BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6805/TCHQ-GSQL V/v cung ứng xăng dầu gửi KNQ cho tàu biển chạy tuyến quốc tế XC | Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2018 |
Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trả lời công văn số 2218/HQBRVT-TXNK ngày 09/8/2018 của Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về đề nghị của Công ty TNHH Hải Linh được cung ứng xăng dầu gửi kho ngoại quan cho tàu biển chạy tuyến quốc tế xuất cảnh; căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015, số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ, Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015, số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018, số 106/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016, số 69/2016/TT-BTC ngày 06/5/2016 của Bộ Tài chính thì thủ tục hải quan được thực hiện như sau:
I. Trường hợp tàu biển neo đậu tại địa bàn quản lý của Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan.
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp kho):
Nộp bộ hồ sơ hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 51b Thông tư số 39/2018/TT-BTC , khoản 1 Điều 9 Thông tư số 106/2016/TT-BTC , khoản 2 Điều 31 Thông tư số 69/2016/TT-BTC ; cụ thể gồm các chứng từ sau:
a) Tờ khai vận chuyển độc lập đối với lượng xăng dầu xuất kho ngoại quan để cung ứng cho tàu biển chạy tuyến quốc tế xuất cảnh theo quy định tại khoản 2 Điều 51b Thông tư số 39/2018/TT-BTC ;
b) 01 bản chụp Phiếu xuất kho do doanh nghiệp lập theo quy định về pháp luật kế toán, trong đó ghi cụ thể xăng dầu xuất kho của từng tờ khai nhập kho;
c) 01 bản chụp Giấy đăng ký giám định khối lượng xăng dầu bơm từ kho lên phương tiện vận tải (bunker) có xác nhận của thương nhân giám định hoặc tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định;
d) 01 bản chụp (nộp lần đầu) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Hợp đồng đại lý với công ty cung ứng tàu biển;
đ) 01 bản chính/bản fax/e-mail/telex đơn đặt hàng (order) của thuyền trưởng/chủ tàu/đại lý chủ tàu/người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có xác nhận của giám đốc/người được giám đốc ủy quyền có ký tên, đóng dấu và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của chứng từ. Trong đơn đặt hàng phải thể hiện rõ nội dung:
đ.1) Cảng đến tiếp theo là cảng nước ngoài;
đ.2) Lượng xăng dầu chạy tuyến quốc tế xuất cảnh;
đ.3) Thời gian dự kiến xuất cảnh phải phù hợp với thời gian hiệu lực của Tờ khai vận chuyển độc lập và thời gian lưu giữ xăng dầu trong kho ngoại quan;
đ.4) Tên, loại, số hô hiệu (nếu có) của tàu biển mua xăng dầu gửi kho ngoại quan.
e) Thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 52a Thông tư số 39/2018/TT-BTC .
2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan:
a) Phê duyệt Tờ khai vận chuyển độc lập trên Hệ thống theo quy định tại điểm d.2 khoản 1 Điều 51 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ;
b) Kiểm tra tình trạng khoang chứa xăng dầu của phương tiện vận tải, nếu không có nghi vấn thì thực hiện giám sát việc bơm xăng dầu từ kho xuống phương tiện vận tải; căn cứ kết quả giám định khối lượng lập Biên bản xác nhận giám sát theo Mẫu 01/BBGS/XDCUTB ban hành kèm theo Thông tư số 69/2016/TT-BTC , Biên bản chứng nhận theo mẫu số 35/BBCN/GSQL Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC và ghi nhận thông tin chi tiết vào Hệ thống gồm: tên hàng, số lượng, chủng loại, ký mã hiệu, xuất xứ (nếu có);
c) Cập nhật thông tin hàng hóa vận chuyển đi vào Hệ thống. Thực hiện giám sát và cập nhật thông tin hàng hóa vận chuyển đến đích vào Hệ thống ngay sau khi phương tiện vận tải đến vị trí tàu biển neo đậu;
d) Giám sát việc bơm xăng dầu từ phương tiện vận tải sang tàu biển và lập Biên bản xác nhận giám sát theo Mẫu 02/BBGS/XDCUTB ban hành kèm theo Thông tư số 69/2016/TT-BTC ;
đ) Căn cứ khối lượng xăng dầu trên Biên bản giao nhận xăng dầu giữa phương tiện vận tải và tàu biển, Thông báo tàu rời cảng trên Hệ thống hải quan điện tử E-Manifest để thực hiện xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát” trên Hệ thống theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 32 Thông tư số 69/2016/TT-BTC ;
e) Trường hợp vì lý do khách quan tàu biển không tiếp nhận được lượng xăng dầu theo đơn đặt hàng hoặc tiếp nhận ít hơn so với lượng xăng dầu đã khai báo trên Tờ khai vận chuyển độc lập:
e.1) Căn cứ khối lượng xăng dầu trên Biên bản giao nhận xăng dầu, Biên bản xác nhận giám sát theo quy định tại điểm b khoản 2 mục I công văn này, lập Biên bản chứng nhận về khối lượng xăng dầu thực tế đã cung ứng cho tàu biển, khối lượng xăng dầu còn lại trên phương tiện vận tải (có xác nhận và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của thuyền trưởng hoặc chủ tàu hoặc đại lý chủ tàu hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền);
e.2) Giám sát việc di chuyển và bơm xăng dầu từ phương tiện vận tải vào kho;
e.3) Căn cứ khối lượng xăng dầu trên Biên bản chứng nhận, yêu cầu doanh nghiệp kho điều chỉnh khối lượng xăng dầu thực xuất kho trên Tờ khai hải quan, Phiếu xuất kho.
II. Trường hợp tàu biển neo đậu ngoài địa bàn quản lý của Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan.
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan:
Thực hiện khoản 1 mục I công văn này.
2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan:
a) Thực hiện điểm a khoản 1 mục I công văn này;
b) Kiểm tra tình trạng khoang chứa xăng dầu của phương tiện vận tải, nếu không có nghi vấn và đáp ứng điều kiện niêm phong hải quan thì thực hiện giám sát việc bơm xăng dầu từ kho xuống phương tiện vận tải; căn cứ kết quả giám định khối lượng lập Biên bản xác nhận giám sát theo Mẫu 01/BBGS/XDCUTB ban hành kèm theo Thông tư số 69/2016/TT-BTC ; niêm phong các khoang chứa của phương tiện vận tải theo quy định và cập nhật số niêm phong vào Hệ thống;
c) Cập nhật thông tin hàng hóa vận chuyển đi vào Hệ thống và theo dõi thông tin lô hàng vận chuyển chịu sự giám sát hải quan.
Trong trường hợp quá thời hạn vận chuyển nhưng chưa nhận được phản hồi của Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đến, Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến, Đội Kiểm soát hải quan thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu tổ chức xác minh và xử lý.
3) Trách nhiệm của Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến:
a) Tiếp nhận hàng hóa kèm thông tin số Tờ khai vận chuyển độc lập đã được phê duyệt và kiểm tra các thông tin về Tờ khai vận chuyển độc lập trên Hệ thống;
b) Kiểm tra tình trạng niêm phong của phương tiện vận tải. Trường hợp niêm phong không còn nguyên vẹn hoặc có dấu hiệu vi phạm về sự thay đổi trọng lượng, chủng loại thì yêu cầu thực hiện giám định khối lượng xăng dầu chứa trong phương tiện vận tải. Nêu kết quả giám định phù hợp với bộ hồ sơ thì lập Phiếu ghi kết quả kiểm tra theo Mẫu 06/PKQKT/GSQL Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Nếu kết quả giám định xác định có thay đổi về trọng lượng, chủng loại thì lập Biên bản vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
c) Cập nhật thông tin hàng hóa vận chuyển đến đích vào Hệ thống ngay sau khi phương tiện vận tải đến vị trí tàu biển neo đậu;
d) Giám sát việc bơm xăng dầu từ phương tiện vận tải sang tàu biển và lập Biên bản xác nhận giám sát theo Mẫu 02/BBGS/XDCUTB ban hành kèm theo Thông tư số 69/2016/TT-BTC ;
đ) Căn cứ khối lượng xăng dầu trên Biên bản giao nhận xăng dầu giữa phương tiện vận tải và tàu biển, Thông báo tàu rời cảng trên Hệ thống hải quan điện tử E-Manifest để thực hiện xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát” trên Hệ thống theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 32 Thông tư số 69/2016/TT-BTC ;
4. Trường hợp vì lý do khách quan tàu biển không tiếp nhận được khối lượng xăng dầu theo đơn đặt hàng hoặc tiếp nhận ít hơn so với lượng xăng dầu đã khai báo trên Tờ khai vận chuyển độc lập.
a) Trách nhiệm của Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến:
a.1) Căn cứ khối lượng xăng dầu trên Biên bản giao nhận xăng dầu, Biên bản xác nhận giám sát theo quy định tại điểm b khoản 2 mục II công văn này, lập Biên bản chứng nhận về khối lượng xăng dầu thực tế đã cung ứng cho tàu biển, khối lượng xăng dầu còn lại trên phương tiện vận tải (có xác nhận và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của thuyền trưởng hoặc chủ tàu hoặc đại lý chủ tàu hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền);
a.2) Thực hiện niêm phong hải quan phương tiện vận tải và lập Biên bản bàn giao khối lượng xăng dầu cung ứng không hết theo quy định đối với hàng chuyển cửa khẩu.
b) Trách nhiệm của Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan:
b.1) Thực hiện điểm b khoản 3 mục II công văn này;
b.2) Giám sát việc bơm xăng dầu từ phương tiện vận tải vào kho;
đ.2.3) Thực hiện điểm e.3 khoản 2 mục I công văn này.
III. Về tỷ lệ hao hụt đối với lượng xăng dầu gửi kho ngoại quan cung ứng cho tàu biển chạy tuyến quốc tế xuất cảnh.
Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BCT ngày 08/12/2015 của Bộ Công Thương quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Tổng cục Hải quan trả lời để Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Như trên; - Lưu: VT, GSQL (03b). | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |