BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1777/BCT-KHCN | Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2019 |
Kính gửi: Công ty TNHH Thương mại Trans Pacific Partners (TPP)
Bộ Công Thương nhận được công văn số 1752/VPCP-ĐMDN ngày 04 tháng 3 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ về việc chuyển kiến nghị của Công ty TNHH Thương mại Trans Pacific Partners (TPP) đề nghị giải đáp thắc mắc liên quan đến việc công bố hợp quy mặt hàng dệt may theo quy định tại Thông tư số 21/2017/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương, sau khi xem xét đề nghị của công ty, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
1. Về sản phẩm phải thực hiện hợp quy theo quy định tại Thông tư số 21/2017/TT-BCT
Ngày 23 tháng 10 năm 2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 21/2017/TT-BCT (Thông tư số 21) ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may (QCVN 01:2017/BCT). Danh mục sản phẩm dệt may thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư số 21 được quy định tại Phụ lục 1 kèm theo QCVN 01:2017/BCT.
Để xác định sản phẩm do Công ty nhập khẩu có phải thực hiện việc công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư số 21, Bộ Công Thương đề nghị Công ty chủ động rà soát, kiểm tra mã sản phẩm công ty đã thực hiện thủ tục nhập khẩu với cơ quan hải quan và được cơ quan này chấp thuận, đồng thời và đối chiếu mã sản phẩm với Danh mục sản phẩm đã được quy định tại Thông tư số 21. Đối với trường hợp cụ thể được trình bày tại công văn số 001/2019_TPP ngày 19 tháng 02 năm 2019 của Công ty TNHH Thương mại Trans Pacific Partners (TPP), cho thấy sản phẩm do Công ty nhập khẩu được xác định có mã HS 9403 (sản phẩm thuộc mã HS 9403 không thuộc danh mục sản phẩm được quy định tại Thông tư 21) do vậy Công ty không bắt buộc phải thực hiện việc hợp quy theo quy định tại Thông tư 21.
2. Về công tác kiểm tra khi sản phẩm dệt may lưu thông trên thị trường
Tại 1.1.1. QCVN 01:2017/BCT quy định “Quy chuẩn này quy định về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may trước khi đưa ra thị trường Việt Nam. Danh mục sản phẩm dệt may chịu sự điều chỉnh của Quy chuẩn này được quy định tại Phụ lục I kèm theo Quy chuẩn này”;
Tại 1.3.1 QCVN 01:2017/BCT quy định “Đưa ra thị trường Việt Nam: là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm dệt may thực hiện hành vi mua bán, trao đổi, tiếp thị với tổ chức, cá nhân khác”;
Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định “7. Lưu thông hàng hóa là hoạt động trưng bày, khuyến mại, vận chuyển và lưu giữ hàng hóa trong quá trình mua bán hàng hóa, trừ trường hợp vận chuyển hàng hóa của tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa từ cửa khẩu về kho lưu giữ”;
Căn cứ các quy định nêu trên, cho thấy sản phẩm dệt may chịu sự điều chỉnh của QCVN 01:2017/BCT là các sản phẩm thuộc đối tượng phải kiểm tra chất lượng khi đưa ra thị trường Việt Nam, các sản phẩm dệt may trong quá trình lưu thông không thuộc đối tượng điều chỉnh của QCVN 01:2017/BCT, hay nói cách khác các sản phẩm này trong quá trình lưu thông không bắt buộc phải công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư số 21.
3. Kiến nghị
Để nắm bắt được các quyền lợi mà Công ty được hưởng, từ đó tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí nhưng vẫn đảm bảo việc tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Bộ Công Thương đề nghị Công ty nghiên cứu kỹ Thông tư số 21, QCVN 01:2017/BCT và các tài liệu có liên quan.
Trong quá trình thực hiện, mọi vướng mắc đề nghị liên hệ Bộ Công Thương (qua Vụ Khoa học và Công nghệ) để được hướng dẫn.
Bộ Công Thương thông báo để Công ty TNHH Thương mại Trans Pacific Partners (TPP) biết và thực hiện./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |