lý.
(13). Kiến nghị, kết luận cụ thể thực tế kiểm tra đối chiếu với điều kiện quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP và Thông tư này.
(14). Trường hợp Cục Giám sát quản lý về Hải quan trực tiếp kiểm tra thì lập thành 03 bản, đại diện Cục Giám sát quản lý về Hải quan giữ 01 bản, đại diện Cục Hải quan nơi quản lý giữ 01 bản, đại diện doanh nghiệp giữ 01 bản.