Hết hiệu lực: 11/09/2017
TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46411/CT-TTHT | Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2017 |
Kính gửi: Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank
(Địa chỉ: Số 4 Phạm Ngọc Thạch, P. Kim Liên, Q. Đống Đa, TP Hà Nội.
MST: 0106134589)
Trả lời công văn số 56/AMC-TCKT ngày 10/3/2017 của Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank ( sau đây gọi tắt là Công ty Agribank ACM) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Điều 64 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2016 của Chính Phủ về giao dịch bảo đảm quy định
“Điều 64. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo đảm trong thời gian chờ xử lý tài sản bảo đảm
1. Trong thời gian chờ xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm được khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm hoặc cho phép bên bảo đảm hoặc ủy quyền cho người thứ ba khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm theo đúng tính năng và công dụng của tài sản. Việc cho phép hoặc ủy quyền khai thác, phương thức khai thác và việc xử lý hoa lợi, lợi tức thu được phải được lập thành văn bản.
2. Hoa lợi, lợi tức thu được phải được hạch toán riêng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Sau khi trừ các chi phí cần thiết cho việc khai thác, sử dụng tài sản, số tiền còn lại được dùng để thanh toán cho bên nhận bảo đảm”.
- Căn cứ Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
+ Tại Khoản 3 Điều 1 sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 8 Điều 4 Thông tư số 219/TT-BTC quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:
“3. Sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 8 Điều 4 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 8 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như sau:
“a) Dịch vụ cấp tín dụng gồm các hình thức:
…
- Bán tài sản bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng hoặc do cơ quan thi hành án hoặc bên đi vay vốn tự bán tài sản bảo đảm theo ủy quyền của bên cho vay để trả nợ khoản vay có bảo đảm, cụ thể:
+ Tài sản bảo đảm tiền vay được bán là tài sản thuộc giao dịch bảo đảm đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
+ Việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Trường hợp hết thời gian trả nợ, người có tài sản bảo đảm không có khả năng trả nợ và phải bàn giao tài sản cho tổ chức tín dụng để tổ chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật, các bên thực hiện thủ tục bàn giao tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật thì không phải xuất hóa đơn GTGT.
Trường hợp tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì tổ chức tín dụng thực hiện hạch toán tăng giá trị tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh theo quy định. Khi tổ chức tín dụng bán tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh nếu tài sản thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì tổ chức tín dụng phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.
Ví dụ 3: Tháng 3/2015, Doanh nghiệp A là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thế chấp dây chuyền, máy móc thiết bị để vay vốn tại Ngân hàng B, thời gian vay là 1 năm (hạn trả nợ là ngày 31/3/2016). Đến ngày 31/3/2016, Doanh nghiệp A không có khả năng trả nợ và phải bàn giao tài sản cho Ngân hàng B thì khi bàn giao tài sản, Doanh nghiệp A không phải lập hóa đơn. Ngân hàng B bán tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ thì tài sản bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT
Ví dụ 3a: Tháng 12/2014, Doanh nghiệp B là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thế chấp nhà xưởng trên đất và quyền sử dụng đất để vay vốn tại Ngân hàng thương mại C, thời gian vay là 1 năm, hạn trả nợ là ngày 15/12/2016, Ngân hàng thương mại C và Doanh nghiệp B có đăng ký giao dịch bảo đảm (thế chấp nhà xưởng trên đất và quyền sử dụng đất) với cơ quan có thẩm quyền. Đến ngày 15/12/2016, Doanh nghiệp B không có khả năng trả nợ và Ngân hàng thương mại C có văn bản đồng ý giải chấp để Doanh nghiệp B được bán nhà xưởng để trả nợ ngân hàng, tháng 1/2017, doanh nghiệp B bán nhà xưởng để trả nợ Ngân hàng thì nhà xưởng bán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
…”
+ Tại Điểm a Khoản 7 Điều 3 sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định lập hóa đơn như sau:
“a) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:
“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).
…””
Căn cứ các quy định trên, Cục thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Nội dung vướng mắc liên quan đến khai thác tài sản đảm bảo trong thời gian chờ xử lý thu hồi nợ, Tổng cục Thuế đã có công văn số 2562/TCT-DNL ngày 13/06/2017 trả lời Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam hướng dẫn về việc nghĩa vụ thuế đối với hoạt động khai thác tài sản đảm bảo trong thời gian chờ xử lý, đề nghị Công ty Agribank AMC nghiên cứu và thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 2562/TCT-DNL ngày 13/06/2017 của Tổng cục Thuế.
Nội dung liên quan đến hạch toán kế toán, đề nghị Công ty Agribank AMC liên hệ tới Vụ chế độ kế toán và kiểm toán để được hướng dẫn chi tiết.
- Nội dung vướng mắc liên quan đến các chi phí xử lý tài sản đảm bảo của Công ty Agribank AMC, Cục Thuế TP Hà Nội đã có công văn báo cáo, xin ý kiến Tổng cục Thuế. Khi nhận được hướng dẫn, Cục Thuế TP Hà Nội sẽ thông báo để đơn vị được biết và thực hiện.
Cục Thuế TP Hà Nội thông báo để Công ty Agribank AMC được biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. CỤC TRƯỞNG |