BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6306/TCHQ-TXNK | Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2020 |
Kính gửi: Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương.
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 679/PVTM-P1 ngày 28/8/2020 của Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương đề nghị cho ý kiến về mã HS đối với các sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan để phục vụ điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC). Về việc này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
Căn cứ Danh mục hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm Thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017;
Căn cứ chú giải pháp lý Chương 17 và tham khảo Chú giải chi tiết nhóm HS 17.01;
- Đối với mặt hàng đường thô được sản xuất từ mía thì phù hợp phân loại thuộc mã số 1701.13.00 và 1701.14.00 tùy thuộc đặc trưng khác nhau của hàng hóa. Theo quy trình sản xuất đính kèm công văn thì mặt hàng có trải qua bước ly tâm. Đối chiếu chú giải pháp lý Chương 17 thì mặt hàng không phù hợp phân loại vào mã số 1701.13.00 mà thuộc mã số 1701.14.00.
Tuy nhiên, nếu không áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mã số 1701.13.00 mà chỉ áp dụng đối với mã số 1701.14.00 theo đúng quy trình sản xuất cho mặt hàng đường thô thì có thể dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp khai báo gian lận vào mã số 1701.13.00 để trốn thuế. Vì tại thời điểm nhập khẩu, cơ quan hải quan không thể phân biệt được mặt hàng đường nhập khẩu có trải qua bước ly tâm hay không. Do vậy, đề nghị Cục Phòng vệ thương mại nghiên cứu, xem xét mô tả quy trình sản xuất của mặt hàng đường thô để đảm bảo hiệu quả của việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
- Đối với mặt hàng đường tinh luyện và đường trắng được sản xuất từ mía thì phù hợp thuộc các mã HS 1701.99.10 và 1701.99.90.
Trân trọng./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |