Open navigation

Thông tư 217/2015/TT-BTC Thủ tục hải quan; quản lý thuế đối với hoạt động thương mại biên giới theo Quyết định 52/2015/QĐ-TTg

 Hết hiệu lực: 01/01/2020


BỘ TÀI CHÍNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 217/2015/TT-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2015



THÔNG TƯ


HƯỚNG DẪN THỦ TỤC HẢI QUAN, QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI CỦA THƯƠNG NHÂN VÀ CƯ DÂN BIÊN GIỚI THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 52/2015/QĐ-TTG NGÀY 20/10/2015 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ


Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;


Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH10 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;


Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005 ngày 14 tháng 6 năm 2005;


Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;


Căn cứ Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định về thuế;


Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;


Căn cứ Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền;


Căn cứ Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;


Căn cứ Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động Thương mại biên giới với các nước có chung biên giới;


Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;


Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;


Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về thủ tục hải quan; quản lý thuế đối với hoạt động thương mại biên giới của thương nhân và cư dân biên giới như sau:


Chương I


QUY ĐỊNH CHUNG


Điều 1. Phạm vi điều chỉnh


Thông tư này hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh trong hoạt động thương mại biên giới; thủ tục hải quan, kiểm tra hải quan và quản lý thuế đối với việc mua gom, vận chuyển hàng hóa mua bán, trao đổi của thương nhân và cư dân biên giới.


Điều 2. Đối tượng áp dụng


  1. Tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại biên giới;


  2. Cư dân biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới tại cửa khẩu, chợ cửa khẩu, chợ biên giới và chợ trong khu kinh tế cửa khẩu;


  3. Cơ quan Hải quan và các cơ quan, tổ chức, quản lý điều hành hoạt động thương mại biên giới;


  4. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thương mại biên giới theo quy định tại Thông tư này.


Chương II


THỦ TỤC HẢI QUAN, GIÁM SÁT HẢI QUAN, QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI - ĐỐI VỚI VIỆC MUA GOM, VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA MUA BÁN TRAO ĐỔI CỦA THƯƠNG NHÂN VÀ CƯ DÂN BIÊN GIỚI


Điều 3. Thủ tục hải quan và quản lý thuế đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới


  1. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới thực hiện theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế theo pháp luật quản lý thuế hiện hành.


  2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân qua biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật về chính sách mặt hàng, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm.


  3. Thương nhân là hộ kinh doanh được đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh phải đăng ký mã số thuế trước khi làm thủ tục hải quan.


Điều 4. Thủ tục hải quan và quản lý thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi qua cửa khẩu, lối mở biên giới của cư dân biên giới


  1. Hàng hóa mua bán trao đổi cư dân biên giới thực hiện khai báo trên tờ khai hàng nhập khẩu cư dân biên giới và tờ khai hàng xuất khẩu cư dân biên giới (Mẫu tờ khai ban hành kèm theo Thông tư này). Tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu cư dân biên giới do cơ quan Hải quan (hoặc Biên phòng) in theo mẫu và phát cho cư dân biên giới.

  2. Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện xác nhận trên tờ khai hàng cư dân biên giới như sau: Công chức đăng ký tiếp nhận tờ khai ký và đóng dấu công chức vào góc trên bên phải tờ khai; công chức kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức tính, thu thuế ký tên đóng dấu công chức vào phía dưới tờ khai, phần kiểm tra, tính thuế của cơ quan hải quan.


  3. Đối với hàng hóa nằm trong danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nhưng vượt định mức miễn thuế quy định tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện tính thuế trên tờ khai hàng cư dân biên giới và thu thuế ngay tại cửa khẩu, lối mở.


  4. Hàng hóa của cư dân biên giới nằm ngoài Danh mục hàng hóa mua bán trao đổi cư dân biên giới thực hiện khai báo trên tờ khai hàng cư dân biên giới và phải thực hiện đầy đủ các quy định về chính sách mặt hàng; Chi cục Hải quan cửa khẩu tính thuế và thu ngay tại cửa khẩu, lối mở.


  5. Đối với các cửa khẩu chưa có kho bạc thu thuế tại cửa khẩu thì cơ quan hải quan viết biên lai và thu thuế trực tiếp, việc chuyển số tiền thuế đã thu của người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 126/2014/TT-BTC ngày 28/8/2014 của Bộ Tài chính.


  6. Hàng hóa của cư dân biên giới mua bán trao đổi qua cửa khẩu biên giới thực hiện kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra kiểm soát về chất lượng theo quy định tại Điều 16 Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.


  7. Hàng hóa nhập khẩu của cư dân biên giới trong định mức miễn thuế nhưng không sử dụng cho đời sống và sản xuất của mình khi bán nhượng lại phải kèm tờ khai hàng cư dân biên giới để thương nhân mua gom thực hiện đăng ký, khai báo với cơ quan hải quan theo Điều 6 Thông tư này.


  8. Đối với cửa khẩu, lối mở không có cơ quan hải quan thì Bộ đội Biên phòng quản lý theo quy định tại Điều 51 Luật Hải quan; thủ tục, kiểm tra và xác nhận theo hướng dẫn tại khoản 1; 2; 3; 4; 5; 6 Điều này.


Điều 5. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa mua bán qua biên giới của thương nhân, hộ kinh doanh tại chợ cửa khẩu, chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu


  1. Thương nhân đủ điều kiện theo quy định tại Điều 18 Quyết định số 52/2015/QĐ- TTg mua bán trao đổi hàng hóa tại chợ cửa khẩu, chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu khi xuất, nhập khẩu thực hiện đăng ký tờ khai, làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.


  2. Thương nhân nhập hàng hóa từ nước có chung biên giới đưa vào chợ hoặc xuất hàng hóa từ chợ sang nước có chung biên giới, khi làm thủ tục hải quan đăng ký tờ khai giấy (theo mẫu tại phụ lục IV Thông tư số 38/2015/TT-BTC). Thủ tục hải quan và quản lý thuế thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ và theo hướng dẫn tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015.


  3. Thương nhân của nước có chung biên giới đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nước có chung biên giới, nếu không có Chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện được thành lập theo quy định của pháp luật tại Việt Nam, chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định, khi làm thủ tục xuất

    khẩu, nhập khẩu phải thông qua Đại lý hải quan.


  4. Hàng hóa nhập từ nước có chung biên giới đưa vào chợ hoặc từ chợ xuất sang nước có chung biên giới thuộc đối tượng phải kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật, thủy sản), thuộc đối tượng phải kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm thì phải hoàn thành các thủ tục kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định trước khi làm thủ tục hải quan.


Điều 6. Thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hoạt động mua gom hàng hóa của cư dân biên giới


  1. Thương nhân khi thực hiện mua gom hàng hóa của cư dân biên giới tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu phải lập bảng kê mua gom hàng hóa và khai báo trên tờ khai giấy (quy định tại phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính).


  2. Thủ tục hải quan, chính sách quản lý thuế, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng thực hiện theo quy định hiện hành, hồ sơ gồm:


    1. Tờ khai hải quan giấy (Mẫu tại phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính);


    2. Bảng kê cụ thể lượng hàng hóa mua gom từ các tờ khai hàng cư dân biên giới, có chữ ký của thương nhân thực hiện việc mua gom (Mẫu Bảng kê ban hành kèm theo Thông tư này).


    3. Các tờ khai hàng cư dân biên giới;


    4. Các văn bản xác nhận về kiểm dịch, kiểm tra chất lượng (nếu thuộc các mặt hàng phải kiểm dịch, kiểm tra nhà nước về chất lượng).


  3. Địa điểm thực hiện mua gom: Khu vực cửa khẩu biên giới; Chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg.


  4. Địa điểm làm thủ tục hải quan: Thương nhân mua gom hàng hóa cư dân biên giới thực hiện đăng ký, khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi có chợ cửa khẩu, chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu; tại Trạm kiểm soát liên hợp được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập hoặc tại Chi cục Hải quan nơi cư dân biên giới đã nhập lượng hàng hóa đó; thời gian phải làm thủ tục hải quan sau khi mua gom không quá 30 ngày.


  5. Thương nhân mua gom hàng của cư dân biên giới chỉ được bán hoặc vận chuyển hàng hóa đã mua gom ra khỏi khu vực cửa khẩu, khu vực chợ vào nội địa khi đã hoàn thành thủ tục hải quan, nộp đầy đủ thuế và các nghĩa vụ khác theo quy định. Thương nhân được sử dụng tờ khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan để làm chứng từ lưu hành, vận chuyển hàng hóa vào nội địa.


  6. Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục, thu đủ các loại thuế (nếu có) tại khâu nhập khẩu; lưu tờ khai hàng cư dân biên giới cùng hồ sơ lô hàng mua gom của thương nhân theo quy định.


  7. Hàng hóa của thương nhân mua gom hàng cư dân biên giới phải tập kết để đảm bảo công tác kiểm tra hàng hóa tại các địa điểm sau: khu vực cửa khẩu; kho bãi của thương nhân trong khu vực biên giới; địa điểm kiểm tra tập trung hoặc địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa ở biên giới; các địa điểm khác đã được cơ quan hải quan công nhận hoặc thành lập ở khu vực biên giới.


  8. Hàng hóa lưu giữ trong kho, bãi của thương nhân phải bố trí lưu giữ riêng hàng mua gom đã làm thủ tục, hàng mua gom chưa làm thủ tục để thuận tiện trong kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng khi cần thiết.


Điều 7. Giám sát hải quan đối với hàng hóa của thương nhân, hộ kinh doanh, cư dân biên giới mua bán trao đổi qua cửa khẩu


  1. Nguyên tắc giám sát, xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan đối với thương nhân, hộ kinh doanh như sau:


    1. Trường hợp khai trên Hệ thống thông quan tự động: Chi cục Hải quan cửa khẩu chỉ xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan trên hệ thống khi hàng xuất khẩu đã vận chuyển qua biên giới, hàng nhập khẩu đã có xác nhận đủ điều kiện đưa ra khu vực giám sát hải quan.


    2. Trường hợp khai trên tờ khai hải quan giấy (mẫu tại phụ lục IV Thông tư số 38/2015/TT-BTC và mẫu tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu cư dân biên giới ban hành kèm theo Thông tư này): Công chức hải quan ký tên, đóng dấu công chức, ghi ngày, tháng, năm vào ô “Xác nhận của hải quan giám sát” của tờ khai xuất khẩu, tờ khai nhập khẩu hoặc xác nhận vào phần kiểm tra thực tế của tờ khai hàng xuất, nhập khẩu cư dân biên giới.


    3. Công chức hải quan giám sát tại cửa khẩu kiểm tra, đối chiếu thông tin trên tờ khai hải quan đã có xác nhận đủ điều kiện đưa ra khu vực giám sát hải quan với thực tế tình trạng bên ngoài hàng hóa xuất nhập khẩu.


  2. Xử lý kết quả giám sát:


    1. Nếu kết quả kiểm tra, đối chiếu phù hợp thì công chức hải quan giám sát hàng hóa đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan; xác nhận trên Hệ thống hàng đã qua khu vực giám sát hải quan hoặc ký tên, đóng dấu công chức, ghi ngày, tháng, năm vào ô 31 tờ khai hàng xuất khẩu và ô 36 tờ khai hàng hóa nhập khẩu (đối với tờ khai giấy).


    2. Nếu kết quả kiểm tra không phù hợp thì không cho phép hàng hóa xuất khẩu hoặc không cho hàng hóa đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan; báo cáo Chi cục trưởng Chi cục Hải quan để chỉ đạo thực hiện hủy xác nhận trên Hệ thống (trong trường hợp đã xác nhận), xác minh làm rõ và xử lý theo quy định (nếu có vi phạm).


  3. Giám sát hải quan đối với hàng hóa của cư dân biên giới mua bán trao đổi qua cửa khẩu:


    1. Trường hợp hàng hóa nằm trong danh mục, trong tiêu chuẩn miễn thuế: Công chức hải quan thực hiện giám sát trực tiếp tại cửa khẩu và xác nhận vào phần kiểm tra thực tế của tờ khai hàng nhập khẩu cư dân biên giới.


    2. Trường hợp hàng hóa ngoài danh mục, vượt tiêu chuẩn miễn thuế: Công chức hải quan thực hiện giám sát trực tiếp tại cửa khẩu, xác nhận vào phần kiểm tra thực tế và phần tính, thu thuế tại tờ khai hàng nhập khẩu cư dân biên giới.


Chương III


KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG MUA BÁN, TRAO ĐỔI HÀNG HÓA CỦA CƯ DÂN BIÊN GIỚI VÀ PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI THƯỜNG XUYÊN QUA LẠI BIÊN GIỚI


Điều 8. Kiểm tra hải quan


  1. Hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới khi qua cửa khẩu phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.


  2. Hàng hóa của cư dân biên giới không thuộc danh mục mua bán trao đổi cư dân biên giới, vượt định mức miễn thuế theo quy định tại Nghị định hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan phải kiểm tra thực tế hàng hóa. Trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa nếu cần thiết phải thay đổi hình thức kiểm tra hàng hóa thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi kiểm tra thực tế hàng hóa quyết định.


  3. Hàng hóa của thương nhân mua bán qua biên giới; hàng hóa của thương nhân mua gom hàng cư dân biên giới thực hiện kiểm tra hải quan theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan đến kiểm tra hải quan.


Điều 9. Quản lý nhà nước của cơ quan hải quan đối với hàng hóa mua bán, trao đổi cư dân biên giới


  1. Tổng cục Hải quan phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai hướng dẫn, quản lý hoạt động thương mại biên giới đảm bảo đúng quy định của pháp luật.


  2. Xây dựng phần mềm quản lý đối với hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới trên cơ sở mã vạch tích hợp trên chứng minh thư biên giới, số thông hành cư dân biên giới hoặc các giấy tờ khác cho phép cư dân qua lại biên giới;


  3. Xây dựng phần mềm quản lý, tính thuế đối với tờ khai cư dân biên giới đáp ứng được quy định tại Điều 14 Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 và quản lý, tính thuế và in tờ khai cư dân biên giới theo mẫu tờ khai nhập khẩu, tờ khai xuất khẩu ban hành kèm Thông tư này; phần mềm quản lý tính thuế được kết nối với phần mềm quản lý tờ khai cư dân biên giới để tính và thu thuế;


  4. Trang bị hệ thống máy tính, thiết bị đọc mã vạch đảm bảo quản lý của cơ quan hải quan và tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân biên giới.


  5. Đối với các cửa khẩu chưa trang bị phần mềm và thiết bị kiểm tra mã vạch để quản lý cư dân biên giới, Chi cục Hải quan cửa khẩu mở sổ theo dõi hàng cư dân biên giới (theo mẫu sổ ban hành kèm Thông tư này).


  6. Cập nhật thông tin của tờ khai giấy lên hệ thống: Chi cục Hải quan cửa khẩu cập nhật đầy đủ các thông tin về người xuất nhập khẩu, mã số thuế, hợp đồng mua bán (nếu có), số ngày tháng tờ khai, tên hàng, số lượng, trị giá, số tiền thuế phải nộp, cuối ngày truyền về Tổng cục Hải quan.


  7. Tổng cục Hải quan xây dựng Hệ thống dữ liệu giá theo Danh mục hàng hóa mua bán trao đổi cư dân biên giới để phục vụ công tác tham vấn, tham chiếu khi cần thiết.


  8. Việc khai trên tờ khai giấy thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ. Tờ khai giấy theo mẫu tại phụ lục IV Thông tư số 38/2015/TT-BTC và tờ khai hàng xuất khẩu cư dân biên giới tại Thông tư này không được sử dụng để làm chứng từ hoàn thuế GTGT.


Điều 10. Kiểm tra, giám sát hải quan đối với phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức qua lại biên giới


  1. Thực hiện thủ tục, kiểm tra, giám sát phương tiện của cá nhân tổ chức vào khu vực biên giới để giao nhận hàng theo quy định tại Điều 81 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ và Điều 33 Thông tư số 42/2015/TT-BTC ngày 27/3/2015 của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất nhập cảnh.


    1. Phương tiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức ở khu vực biên giới thường xuyên qua lại biên giới phải đăng ký một lần với cơ quan hải quan; Chi cục Hải quan cửa khẩu mở sổ quản lý phương tiện (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này), ghi chép đầy đủ các thông tin: Người điều khiển phương tiện (hoặc chủ phương tiện), địa chỉ cư trú, số giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, số thông hành...), loại phương tiện, biển số xe (nếu có).


    2. Trường hợp vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì người điều khiển phương tiện phải xuất trình cho cơ quan hải quan tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan.


  2. Nhiệm vụ của công chức giám sát phương tiện của tổ chức cá nhân qua lại biên giới: Ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu khi qua biên giới phải được làm thủ tục, kiểm tra hải quan theo đúng quy định.


Chương VI


TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm thực hiện


  1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư này hướng dẫn các đơn vị hải quan thực hiện thống nhất, bảo đảm vừa tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động thương mại biên giới, vừa thực hiện tốt công tác quản lý hải quan.


  2. Cơ quan hải quan nơi có thẩm quyền thực hiện thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi theo đúng quy định tại Thông tư này. Quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc, cơ quan hải quan, người khai hải quan, người nộp thuế báo cáo, phản ánh cụ thể về Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để được xem xét, hướng dẫn giải quyết từng trường hợp cụ thể.


  3. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản liên quan đề cập tại Thông tư này được sửa đổi hoặc bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung, thay thế.


Điều 12. Hiệu lực thi hành:


Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ Điều 94 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, văn bản số 1883/BTC-TCHQ ngày 19/02/2009, văn bản số 195/BTC-TCHQ ngày 06/01/2011 của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại biên giới./.



Nơi nhận:

  • VP TW Đảng và các Ban của Đảng;

  • VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước;

  • Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Tổng Bí thư;

  • Viện kiểm sát NDTC, Tòa án NDTC;

  • Kiểm toán Nhà nước;

  • Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

  • BCĐQG chống buôn lậu, GLTM và hàng giả;

  • UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

  • Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;

  • Công báo;

  • Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;

  • Website Chính phủ;

  • Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Website Bộ Tài chính;

  • Cục Hải quan các tỉnh, thành phố;

  • Lưu: VT, TCHQ(202b)



KT. BỘ TRƯỞNG

 THỨ TRƯỞNG



Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.