Open navigation

Công văn 44454/CT-HTr Chính sách thuế khấu trừ thuế TNCN đối với trường hợp vay vốn từ cá nhân để hoạt động sản xuất kinh doanh

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 ---------------

Số: 44454/CT-HTr
V/v trả lời chính sách thuế.

Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2016

 

Kính gửi: Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 - CTCP
Đ/c: Số 18 Hồ Đắc Di, P. Quang Trung, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội
 MST: 0100108247

Trả lời công văn số 645/TCT8 ngày 28/05/2016 của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 - CTCP (sau đây gọi tắt là Công ty) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

1. Về chi phí được trừ khi tính thuế TNDN:

- Căn cứ Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:

+ Tại Điều 22 quy định về sử dụng hóa đơn bất hợp pháp:

“Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.

Hóa đơn giả là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.

Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.

Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế).”

+ Tại Điều 23 quy định về sử dụng bất hợp pháp hóa đơn

“1. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.

2. Một số trường hợp cụ thể được xác định là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn:

- Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ. 

- Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế.

- Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ.

- Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn.

- Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.”

- Căn cứ Khoản 2 Điều 12 Thông tư 10/2014/TT-BTC ngày 17/01/2014 của Bộ Tài chính quy định về hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn của người mua:

“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này) hoặc hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư này).

Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn và các trường hợp cụ thể xác định là sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.”

- Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt...”

- Căn cứ Công văn số 11797/BTC-TCT ngày 22/8/2014 của Bộ tài chính về thuế GTGT.

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty đã hạch toán chi phí đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ sau đó phát hiện nhà cung cấp ngừng kinh doanh, bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh thì:

- Nếu Công ty sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn thì Công ty bị xử phạt về hành vi vi phạm sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn theo quy định tại Điều 12 Thông tư 10/2014/TT-BTC Công ty không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, không được hạch toán chi phí đối với các hóa đơn nêu trên.

- Nếu các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ của Công ty không nằm trong danh sách hóa đơn không còn giá trị sử dụng và chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hóa đơn bất hợp pháp, đồng thời Công ty khẳng định việc mua bán hàng hóa là có thật và việc sử dụng hóa đơn đầu vào để kê khai là đúng quy định thì Công ty phải cam kết với cơ quan Thuế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam kết. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan Thuế sẽ lập và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Về thuế thu nhập cá nhân đối với khoản lãi cá nhân cho Công ty vay để hoạt động sản xuất kinh doanh:

- Căn cứ Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế Thu nhập Cá nhân.

+ Tại Khoản 3, Điều 2 quy định các khoản thu nhập chịu thuế:

“3. Thu nhập từ đầu tư vốn

Thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức:

a) Tiền lãi nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh vay theo hợp đồng vay hoặc thỏa thuận vay, trừ lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng dẫn tại tiết g.1, điểm g, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.“

+ Tại Điều 10 quy định căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn:

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thu nhập tính thuế và thuế suất.

1. Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế từ đầu tư vốn là thu nhập chịu thuế mà cá nhân nhận được theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 2 Thông tư này.

2. Thuế suất đối với thu nhập từ đầu tư vốn áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%. 

3. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế…”

+ Tại Điều 25 quy định khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế:

“… d) Thu nhập từ đầu tư vốn

- Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ đầu tư vốn theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 2 Thông tư 111 có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập cho cá nhân trừ trường hợp cá nhân tự khai thuế theo hướng dẫn tại khoản 9, Điều 26 Thông tư này. Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư này. ...”

Căn cứ các quy định trên:

Trường hợp Công ty vay vốn từ cá nhân để hoạt động sản xuất kinh doanh thì khi chi trả lãi vay cho cá nhân Công ty phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức thuế suất là 5% trên thu nhập được chi trả.

Cục thuế TP Hà Nội trả lời Công ty được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng Kiểm tra thuế số 3;
- Phòng Pháp chế;
 - Lưu: VT, HTr(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




 Mai Sơn 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.