BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 284/XNK-XXHH | Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2019 |
Kính gửi: Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính
Trả lời công văn số 600/TCHQ-GSQL ngày 25 tháng 01 năm 2019 và công văn số 826/TCHQ-GSQL ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính về vướng mắc liên quan đến Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
1. Trừ lùi C/O:
Quy định về xuất xứ hàng hóa trong các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết và tham gia đều có điều khoản quy định về hiệu lực của C/O (mẫu D, E, AK ...). Đối với C/O mẫu D, hiệu lực của C/O được quy định tại khoản a Điều 14 Phụ lục 8 Chương 3 Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và được nội luật hóa tại khoản 1 Điều 14 Thông tư số 22/2016/TT-BCT ngày 03 tháng 10 năm 2016 của Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Cụ thể:
“C/O có hiệu lực trong vòng 12 tháng kể từ ngày cấp, và phải được nộp cho cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu trong thời hạn đó."
Theo đó, người nhập khẩu nộp C/O cho cơ quan hải quan tại thời điểm C/O còn giá trị hiệu lực là phù hợp với quy định dẫn trên. Việc trừ lùi C/O và cho phép lượng hàng hóa nhập khẩu được hưởng thuế suất ưu đãi sau thời hạn hiệu lực của C/O do Bộ Tài chính quy định.
Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Tổng cục Hải quan căn cứ các quy định hiện hành, xem xét áp dụng mức thuế suất nhập khẩu phù hợp đối với các lô hàng người nhập khẩu đã nộp C/O trong thời hạn hiệu lực của C/O.
2. Cấp C/O cho hàng đã qua sử dụng hoặc hàng hóa phi mậu dịch:
Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa quy định:
“Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức thuộc nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa trên quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó.”
Theo đó, C/O được cấp dựa trên quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ cho hàng hóa nói chung, không phân biệt hàng hóa mới hay đã qua sử dụng, hàng hóa là giao dịch thương mại hay phi mậu dịch.
Đối với việc nộp C/O cho các lô hàng đã qua sử dụng và được nhập khẩu vào Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Tổng cục Hải quan xin ý kiến Bộ Tài chính, là cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư số 38/2018/TT-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2018 quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để được hướng dẫn.
Đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu phi mậu dịch, các cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp C/O cho hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP nêu trên.
3. Cấp C/O mẫu D điện tử và bản giấy cho cùng một lô hàng
Khoản 1 Điều 26 Phụ lục 8 Chương 3 Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN và được nội luật hóa tại khoản 1 Điều 25 Thông tư số 22/2016/TT-BCT ngày 03 tháng 10 năm 2016 của Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) quy định:
“C/O điện tử có thể được nộp, được cấp và được chấp nhận thay thế C/O giấy, với hiệu lực pháp lý tương đương.”
Tại phiên họp SC-AROO lần thứ 25, các nước thống nhất sử dụng C/O bản giấy thay thế bản điện tử trong trường hợp Hệ thống một cửa ASEAN (ASW) hoặc Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW) gặp sự cố.
Các quy định và cam kết nêu trên không hạn chế việc cơ quan, tổ chức cấp C/O cấp C/O mẫu D bản giấy và bản điện tử cho cùng một lô hàng. Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Tổng cục Hải quan áp dụng:
- C/O mẫu D điện tử để xử lý thông quan hàng hóa.
- C/O mẫu D bản giấy trong trường hợp ASW hoặc NSW phát sinh sự cố.
Trường hợp có vướng mắc trong quá trình thực hiện, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Tổng cục Hải quan đề xuất phương án giải quyết và phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu trao đổi với đầu mối xuất xứ hàng hóa ASEAN tại các Phiên họp SC-AROO.
Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương trao đổi để Tổng cục Hải quan phối hợp thực hiện./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |