BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8504/TCHQ-PC V/v áp dụng biện pháp cưỡng chế | Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2017 |
Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh Lào Cai
Trả lời công văn số 1827/HQLC-NV ngày 8/11/2017 của Cục Hải quan tỉnh Lào Cai về vướng mắc xử lý nợ thuế khi thực hiện biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản
- Điều 38 Thông tư số 155/2016/TT-BTC ngày 20/10/2016 quy định:
+ Tại Điểm g khoản 1: “Trường hợp sau 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày gửi văn bản xác minh về tài sản cho đối tượng bị cưỡng chế; cơ quan đăng ký quyền sở hữu tài sản; cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các tổ chức, cá nhân liên quan không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ các thông tin về tài sản hoặc trường hợp xác định số tiền cưỡng chế không đủ bù đắp chi phí cưỡng chế thì chuyển sang biện pháp cưỡng chế tiếp theo.”
+ Tại điểm a khoản 4: “Chỉ kê biên quyền sử dụng đất, nhà ở, trụ sở của đối tượng bị cưỡng chế nếu sau khi kê biên hết các tài sản khác mà vẫn không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế”
- Khoản 8, khoản 20 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất (sau đây gọi là Nhà nước cho thuê đất) là việc Nhà nước quyết định trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất thông qua hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất”; “Giá trị quyền sử dụng đất là giá trị bằng tiền của quyền sử dụng đất đối với một diện tích đất xác định trong thời hạn sử dụng đất xác định”.
- Điều 115 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.
- Điều 33 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định về xác minh điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế:
“1. Kiểm tra cơ sở dữ liệu thông tin hiện có về tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế.
2. Xác minh những thông tin về tài khoản, tài sản, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế của đối tượng bị cưỡng chế trước thời điểm ra quyết định cưỡng chế.
3. Việc xác minh đối với tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng cần căn cứ vào hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc cho tặng thông qua chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hoặc người làm chứng như xác nhận của người bán, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về việc mua bán, đồng thời có thể thông báo rộng rãi để người có quyền, nghĩa vụ liên quan bảo vệ lợi ích của họ.
4. Đối với đối tượng bị cưỡng chế là các cơ quan hoặc tổ chức, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế cần xác minh điều kiện về tiền, tài sản của các cơ quan, tổ chức này bằng việc kiểm tra tài sản, hệ thống sổ sách và xác minh tại các cơ quan quản lý vốn, tài sản; cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký tài sản; ngân hàng; tổ chức tín dụng hoặc cá nhân, tổ chức liên quan khác”.
Theo quy định dẫn trên, đề nghị Cục Hải quan tỉnh Lào Cai nghiên cứu, thực hiện như sau:
a) Việc xác minh điều kiện thi hành quyết định hành chính thuế tại Điều 33 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP (bao gồm cả xác minh về tài sản) được thực hiện trước thời điểm ra quyết định cưỡng chế, từ nhiều nguồn thông tin (cơ sở dữ liệu thông tin về người nộp thuế, các cơ quan quản lý vốn, tài sản, cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký tài sản, ngân hàng...). Theo đó, ngoài việc xác minh thông tin tài sản của doanh nghiệp tại Sở Tài nguyên và môi trường và cơ quan công an thì đơn vị có thể xác minh tại các cơ quan khác có liên quan.
b) Trường hợp doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước được trao quyền sử dụng đất thì quyền sử dụng đất là tài sản của doanh nghiệp có giá trị bằng tiền và thuộc mục được kê biên để thi hành quyết định cưỡng chế hành chính, nhưng “Chỉ kê biên quyền sử dụng đất, nhà ở, trụ sở của đối tượng bị cưỡng chế nếu sau khi kê biên hết các tài sản khác mà vẫn không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế”.
c) Việc thực hiện biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản được quy cụ thể tại Mục 5 chương II Nghị định số 127/2013/NĐ-CP và Điều 38 Thông tư số 155/2016/TT-BTC ngày 20/10/2016. Trường hợp sau khi đã xác minh, thu thập thông tin mà xác định không đủ điều kiện thực hiện biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản thì chuyển áp dụng biện pháp cưỡng chế tiếp theo.
2. Việc cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ
Mục 6 chương II Nghị định 127/2013/NĐ-CP Điều 39 Thông tư 155/2016/TT-BTC ngày 20/10/2016 quy định việc cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ. Như vậy, đối với đối tượng bị cưỡng chế đã bỏ trốn, mất tích, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ cũng thực hiện theo quy định trên.
Tổng cục Hải quan trả lời để Cục Hải quan tỉnh Lào Cai biết và thực hiện
Nơi nhận: - Như trên; - Đ/c PTC Nguyễn Dương Thái (để b/c); - Cục Thuế XNK (để p/h); - Lưu: VT, PC (2). | TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |