Open navigation

Công văn 2726/GSQL-GQ4 Xử lý C/O mẫu D gặp vướng mắc trong quá trình kiểm tra sau thông quan

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC GSQL VỀ HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2726/GSQL-GQ4
V/v xử lý C/O gặp vướng mắc

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2017

 

Kính gửi: Công ty TNHH T.M.A
(Địa chỉ: 05 Đường số 1, Khu nhà ở Chánh Hưng, P. 5, Quận 8, TP Hồ Chí Minh)


Trả lời công văn không số đề ngày 10/10/2017 của Công ty nêu vướng mắc liên quan đến việc xử lý một số C/O mẫu D trong quá trình kiểm tra sau thông quan, Cục Giám sát quản lý về Hải quan có ý kiến như sau:

1. Tính hợp lệ của C/O:

Hàng hóa trên 06 C/O mẫu D là mặt hàng “dầu dừa” có tiêu chí xuất xứ là CTSH. Tuy nhiên, căn cứ danh mục cụ thể mặt hàng thuộc Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 21/2010/TT-BCT ngày 17/5/2010 của Bộ Công Thương thì mặt hàng “dầu dừa” có mã HS 1513.19 phải thỏa mãn tiêu chí xuất xứ là Giá trị hàm lượng khu vực RVC (40) hoặc chuyển đổi Chương (CC). Theo đó, hàng hóa trên C/O chỉ đáp ứng tiêu chí xuất xứ CTSH (chuyển đổi phân nhóm) là không đáp ứng quy định và C/O không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi.

2. Quy định về việc xác minh C/O và từ chối C/O không hợp lệ:

- Điều 26 Thông tư số 38/2015/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 thì trường hợp cơ quan hải quan đủ cơ sở để xác định chứng từ chứng nhận xuất xứ không phù hợp thì đình chỉ việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt và tính thuế theo mức thuế suất MFN hoặc thuế suất thông thường.

Cơ quan hải quan chỉ tiến hành xác minh khi có nghi vấn về tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ nhưng chưa đủ cơ sở để từ chối C/O.

Tuy nhiên, do hàng hóa trên C/O không đáp ứng quy tắc xuất xứ quy định tại Thông tư số 21/2010/TT-BCT dẫn trên nên cơ quan hải quan có đủ cơ sở để từ chối C/O.

- Điều 13 Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư số 21/2010/TT-BCT ngày 17/5/2010 của Bộ Công Thương thì “Trong trường hợp C/O bị cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu từ chối, C/O đó sẽ được đánh dấu vào ô số 4 và gửi lại cho Tổ chức cấp C/O trong một khoảng thời gian hợp lý nhưng không quá sáu mươi (60) ngày. Cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu cũng cần phải thông báo cho Tổ chức cấp C/O lý do đã từ chối không cho hưởng ưu đãi”.

Vì vậy, trường hợp C/O không được chấp nhận cho hưởng ưu đãi thì cơ quan hải quan sẽ thực hiện thủ tục từ chối C/O theo quy định dẫn trên. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan sẽ có thông báo tới cơ quan có thẩm quyền cấp C/O của Malaysia về việc từ chối các C/O đề cập trên.

4. Trách nhiệm của người khai hải quan và thời hạn kiểm tra sau thông quan:

- Khoản 2c Điều 18 Luật Hải quan quy định Người khai hải quan là chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải có nghĩa vụ:

“c. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan”.

- Điều 77 Luật Hải quan về hoạt động Kiểm tra sau thông quan quy định: “Thời hạn kiểm tra sau thông quan là 05 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan”.

Theo đó, việc cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra sau thông quan doanh nghiệp sau 03 (ba) năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan là phù hợp với quy định dẫn trên.

Trường hợp còn phát sinh vướng mắc, Cục Giám sát quản lý về Hải quan đề nghị Công ty liên hệ trực tiếp với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu cho hàng hóa để được hướng dẫn, xử lý.

Cục Giám sát quản lý về Hải quan thông báo để Công ty được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục Hải quan TP Hải Phòng (để t/h);
- Lưu: VT, GQ4 (3b).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Nhất Kha

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.