Open navigation

Công văn 04/CT-UBND ngày 18/01/2024 Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 01 năm 2024

 CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ
 PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

Năm 2024 là năm thứ 04 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025, là năm quan trọng cần nỗ lực vượt bậc, tăng tốc, bứt phá thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của cả giai đoạn. Nhằm tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình công tác, Chủ đề năm 2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu:

1. Các đồng chí Thành viên Ủy ban nhân dân Thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố:

1.1. Khẩn trương triển khai nhiệm vụ của ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương gắn với việc: (1) Rà soát các chỉ tiêu, chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI; xác định chương trình, đề án quan trọng, cần tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả. Nghiên cứu, cập nhật, điều chỉnh nội dung nhiệm vụ, giải pháp một số đề án, chương trình đã ban hành phù hợp với các Nghị quyết mới của Trung ương liên quan đến Thành phố; định kỳ đánh giá, sơ kết, tăng cường theo dõi, rà soát tiến độ, hiệu quả từng đề án, chương trình; (2) Bám sát Quyết định triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh; (3) Kế hoạch triển khai chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu cấp Thành phố chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và (4) Kế hoạch tổ chức thực hiện Chủ đề công tác năm 2024. Phấn đấu hoàn thành đạt, vượt mức 18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tập trung thực hiện đảm bảo tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 95%.

1.2. Trực tiếp, chủ động, tích cực tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả những công việc, nhiệm vụ, quyền hạn được Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố giao, phân cấp, ủy quyền theo quy định, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, chủ động thích ứng, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; giữ vững, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; quán triệt, thực hiện tốt Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân Thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận, huyện trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước; tăng cường sử dụng, ứng dụng, khai thác hiệu quả Hệ thống Quản trị thực thi Thành phố trên nền tảng số trong phối hợp, thực thi công vụ.

Ngay trong tháng 01 năm 2024, tập trung xây dựng Chương trình công tác, Kế hoạch năm 2024 của cơ quan, đơn vị có trọng tâm, trọng điểm bám sát Chương trình công tác, Chủ đề năm của Ủy ban nhân dân Thành phố; tổ chức phân công nhiệm vụ theo hướng “cá thể hóa trách nhiệm, cụ thể hóa công việc”, mỗi công việc được giao cho một đơn vị, một công chức, viên chức làm đầu mối chủ trì theo dõi xử lý và chịu trách nhiệm chính. Đơn vị và công chức, viên chức phối hợp chịu trách nhiệm xử lý các nội dung liên quan thuộc lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ được phân công.

1.3. Chủ động truyền thông, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Chính quyền Thành phố tạo sự đồng thuận trong Nhân dân và xã hội; tạo động lực, truyền cảm hứng, cổ vũ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, xây dựng môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm trong thực hiện trách nhiệm công vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc.

1.4. Trong quá trình phối hợp để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền, chi lấy ý kiến các cơ quan liên quan trực tiếp đến đề án, dự án..., không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết. Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng hạn, đúng chức năng, nhiệm vụ, có quan điểm, trách nhiệm rõ ràng, không trả lời chung chung, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, lãng phí nguồn lực, cơ hội của Nhà nước, xã hội, người dân, doanh nghiệp; tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính để phát hiện, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức không chịu xử lý, vi phạm.

2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đầu mối tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, phân nhóm và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố tại Phiên họp Ủy ban nhân dân Thành phố về kinh tế - xã hội định kỳ hằng tháng.

3. Về tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp: (1) Sở Tài chính đầu mối, theo dõi, giải quyết kiến nghị, khó khăn vướng mắc của các Doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố; (2) Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Thành phố tăng cường phối hợp các cơ quan Trung ương theo dõi việc phê duyệt và triển khai Đề án tiếp tục sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá, nâng cao chất lượng, hiệu quả Kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2022 - 2025; (3) Sở Xây dựng đầu mối giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn Thành phố; (4) Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố đầu mối tiếp nhận, điều phối thông tin giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp; các hiệp hội doanh nghiệp kịp thời đề xuất giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố.

4. Giao Sở Nội vụ theo dõi đánh giá, kiểm tra việc thực thi công vụ, kết quả thực hiện, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình công tác năm, Chủ đề năm của Ủy ban nhân dân Thành phố là một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Tập trung triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm, phát động phong thi đua yêu nước, tổ chức khen thưởng đột xuất, biểu dương bằng các hình thức phù hợp đối với các tập thể, cá nhân có mô hình hay, cách làm tốt, sáng kiến hiệu quả trong thực thi công vụ, giải quyết các điểm nghẽn, vấn đề tồn tại.

5. Giao Sở Tư pháp tăng cường theo dõi việc thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố: (1) Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2023 về tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (2) Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 03 tháng 01 năm 2024 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; (3) Thường xuyên tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nắm rõ quy trình tham mưu nội dung trình Hội đồng nhân dân Thành phố, góp phần đảm bảo tiến độ, chất lượng các Tờ trình của Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định.

6. Giao Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện hiệu quả Chiến lược truyền thông của Chính quyền Thành phố; chủ động cung cấp thông tin có trọng tâm đối với các chính sách, hoạt động chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố. Đầu mối hướng dẫn sử dụng Hệ thống Quản trị thực thi Thành phố Hồ Chí Minh trên nền tảng số.

7. Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố giao các sở, ban, ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, chỉ đạo thực hiện./.

 
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (để báo cáo);
- Thường trực Thành ủy (để báo cáo);
- Thường trực HĐND Thành phố (để báo cáo);
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố;
- Văn phòng Thành ủy, các Ban Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy viên UBND Thành phố;
- Các đoàn thể Thành phố;
- Sở, ban, ngành Thành phố;
- Doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Thành phố;
- UBND: thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
- Trung tâm Báo chí; cơ quan báo chí thuộc Thành phố;
- VPUB: CVP; các PCVP; Phòng, ban, trung tâm trực thuộc VPUB;
 - Lưu: VT, (TH/Trg).

CHỦ TỊCH




 Phan Văn Mãi

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.