BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 44/2018/TT-BNNPTNT | Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2018 |
THÔNG TƯ
KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỤC PHẨM ĐỐI VỚI THỰC PHẨM CÓ NGUỒN GỐC THỰC VẬT XUẤT KHẨU
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm (sau đây gọi là kiểm tra) đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi có yêu cầu của nước nhập khẩu.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu khi có yêu cầu của nước nhập khẩu.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ KIỂM TRA ĐỐI VỚI THỰC PHẨM CÓ NGUỒN GỐC THỰC VẬT XUẤT KHẨU
Điều 3. Thẩm quyền kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu
Chi cục kiểm dịch thực vật vùng, Trạm kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu là cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu (sau đây gọi là Cơ quan kiểm tra).
Điều 4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục kiểm tra đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu
Thành phần hồ sơ
Giấy đăng ký kiểm tra thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
Bản sao chứng thực hoặc bản sao (xuất trình bản chính để đối chiếu) và chỉ nộp khi đăng ký kiểm tra lần đầu một trong các giấy tờ sau:
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
Giấy chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000), Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương đối với cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm quy định tại điểm k, khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (sau đây gọi là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP);
Bản cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với cơ sở quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP;
Bản sao Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với sản phẩm quy định tại Điều 6 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP trong lô hàng gồm nhiều mặt hàng thuộc thẩm quyền quản lý của từ hai bộ trở lên quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Trình tự thực hiện thủ tục kiểm tra đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến Cơ quan kiểm tra quy định tại Điều 3 của Thông tư này.
Việc nộp hồ sơ và nhận kết quả thực hiện trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công.
Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ, Cơ quan kiểm tra xem xét: trường hợp hồ sơ hợp lệ theo quy định thì tiếp nhận để giải quyết; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì thông báo cho tổ chức, cá nhân nêu rõ nội dung cần bổ sung, hoàn thành hồ sơ theo quy định.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan kiểm tra phải kiểm tra hồ sơ lô hàng và ra Thông báo kết quả kiểm tra thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này hoặc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Điều 5. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu phải nhập trở lại do không đạt yêu cầu an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu
Kiểm tra thực phẩm nhập khẩu trở lại thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Xử lý thực phẩm nhập khẩu trở lại không đạt yêu cầu theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Tổ chức; cá nhân xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu phải thực hiện truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn.
Điều 6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra; Cơ quan kiểm tra và Cục Bảo vệ thực vật
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra
Cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin, hồ sơ liên quan;
ứng;
Lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nơi sản xuất, cung
Thực hiện truy xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Trách nhiệm Cơ quan kiểm tra
Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, thông báo kết quả kiểm tra cho tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra trong thời gian quy định;
Cập nhật thông tin, hồ sơ do tổ chức, cá nhân cung cấp;
Lưu giữ và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra.
Trách nhiệm Cục Bảo vệ thực vật
Tổ chức thực hiện Thông tư này;
Chỉ đạo Cơ quan kiểm tra thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều này;
Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Thông tư này về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 02 năm 2019
Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
Văn phòng Chính phủ;
Lãnh đạo Bộ (để b/c);
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
Tổng cục Hải quan;
Cục kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
Các đơn vị thuộc Bộ;
Sở NN&PTNT các tỉnh/TP trực thuộc TW;
Công báo Chính phủ, Cổng TTĐT Chính phủ;
Cổng TTĐT Bộ NN&PTNT;
Lưu: VT, BVTV (200 bản).