TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 71/CT-HTr | Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2016 |
Kính gửi: Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam
(Đ/c: 22 Hàng Vôi, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội)
MST:
0106238852
Trả lời công văn số 1402/CV-VAMC ngày 17/12/2015 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty) hỏi về chính sách thuế, Cục thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
Căn cứ Điều 12 Chương II Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, quy định về hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam:
“1. Công ty Quản lý tài sản được thực hiện các hoạt động sau đây:
a) Mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng;
b) Thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm;
c) Cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ; chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay;
d) Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm đã được Công ty Quản lý tài sản thu nợ;...
2. Công ty Quản lý tài sản được ủy quyền cho tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện các hoạt động được quy định tại các Điểm b, c, d và đ Khoản 1 Điều này.”
Căn cứ Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội:
+ Tại Điều 142, Điều 143, Điều 144 quy định về đại diện theo ủy quyền, người đại diện theo ủy quyền, phạm vi đại diện:
“Điều 142. Đại diện theo ủy quyền
1. Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện.
2. Hình thức ủy quyền do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc ủy quyền phải được lập thành văn bản.
Điều 143. Người đại diện theo ủy quyền
1. Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
Điều 144. Phạm vi đại diện
1. Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Phạm vi đại diện theo ủy quyền được xác lập theo sự ủy quyền.
3. Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.
4. Người đại diện phải thông báo cho người thứ ba trong giao dịch dân sự biết về phạm vi đại diện của mình.
5. Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
+ Tại Điều 581 quy định về Hợp đồng ủy quyền:
“Điều 581. Hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Căn cứ Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội:
+ Tại Khoản 1 Điều 5 Chương I quy định:
“1. Đại diện của người nộp thuế là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thay mặt người nộp thuế thực hiện một số thủ tục về thuế.”
+ Tại Khoản 5 Điều 6 Chương I quy định về quyền của người nộp thuế:
“5. Ký hợp đồng với tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế.”
+ Tại Khoản 9 Điều 7 Chương I quy định về nghĩa vụ của người nộp thuế:
“9. Chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật trong trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thay mặt người nộp thuế thực hiện thủ tục về thuế sai quy định.”
Căn cứ Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quy định:
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như sau:
...3. Sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 8 Điều 4 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 8 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như sau:
“a) Dịch vụ cấp tín dụng gồm các hình thức:
...- Bán tài sản bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng hoặc do cơ quan thi hành án hoặc bên đi vay vốn tự bán tài sản bảo đảm theo ủy quyền của bên cho vay để trả nợ khoản vay có bảo đảm, cụ thể:
+ Tài sản bảo đảm tiền vay được bán là tài sản thuộc giao dịch bảo đảm đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
+ Việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm...”
Căn cứ Điều 17 Chương III Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quy định về ủy nhiệm lập hóa đơn:
“Điều 17. Ủy nhiệm lập hóa đơn
1. Người bán hàng được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập hóa đơn cho hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ. Hóa đơn được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập vẫn phải ghi tên đơn vị bán là đơn vị ủy nhiệm và đóng dấu đơn vị ủy nhiệm phía trên bên trái của tờ hóa đơn (trường hợp hóa đơn tự in được in từ thiết bị của bên được ủy nhiệm hoặc hóa đơn điện tử thì không phải đóng dấu của đơn vị ủy nhiệm). Việc ủy nhiệm phải được xác định bằng văn bản giữa bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm...”
Căn cứ Khoản 9 Điều 11 Chương II Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ, quy định về khai thuế giá trị gia tăng:
“9. Trường hợp cơ sở kinh doanh ủy nhiệm cho bên thứ ba lập hóa đơn cho hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ thì bên được ủy nhiệm lập hóa đơn không phải khai thuế giá trị gia tăng đối với doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ được ủy nhiệm lập hóa đơn. Cơ sở kinh doanh ủy nhiệm lập hóa đơn có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ đã ủy nhiệm cho bên thứ ba lập hóa đơn.”
Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam mua nợ xấu của tổ chức tín dụng, sau đó ủy quyền cho tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật thì Công ty xuất hóa đơn hoặc ủy nhiệm cho tổ chức tín dụng lập hóa đơn đối với doanh thu nhận được từ việc xử lý tài sản bảo đảm. Việc ủy nhiệm lập hóa đơn được thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.
Công ty chịu trách nhiệm kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với doanh thu của các hóa đơn do Công ty xuất hoặc ủy nhiệm cho tổ chức tín dụng lập và không được ủy quyền việc kê khai thuế này cho tổ chức tín dụng.
Cục thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam được biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. CỤC TRƯỞNG |