BỘ KHOA HỌC VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 976/QĐ-BKHCN | Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC ĐIỀU TRA ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG DOANH NGHIỆP NĂM 2022
BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Luật thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thống kê;
Căn cứ Nghị định 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 85/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thống kê tập trung và thống kê Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Quyết định số 293/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 04/2018/TT-BKHCN ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc quy định các cuộc điều tra thống kê khoa học và công nghệ ngoài Chương trình điều tra thống kê quốc gia;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Tiến hành Điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2022 theo Phương án được ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Giao Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2022 theo đúng kế hoạch, nội dung và phương án được phê duyệt. Kinh phí thực hiện Điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2022 được lấy từ kinh phí thực hiện nhiệm vụ thống kê khoa học và công nghệ năm 2022 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHƯƠNG ÁN
ĐIỀU TRA ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG DOANH NGHIỆP NĂM 2022
(Kèm theo Quyết định số 976/QĐ-BKHCN ngày 10 tháng 06 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc Điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2022)
1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU ĐIỀU TRA
1.1. Mục đích điều tra
Điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2022 (theo phương pháp luận của OECD - Oslo Manual 2018) thu thập thông tin thống kê phục vụ tổng hợp, biên soạn chỉ tiêu thống kê trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ nhằm mục đích đánh giá, xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch khoa học và công nghệ, so sánh quốc tế các chỉ tiêu thống kê về đổi mới sáng tạo và cập nhật cơ sở dữ liệu về đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
1.2. Yêu cầu điều tra
Cuộc điều tra hiện theo đúng quy định của Phương án điều tra, bảo đảm thông tin đầy đủ, trung thực, chính xác kịp thời, không trùng lặp, bỏ sót thông tin quy định trong Phương án điều tra và các thông tin thu thập được bảo mật theo quy định của Luật Thống kê.
2. ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ VÀ PHẠM VI ĐIỀU TRA
2.1. Đối tượng và đơn vị điều tra
Đối tượng và đơn vị điều tra: bao gồm các doanh nghiệp hạch toán độc lập được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 01/01/2021 trong các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo.
2.2. Phạm vi điều tra
Cuộc điều tra thu thập thông tin của 2.000 doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trở lên trên phạm vi toàn quốc, hoạt động trong các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ).
Doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ theo quy định của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
“Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người...
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực công nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người.
Doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không trên 200 người và tổng doanh thu của năm trên 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng”.
3. THỜI ĐIỂM, THỜI KỲ VÀ THỜI GIAN ĐIỀU TRA
3.1. Thời điểm, thời kỳ điều tra
a) Thời điểm bắt đầu điều tra là ngày 01/7/2022. Những chỉ tiêu thu thập theo thời điểm được lấy thông tin theo số thực tế có đến 31/12/2021.
b) Thời kỳ điều tra: những chỉ tiêu thu thập theo thời kỳ được lấy thông tin trong vòng 1 năm, từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
3.2. Thời gian điều tra
Thời gian thu thập thông tin là 62 ngày kể từ ngày 01/7/2022.
4. NỘI DUNG ĐIỀU TRA, PHIẾU ĐIỀU TRA
4.1. Nội dung điều tra
Nội dung điều tra tập trung phục vụ các chỉ tiêu được quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BKHCN ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ và phân công thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học và công nghệ:
- Chỉ tiêu 0601: tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo;
- Chỉ tiêu 0602: chi cho đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp;
- Chỉ tiêu 0604: số doanh nghiệp có Quỹ phát triển khoa học và công nghệ;
- Chỉ tiêu 0605: số doanh nghiệp có bộ phận nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
a. Nhóm thông tin nhận dạng đơn vị điều tra
- Tên doanh nghiệp;
- Mã số thuế của doanh nghiệp;
- Năm thành lập;
- Địa chỉ doanh nghiệp;
- Cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp;
- Ngành hoạt động sản xuất kinh doanh;
- Những thông tin khác.
b. Nhóm thông tin về nguồn nhân lực (lao động) của doanh nghiệp
- Số lao động;
- Lao động phân theo trình độ học vấn.
c. Nhóm thông tin về sản xuất kinh doanh
- Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ;
- Doanh thu các sản phẩm xuất khẩu;
- Tổng giá trị máy móc, thiết bị;
- Quỹ phát triển khoa học và công nghệ;
- Bộ phận nghiên cứu và phát triển.
d. Nhóm thông tin về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp
- Hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp;
- Tình hình thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo;
- Các yếu tố tác động tích cực đến hoạt động đổi mới sáng tạo;
- Nhà nước hỗ trợ đổi mới sáng tạo;
- Vốn cho đổi mới sáng tạo;
- Hợp tác đổi mới sáng tạo;
- Nguồn thông tin cho đổi mới sáng tạo;
- Thực hiện quyền sở hữu công nghiệp;
- Các yếu tố cản trở đổi mới sáng tạo.
4.2. Phiếu điều tra
Cuộc điều tra sử dụng 01 loại phiếu điều tra “Phiếu ĐTĐMST-DN: phiếu thu thập thông tin đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2022”.
5. PHÂN LOẠI, DANH MỤC ÁP DỤNG CHO CUỘC ĐIỀU TRA
Cuộc Điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp ở Việt Nam sử dụng các bảng danh mục sau:
a) Phân ngành kinh tế theo Bảng Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2018 ban hành theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ;
b) Phân loại sản phẩm công nghiệp theo Danh mục sản phẩm công nghiệp được phát triển trên cơ sở Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam ban hành theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 01/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ;
c) Bảng phân loại Lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ ban hành kèm theo Quyết định số 12/2008/QĐ-BKHCN ngày 04/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;
d) Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ và được cập nhật đến thời điểm điều tra”.
6. LOẠI ĐIỀU TRA, PHƯƠNG PHÁP THU THẬP THÔNG TIN
6.1. Loại điều tra
Là cuộc điều tra chọn mẫu các doanh nghiệp thuộc các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo có quy mô vừa và nhỏ trở lên trên phạm vi cả nước (không điều tra các doanh nghiệp siêu nhỏ).
Bước 1: Lập danh sách đơn vị điều tra
Danh sách các đơn vị điều tra được lập từ cuộc Điều tra đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2019, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác.
Bước 2: Chọn đơn vị điều tra
Mẫu điều tra được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên rải đều theo quy mô lao động, đại diện cho toàn quốc và ngành kinh tế cấp 2 thuộc các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo.
Dàn chọn mẫu là danh sách các doanh nghiệp thực tế đang hoạt động có đến thời điểm 31/12/2021 thuộc các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tổng số doanh nghiệp chọn mẫu là 2.000 doanh nghiệp.
Bước 3: Phân bổ mẫu và tiến hành chọn mẫu:
(i) Phân bổ mẫu:
Căn cứ tổng số doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ luôn có (gọi là N) và số doanh nghiệp của từng ngành cấp 2 thứ i (gọi là Ni), tiến hành phân bổ mẫu (gọi là n) cho từng ngành thứ i theo cách phân bổ mẫu tỷ lệ với căn bậc hai quy mô tổng thể qua công thức:
Trong đó N = ΣNi và n = Σni
(ii) Tiến hành chọn mẫu:
- Mỗi ngành cấp 2 lập một danh sách các doanh nghiệp theo thứ tự độ dốc giảm dần về lao động.
- Chia số doanh nghiệp mỗi ngành Ni cho ni tổ (ni mẫu) sẽ được Ki đơn vị trong một tổ ()
- Chọn mẫu ngẫu nhiên một doanh nghiệp ở tổ thứ nhất, được doanh nghiệp thứ j, sau đó tiếp tục chọn ở tổ thứ 2, thứ 3, ... để được các doanh nghiệp thứ j+k, j + 2k... và cứ như vậy chọn sẽ chọn được đến doanh nghiệp ở tổ cuối cùng và sẽ được ni doanh nghiệp cần chọn. Khi chọn mẫu gặp vào đơn vị bị mất thì tiến hành chọn đơn vị thay thế theo nguyên tắc chọn doanh nghiệp liền kề doanh nghiệp bị mất (cùng ngành cấp 2) và có quy mô lao động tương đương.
- Sau khi chọn xong, mỗi ngành lập một danh sách mới (danh sách các doanh nghiệp được chọn vào mẫu) có số lao động, địa chỉ liên lạc và số điện thoại kèm theo để phục vụ cho yêu cầu điều tra.
6.2. Phương pháp thu thập thông tin
Thu thập thông tin theo hai phương pháp: gián tiếp và trực tiếp để thu thập thông tin tại các đơn vị điều tra.
Phương pháp trực tiếp: điều tra viên trực tiếp đến các đơn vị điều tra gặp cán bộ được phân công của các các đơn vị giới thiệu mục đích, ý nghĩa, nội dung và cùng với cán bộ của đơn vị thu thập, tính toán số liệu để ghi vào phiếu điều tra. Phương pháp này được áp dụng với đa số đơn vị điều tra.
Phương pháp gián tiếp: tổ chức hội nghị tập huấn giới thiệu mục đích, ý nghĩa, nội dung cách ghi phiếu và yêu cầu đơn vị điều tra gửi phiếu điều tra về cơ quan điều tra theo đúng nội dung và thời gian quy định của Phương án điều tra. Phương pháp này áp dụng khi điều tra viên khó tiếp cận với đơn vị điều tra.
Điều tra viên được tuyển chọn là cán bộ điều tra có kinh nghiệm trong lĩnh vực điều tra thống kê.
7. PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ THÔNG TIN, TỔNG HỢP VÀ BIỂU ĐẦU RA CỦA ĐIỀU TRA
7.1. Phương pháp xử lý thông tin
Mã số của các đơn vị được ghi thủ công theo khu vực thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo.
Phương pháp nhập tin: cuộc điều tra được xử lý tổng hợp tập trung bằng máy tính, nhập tin bằng bàn phím trên phần mềm do Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia phát triển.
Quy trình và cách thức tổng hợp dữ liệu:
Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia tổ chức, chỉ đạo, triển khai điều tra và xử lý toàn bộ số liệu điều tra đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2022. Dữ liệu sẽ được tổng hợp tự động theo các biểu đầu ra bằng phần mềm.
7.2. Biểu đầu ra
Các biểu tổng hợp kết quả điều tra được thể hiện trong phần phụ lục.
8. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH
8.1. Thời gian thực hiện các công việc chuẩn bị tiến hành điều tra
Tháng 2-4/2022: xây dựng phương án, mẫu phiếu điều tra.
Tháng 4-5/2022: gửi thẩm định đến Tổng cục Thống kê.
Tháng 5-6/2022: tiếp thu, hoàn thiện phương án và trình Lãnh đạo Bộ ký Quyết định phê duyệt Phương án điều tra.
Tháng 6/2022: lập danh sách đơn vị điều tra.
Tháng 7-8/2022: điều tra, thu thập thông tin.
Tháng 9-11/2022: Nhập tin phiếu điều tra; xử lý, tổng hợp kết quả điều tra, biên soạn kết quả điều tra; viết báo cáo tổng hợp, phân tích kết quả điều tra.
8.2. Hoạt động tuyên truyền
a) Hoạt động tuyên truyền cần tập trung làm rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung chính và kế hoạch thực hiện Điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2022 đến các cấp, các ngành và cộng đồng khoa học. Huy động tối đa các hình thức tuyên truyền như: các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo điện tử, bản tin, website) thực hiện tuyên truyền sâu rộng để các đơn vị thuộc đối tượng điều tra tích cực hưởng ứng cuộc Điều tra.
b) Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia chuẩn bị điều kiện vật chất cần thiết (làm website về các nội dung cơ bản cuộc Điều tra, trong đó có mục hỏi/đáp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thực hiện thu thập thông tin, cách trả lời phiếu điều tra) cung cấp cho Tổ công tác để tuyên truyền, phổ biến về cuộc Điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2022.
8.3. Triển khai thu thập số liệu
Thu thập số liệu được bắt đầu từ ngày 01/7/2022.
Cần thông báo trước cho các đơn vị được điều tra và các đối tượng điều tra viên cần gặp về ngày, giờ điều tra viên đến điều tra.
Trong quá trình thu thập thông tin, nếu chưa rõ, điều tra viên cần gợi ý để đơn vị kiểm tra và cung cấp hoặc giải thích để hoàn thiện phiếu điều tra. Điều tra viên chỉ ghi vào phiếu những thông tin trung thực và đã được kiểm tra. Điều tra viên tuyệt đối không được tự ý ghi chép vào phiếu những thông tin giả tạo, sai sự thật dưới mọi hình thức.
8.4. Xử lý tổng hợp và công bố kết quả điều tra
Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia tổ chức, chỉ đạo và triển khai công tác xử lý toàn bộ số liệu Điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Dữ liệu sẽ được xử lý và tổng hợp theo các biểu đầu ra bằng phần mềm.
Mọi thông tin về kết quả Điều tra do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố theo quy định của pháp luật.
Kết quả chính thức công bố vào cuối năm 2022.
9. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO VÀ THỰC HIỆN
9.1 Thành lập Tổ công tác triển khai Điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Tổ công tác triển khai Điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2022. Tổ công tác do một Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là Tổ trưởng, Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia làm Phó tổ trưởng thường trực, các thành viên là Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Vụ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường (Tổng cục Thống kê).
Tổ công tác có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng phương án, chỉ đạo triển khai thực hiện Cuộc điều tra.
Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện thực hiện Điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2022 theo đúng kế hoạch, nội dung và phương án quy định. Địa chỉ liên lạc:
Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia
24 Lý Thường Kiệt, Hà nội
Tel: 024-38256143, Fax: 024-39349127
Email: vtthuy@vista.gov.vn
9.2. Công tác giám sát, kiểm tra
Nhằm bảo đảm chất lượng của Cuộc điều tra, Tổ công tác có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc giám sát, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất trong suốt thời gian từ khâu lập bảng kê, tập huấn đến thu thập, tổng hợp nhanh số liệu điều tra tại các địa bàn.
Nội dung giám sát, kiểm tra gồm: giám sát, kiểm tra việc lập bảng kê các đơn vị điều tra, tham gia các lớp tập huấn, số lượng và chất lượng phiếu, cách hỏi và ghi phiếu của từng điều tra viên, tính logic giữa các cột, dòng, các chỉ tiêu, quan hệ giữa các biểu, kiểm tra số học, đơn vị tính, đánh mã, các thủ tục hành chính, kiểm tra thực địa tại địa bàn...
Hình thức giám sát, kiểm tra, thanh tra: kiểm tra chéo, cấp trên giám sát, kiểm tra, thanh tra cấp dưới, kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất, kiểm tra trọng điểm, tổng kiểm tra trước khi nghiệm thu. Tổ công tác kiểm tra điển hình việc tổ chức và thực hiện điều tra tại các ngành, địa phương để phát hiện và giải quyết tại chỗ, kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình điều tra.
Nhằm bảo đảm chất lượng của thông tin thu thập tại địa bàn trước khi nghiệm thu, bàn giao, điều tra viên phải đặc biệt lưu ý đến trách nhiệm kiểm tra tất cả các phiếu điều tra cả về nội dung, phương pháp tính, tính logic, kiểm tra số học, các quy định hành chính bắt buộc (chữ ký, dấu).
Tổ công tác giao Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia thực hiện phúc tra theo đúng quy trình phúc tra nhằm phát hiện những sai sót trong quá trình thu thập thông tin, đánh giá chất lượng điều tra và công bố độ tin cậy số liệu cho người sử dụng thông tin.
9.3. Tổ chức nghiệm thu phiếu
Tổ công tác trực tiếp nghiệm thu phiếu điều tra và dữ liệu nhập từ phiếu điều tra, dữ liệu các bảng tổng hợp. Thời gian nghiệm thu từ ngày 15 đến 31/8/2022.
Nội dung nghiệm thu bao gồm: số lượng phiếu đã điều tra theo từng loại phiếu, chất lượng số liệu và chất lượng phiếu; dữ liệu nhập vào máy tính theo số phiếu đã được xử lý; dữ liệu về các bảng tổng hợp. Các thành phần tham gia nghiệm thu ký vào biên bản nghiệm thu và chịu trách nhiệm về kết quả đã nghiệm thu.
10. KINH PHÍ
Kinh phí triển khai Điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2022 từ nguồn ngân sách Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Chế độ chi triển khai Điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2022 được thực hiện theo Thông tư 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia.
Tổ công tác triển khai Điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2022, Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng nguồn kinh phí được cấp theo chế độ tài chính hiện hành, bảo đảm điều kiện để thực hiện tốt cuộc điều tra./.
[FILE ĐÍNH KÈM TRONG VĂN BẢN]