BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 731/TCHQ-TXNK | Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2020 |
Kính gửi: Bộ Y tế.
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 374/BYT-TB-CT ngày 30/01/2020 của Bộ Y tế trả lời công văn số 7434/TCHQ-TXNK ngày 28/11/2019 của Tổng cục Hải quan về thuế giá trị gia tăng của mặt hàng máy trợ thính. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
Tại công văn số 374/BYT-TB-CT nêu trên, Bộ Y tế đã có ý kiến:
“1. Căn cứ khoản 1 Điều 1 Nghị định số 169/2018/NĐ-CP ngày 31/12/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, máy trợ thính (thiết bị khuếch đại âm thanh cho người bị mất thính lực và không nghe được âm thanh đối thoại hay tiếng động thông thường) được coi là trang thiết bị y tế.
2. Căn cứ quy định tại khoản 24 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12, khoản 24 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính và điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12, máy trợ thính cũng có thể coi là dụng cụ chuyên dùng cho người tàn tật.”
Do ý kiến của Bộ Y tế tại công văn số 374/BYT-TB-CT nêu trên chưa khẳng định máy trợ thính là dụng cụ chuyên dùng cho người tàn tật nên Tổng cục Hải quan nhận thấy vẫn chưa đủ cơ sở để áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng. Để khẳng định tính chuyên dùng của máy trợ thính dành cho người bị tật nghe, đề nghị Bộ Y tế xác định rõ máy trợ thính này ngoài việc sử dụng cho người bị khuyết tật nghe thì còn sử dụng được vào mục đích khác không?
Tổng cục Hải quan xin được nhận lại ý kiến tham gia trước ngày 17/02/2020.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp công tác của quý Bộ!
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |