TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39244/CT-TTHT | Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2017 |
Kính gửi: Viện Khoa học hình sự
(Địa chỉ: 99
Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội)
MST:
0101602025
Trả lời Công văn số 199/C54 (P1) ngày 02/03/2017 và hồ sơ bổ sung lần 2 của Viện Khoa học hình sự (sau đây gọi là Viện) hỏi về việc chi phí giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự; Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
1. Về mức thu phí giám định tư pháp:
- Căn cứ Thông tư số 50/2014/TT-BTC ngày 24/04/2014 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự.
- Căn cứ Công văn số 17989/BTC-PC ngày 19/12/2016 của Bộ Tài chính về việc thực hiện chi phí giám định tư pháp.
- Căn cứ Công văn số 2314/BTC-CST ngày 22/02/2017 của Bộ Tài chính về việc thu chi phí giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự.
- Căn cứ Biểu phí giám định tư pháp của Viện Khoa học hình sự gửi kèm theo Công văn hỏi của Viện.
Căn cứ theo quy định trên, trong khoảng thời gian chưa kịp xây dựng và ban hành Biểu mức chi phí giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự, Viện có thể áp dụng tạm thời Biểu mức chi phí giám định tư pháp trên cơ sở mức thu của cùng loại dịch vụ đã quy định tại Thông tư số 50/2014/TT-BTC ngày 24/04/2014 của Bộ Tài chính.
2. Về chính sách thuế GTGT đối với doanh thu từ dịch vụ giám định tư pháp:
- Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC ngày 12/08/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các Thông tư về thuế quy định:
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 và Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính) như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung Khoản 9 Điều 4 như sau:
“9. Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi, dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch, dịch vụ điều dưỡng sức khoẻ, phục hồi chức năng cho người bệnh, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật; vận chuyển người bệnh, dịch vụ cho thuê phòng bệnh, giường bệnh của các cơ sở y tế; xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh.
…
Trường hợp trong gói dịch vụ chữa bệnh (theo quy định của Bộ Y tế) bao gồm cả sử dụng thuốc chữa bệnh thì khoản thu từ tiền thuốc chữa bệnh nằm trong gói dịch vụ chữa bệnh cũng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.”
- Căn cứ tại Điều 11 mục 1 Chương II Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định:
“Điều 11. Thuế suất 10%
Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.”
Căn cứ quy định trên, các dịch vụ giám định tư pháp theo Biểu phí giám định tư pháp của Viện Khoa học hình sự gửi kèm theo Công văn hỏi của Viện không thuộc các dịch vụ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC ngày 12/08/2016 của Bộ Tài chính thì dịch vụ giám định tư pháp phải áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%.
3. Về chính sách thuế TNDN đối với doanh thu từ dịch vụ giám định tư pháp:
- Căn cứ tiết c khoản 2 Điều 1 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/05/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
“Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
…
2. Đối tượng điều chỉnh của Nghị định
…
c) Các cơ sở sự nghiệp công lập thực hiện góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật thành lập các cơ sở hạch toán độc lập hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(Sau đây gọi tắt là cơ sở thực hiện xã hội hóa).”
- Căn cứ Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN quy định:
+ Tại khoản 5 Điều 3 Chương II quy định:
“Điều 3. Phương pháp tính thuế
…
5. Đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:
+ Đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay): 5%.
Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật: 2%.
+ Đối với kinh doanh hàng hóa: 1%.
+ Đối với hoạt động khác: 2%.”
+ Tại khoản 1 Điều 11 Chương II quy định:
“Điều 11. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
1. …
Kể từ ngày 01/01/2016, trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% chuyển sang áp dụng thuế suất 20%.”
Căn cứ quy định trên, trường hợp Viện là đơn vị sự nghiệp công lập có thu nhập từ dịch vụ giám định tư pháp không thuộc đối tượng khuyến khích xã hội hóa theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 69 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/05/2008 của Chính phủ thì Viện không thuộc đối tượng được ưu đãi thuế TNDN.
Trường hợp Viện đủ điều kiện nộp thuế TNDN theo phương pháp kê khai thì áp dụng thuế suất thuế TNDN là 20%.
Trường hợp Viện không đủ điều kiện nộp thuế TNDN theo phương pháp kê khai thì thực hiện nộp thuế TNDN theo tỷ lệ 5% trên doanh thu.
4. Về sử dụng hóa đơn:
- Căn cứ Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2014, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế quy định:
“Điều 5. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
“2. Các loại hóa đơn:
a) Hóa đơn giá trị gia tăng (mẫu số 3.1 Phụ lục 3 và mẫu số 5.1 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này) là loại hóa đơn dành cho các tổ chức khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động sau:
- Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa;
- Hoạt động vận tải quốc tế;
- Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
b) Hóa đơn bán hàng dùng cho các đối tượng sau đây:
- Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu (mẫu số 3.2 Phụ lục 3 và mẫu số 5.2 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).
- Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” (mẫu số 5.3 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).”
- Căn cứ khoản 3 Điều 3; tiết a khoản 1 Điều 11 Chương II Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định:
…
3. Hình thức hóa đơn.
Hóa đơn được thể hiện bằng các hình thức sau:
a) Hóa đơn tự in là hóa đơn do các tổ chức kinh doanh tự in ra trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
b) Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành;
c) Hóa đơn đặt in là hóa đơn do các tổ chức đặt in theo mẫu để sử dụng cho hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, hoặc do cơ quan thuế đặt in theo mẫu để cấp, bán cho các tổ chức, hộ, cá nhân.
…
Điều 11. Đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế
1. Cơ quan thuế bán hóa đơn cho các đối tượng sau:
a) Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh (bao gồm cả hợp tác xã, nhà thầu nước ngoài, ban quản lý dự án).
Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh là các tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưng không được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác.
…
c) Tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp theo tỷ lệ % nhân với doanh thu.”
Căn cứ theo các quy định trên, trường hợp Viện kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì Viện sử dụng hóa đơn GTGT khi cung cấp dịch vụ.
Trường hợp Viện kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì Viện sử dụng hóa đơn bán hàng theo quy định.
Căn cứ điều kiện thực tế, Viện có thể lựa chọn hình thức hóa đơn theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính để sử dụng nếu đáp ứng, hoặc mua hóa đơn của cơ quan thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 39/2014/TT-BTC nêu trên.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Viện Khoa học hình sự được biết và thực hiện./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |