Open navigation

Công văn 3935/BHXH-TCCB Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật


BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

---------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số:  3935 / BHXH - TCCB 

V/v hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2015


Kính gửi: Trung tâm Lưu trữ;

Trung tâm Giám định BHYT và TT đa tuyến khu vực phía Bắc;

Trung tâm Giám định BHYT và TT đa tuyến khu vực phía Nam;

Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 28/5/2014 Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn số  1808 / BHXH - TCCB  hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với viên chức và người lao động làm một số nghề, công việc tại các đơn vị trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, qua theo dõi nắm bắt tình hình, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thấy việc đo, kiểm tra môi trường lao động hằng năm đối với các vị trí công tác được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật còn có những vướng mắc, thiếu thống nhất trong cách hiểu cũng như trong tổ chức thực hiện.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, đồng thời nhằm tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện của các địa phương, đơn vị trong toàn hệ thống, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hai lần có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cho ý kiến về việc tổ chức đo kiểm hằng năm đối với các vị trí công tác được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật của Ngành. Căn cứ ý kiến của Cục An toàn lao động thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số  54 / ATLĐ - CSBHLĐ  ngày 06/02/2015 và Công văn số  277 / ATLĐ -  CSBHLĐ ngày 09/7/2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung nội dung hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật như sau:

  1. Sửa đổi nội dung nêu tại Khoản 2 Mục I Công văn số  1808 / BHXH - TCCB  (về điều kiện hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật) như sau:

    1. Viên chức được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi làm các nghề, công việc nêu tại Khoản 1 Mục I Công văn số  1808 / BHXH - TCCB , nếu đang làm việc trong môi trường lao động mà kết quả đo, kiểm tra môi trường lao động do đơn vị có đủ điều kiện đo, kiểm tra theo quy định của Bộ Y tế thực hiện xác định có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.

    2. Việc đo, kiểm tra môi trường lao động, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế khu vực và Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực Trung ương (sau đây gọi tắt là các địa phương, đơn vị) thực hiện như sau:

      1. Kể từ sau ngày 15/11/2014 (sau thời hạn 01 năm ngày Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn thỏa thuận số  4506 / LĐTBXH - ATLĐ  ngày 15/11/2013 về việc thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với một số vị trí công tác của Ngành), định kỳ hằng năm (ít nhất một năm 01 lần), các địa phương, đơn vị phải tiến hành việc đo, kiểm tra môi trường lao động đối với các vị trí công tác thuộc đối tượng hưởng nêu tại Khoản 1 Mục I Công văn số  1808 / BHXH - TCCB  (kể cả đối với các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành). Tuy nhiên, việc đo, kiểm tra môi trường lao động đối với các trường hợp như sau:

        1. Đối với địa phương, đơn vị trước đó đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức đo, kiểm tra môi trường lao động để xây dựng hồ sơ đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thỏa thuận cho một số vị trí công tác thuộc Ngành được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, thì các năm tiếp theo, yếu tố cụ thể nào có trong môi trường lao động cần phải đo lại, phương pháp đo, quy mô mẫu đo sẽ do đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động phối hợp với địa phương, đơn vị xem xét, quyết định trên cơ sở các số liệu đã đo lần trước và sự thay đổi điều kiện lao động (nếu có), không nhất thiết phải đo lại toàn bộ các yếu tố và tất cả các vị trí làm việc, tránh lãng phí kinh phí (nhưng đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động phải có ý kiến bằng văn bản).

          Trường hợp địa phương, đơn vị trước đó đã thực hiện việc đo, kiểm tra môi trường lao động, nếu năm tiếp theo không có thay đổi về điều kiện lao động thì việc có phải thực hiện việc đo, kiểm tra lại hay không do đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động xem xét, quyết định (nếu không phải đo, kiểm tra lại thì phải có ý kiến bằng văn bản của đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động).

        2. Đối với địa phương, đơn vị đến nay chưa thực hiện việc đo, kiểm tra môi trường lao động thì phải thực hiện việc đo, kiểm tra môi trường lao động để thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với viên chức.

      2. Đối với địa phương, đơn vị đã thực hiện việc đo, kiểm tra môi trường lao động sau khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện số  1808 / BHXH - TCCB  ngày 28/5/2014 nhưng đã quá thời hạn 01 năm thì bước sang các năm tiếp theo việc đo, kiểm tra lại môi trường lao động thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm a Khoản 1.2.1 nêu trên.

    3. Đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động là đơn vị đáp ứng quy định tại Thông tư số  19 / 2011 / TT - BYT  ngày 06/6/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe lao động và bệnh nghề nghiệp.

  2. Tổ chức thực hiện

Nội dung sửa đổi bổ sung việc thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật nêu tại Công văn này được áp dụng kể từ ngày ký ban hành và thay thế nội dung tại Khoản 2 Mục I Công văn số  1808 / BHXH - TCCB  (về điều kiện hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật).

Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc có tên nêu trên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, kịp thời phản ánh về Bảo hiểm xã hội Việt Nam (qua Ban Tổ chức cán bộ) để xem xét, giải quyết./.



Nơi nhận:

  • Như trên;

  • Tổng Giám đốc;

  • Các Phó TGĐ;

  • Lưu: VT, TCCB (10).

TỔNG GIÁM ĐỐC


Nguyễn Thị Minh

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.