BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1549/TCT-CS | Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2019 |
Kính gửi: Cục thuế Thành phố Hà Nội
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 2505/CT-TTr3 ngày 17/01/2019 của Cục Thuế thành phố Hà Nội vướng mắc về chi phí lãi vay góp vốn điều lệ của Công ty CP phát triển điện lực Việt Nam. Đồng thời ngày 25/2/2019, Tổng cục Thuế nhận được công văn số 142/VNPD-TCKT ngày 20/2/2019 của Công ty CP phát triển điện lực Việt Nam báo cáo và giải trình nội dung trong kết luận thanh tra thuế số 2506/KL-CT-TTr3 ngày 17/1/2019. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
- Căn cứ Khoản 1 Khoản 4 Điều 84 Luật DN số 60/2005/QH11 quy định:
“1. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
4. Trường hợp các cổ đông sáng lập không đăng ký mua hết số cổ phần được quyền chào bán thì số cổ phần lại phải được chào bán và bán hết trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”
- Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 hướng dẫn một số Điều của Luật Doanh nghiệp quy định: “3. Sau ba năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu số cổ phần được quyền chào bán quy định tại Khoản 4 Điều 84 của Luật DN không được bán hết thì Công ty phải đăng ký điều chỉnh giảm số vốn được quyền phát hành ngang bằng với số cổ phần đã phát hành”.
- Khoản 9 Điều 23 Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 quy định: “Sau 03 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, nếu số cổ phần được quyền phát hành quy định tại khoản 4 Điều 84 Luật Doanh nghiệp không được bán hết, công ty phải đăng ký điều chỉnh giảm số vốn được quyền phát hành ngang bằng với số cổ phần đã phát hành. Công ty cổ phần không được tăng số cổ phần được quyền phát khi số cổ phần hiện có chưa được bán hết”
- Căn cứ tiết 2.18 Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính về thuế TNDN quy định các khoản chi không được trừ:
“2.18. Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh. Chi trả lãi tiền vay đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư”.
Căn cứ các quy định nêu trên, Tổng cục Thuế thống nhất với quan điểm xử lý của Cục thuế TP.Hà Nội: Trường hợp nếu sau 3 năm kể từ thời điểm cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng đơn vị chưa góp đủ vốn và không thực hiện đăng ký điều chỉnh giảm vốn với Sở Kế hoạch Đầu tư là không theo quy định do vậy khoản chi phí lãi tiền vay tương ứng phần vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Trường hợp các đơn vị còn không thống nhất về thời điểm xác định việc điều chỉnh tăng giảm vốn thì tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành để thực hiện theo đúng quy định.
Đề nghị Cục Thuế căn cứ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và điều kiện thực tế của doanh nghiệp để xử lý thanh tra theo quy định./.
Nơi nhận: | TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |