BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 123/TCLN-KL | Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2019 |
Kính gửi: Tổng cục Hải Quan
Tổng cục Lâm nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao xử lý văn bản số 351/TCHQ-GSQL ngày 15/01/2019 của Tổng cục Hải quan về việc hồ sơ lâm sản nhập khẩu, Tổng cục Lâm nghiệp có ý kiến như sau:
1. Đối với hồ sơ lâm sản nhập khẩu
Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản (sau đây viết tắt là Thông tư 27), theo đó, tại khoản 4 Điều 17 về hồ sơ nguồn gốc lâm sản nhập khẩu quy định: “Các tài liệu về nguồn gốc lâm sản theo quy định của nước xuất khẩu”. Đây là quy định về các tài liệu nguồn gốc lâm sản, không phải là quy định về hồ sơ hải quan khi nhập khẩu lâm sản.
Do quy định pháp luật của mỗi nước về quản lý lâm sản khác nhau, vì vậy, Thông tư 27 không quy định cụ thể về tài liệu nguồn gốc lâm sản. Tài liệu này do thương nhân nhập khẩu lâm sản yêu cầu thương nhân của nước xuất khẩu cung cấp và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của hồ sơ nguồn gốc lâm sản nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là tài liệu để cơ quan chức năng kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản đối với lâm sản nhập khẩu khi cần thiết.
2. Đối với bảng kê lâm sản
Điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 27 quy định bảng kê lâm sản "Do chủ lâm sản lập sau khai thác; khi mua bán, vận chuyển, xuất lâm sản trong cùng một lần và trên một phương tiện vận chuyển; khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu lâm sản theo quy định hoặc do người có thẩm quyền lập khi lập hồ sơ xử lý vi phạm;".
Trường hợp doanh nghiệp đăng ký một lô hàng trên cùng một tờ khai xuất khẩu nhưng do khối lượng lớn, vận chuyển thành nhiều lần và trên nhiều phương tiện thì mỗi lần vận chuyển, chủ lâm sản phải lập bảng kê lâm sản riêng cho từng phương tiện vận chuyển.
Tổng cục Lâm nghiệp phúc đáp để Tổng cục Hải Quan biết, phối hợp thực hiện./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |