BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2301/TCT-CS V/v Chứng từ thanh toán qua ngân hàng. | Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 2018 |
Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng.
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1195/CT-KK ngày 23/11/2017 và tài liệu bổ sung kèm theo ngày 09/01/2018 của Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng về việc hoàn thuế GTGT đối với hàng xuất khẩu của Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Căn cứ quy định tại Khoản 6 Điều 1 Luật thuế GTGT số 31/2013/QH13 ngày 19/6/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT như sau:
“2. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào được quy định như sau:
a) Có hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu;
b) Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng;
c) Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này còn phải có: hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.
Việc thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu dưới hình thức thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu, trả nợ thay Nhà nước được coi là thanh toán không dùng tiền mặt”;
Căn cứ hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT như sau:
“Điều 16. Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
1. Hợp đồng bán hàng hóa, gia công hàng hóa...
2. Tờ khai hải quan...
3. Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu phải thanh toán qua ngân hàng
a) Thanh toán qua ngân hàng là việc chuyển tiền từ tài khoản của bên nhập khẩu sang tài khoản mang tên bên xuất khẩu mở tại ngân hàng theo các hình thức thanh toán phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của ngân hàng.
Chứng từ thanh toán tiền là giấy báo Có của ngân hàng bên xuất khẩu về số tiền đã nhận được từ tài khoản của ngân hàng bên nhập khẩu. Trường hợp thanh toán chậm trả, phải có thỏa thuận ghi trong hợp đồng xuất khẩu, đến thời hạn thanh toán cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Trường hợp ủy thác xuất khẩu thì phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng của phía nước ngoài cho bên nhận ủy thác và bên nhận ủy thác phải thanh toán tiền hàng xuất khẩu qua ngân hàng cho bên ủy thác. Trường hợp bên nước ngoài thanh toán trực tiếp cho bên ủy thác xuất khẩu thì bên ủy thác phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và việc thanh toán như trên phải được quy định trong hợp đồng.
b) Các trường hợp thanh toán dưới đây cũng được coi là thanh toán qua ngân hàng:
…
b.5) Trường hợp phía nước ngoài (bên nhập khẩu) ủy quyền cho bên thứ ba là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thực hiện thanh toán; bên thứ ba yêu cầu tổ chức ở Việt Nam (bên thứ tư) thanh toán bù trừ công nợ với bên thứ ba bằng việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng số tiền bên nhập khẩu phải thanh toán cho cơ sở kinh doanh Việt Nam xuất khẩu thì cơ sở kinh doanh xuất khẩu phải có đủ các điều kiện, hồ sơ như sau:
- Hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng - nếu có) quy định việc ủy quyền thanh toán, bù trừ công nợ giữa các bên.
- Chứng từ thanh toán là giấy báo có của ngân hàng về số tiền cơ sở kinh doanh Việt Nam xuất khẩu nhận được từ tài khoản của bên thứ tư.
- Bản đối chiếu công nợ có xác nhận của các bên liên quan (giữa cơ sở kinh doanh xuất khẩu với bên nhập khẩu, giữa bên thứ ba ở nước ngoài với bên thứ tư là tổ chức ở Việt Nam).
…”
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên thì chỉ có “trường hợp phía nước ngoài (bên nhập khẩu) ủy quyền cho bên thứ ba là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thực hiện thanh toán; bên thứ ba yêu cầu tổ chức ở Việt Nam (bên thứ tư) thanh toán bù trừ công nợ với bên thứ ba bằng việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng số tiền bên nhập khẩu phải thanh toán cho cơ sở kinh doanh Việt Nam xuất khẩu” mới được coi là thanh toán qua ngân hàng và được chấp thuận khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo phản ánh của Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng tại công văn số 1195/CT-KK ngày 23/11/2017 nêu trên, trường hợp Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta xuất khẩu 1 lô hàng trị giá 26.611,2 USD cho Gooman Premier Partners Co.LTD (trụ sở tại Hàn Quốc), lô hàng đã thực xuất và được thông quan ngày 27/6/2017, việc thanh toán được bên nhập khẩu là Gooman Premier Partners Co.LTD ủy quyền cho bên thứ ba là Ngân hàng TNHH một thành viên Shinhan tại Việt Nam thanh toán cho bên xuất khẩu là Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta theo thỏa thuận tại Phụ lục hợp đồng giữa hai bên thì hình thức thanh toán này là chưa phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên.
Tổng cục Thuế có ý kiến để Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng được biết và hướng dẫn đơn vị thực hiện theo quy định./.
Nơi nhận: - Như trên; - Vụ PC - BTC; - Phó TCT: Cao Anh Tuấn (để báo cáo); - Vụ PC, KK - TCT; - Website TCT; - Lưu: VT, CS (4b). | TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |