Open navigation

Công văn 12312/BTC-CST ngày 27/10/2021 Rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

BỘ TÀI CHÍNH
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12312/BTC-CST

V/v rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2021

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát giảm phí, lệ phí.

1. Giảm phí, lệ phí năm 2020 và năm 2021

a) Năm 2020, trên cơ sở đề xuất của các Bộ, Bộ Tài chính đã ban hành 21 Thông tư điều chỉnh giảm mức thu 29 khoản phí, lệ phí, với nhiều mức giảm cao như: (i) giảm 20% mức phí thẩm định cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; (ii) giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng;... Tổng số phí, lệ phí ước giảm thu khoảng: 1.000 tỷ đồng.

Các Thông tư được ban hành theo thủ tục rút gọn, có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2020.

b) Năm 2021, theo quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021) thì: Thủ tướng Chính phủ quyết định việc ban hành Thông tư theo trình tự thủ tục rút gọn.

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã có công văn số 14246/BTC-CST ngày 20/11/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tiếp tục rà soát, giảm phí, lệ phí và cho phép ban hành Thông tư giảm mức thu phí, lệ phí theo trình tự, thủ tục rút gọn và có hiệu lực kể từ ngày ký.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý (tại công văn số 10344/VPCP-KTTH ngày 10/12/2020), Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 quy định giảm mức thu 29 khoản phí, lệ phí (đã giảm năm 2020) đến hết tháng 6 năm 2021 và Thông tư số 47/2021/TT-BTC kéo dài thời gian giảm phí, lệ phí tại Thông tư số 112/2020/TT-BTC đến hết ngày 31/12/2021.

Ngoài 02 Thông tư trên, trên cơ sở đề xuất của các Bộ, Bộ Tài chính ban hành 03 Thông tư: Thông tư số 12/2021/TT-BTC ngày 08/02/2021 quy định giảm 50% mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; Thông tư số 18/2021/TT-BTC ngày 11/3/2021 quy định giảm 10% mức phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; Thông tư số 68/2021/TT-BTC ngày 06/8/2021 quy định giảm 50% mức thu 03 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y.

Các Thông tư trên đều ban hành theo thủ tục rút gọn, có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2021.

* Theo số liệu tính toán của các Bộ, ngành thì việc giảm phí, lệ phí trên ước giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 2.000 tỷ đồng.

2. Đề xuất giảm phí, lệ phí năm 2022

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính tiếp tục nhận được đề nghị của các Bộ về kéo dài thời gian giảm phí, lệ phí trong năm 2022, cụ thể:

- Công văn số 3244/BCA-H01 ngày 13/9/2021 của Bộ Công an về đánh giá tình hình thực hiện thu phí, lệ phí thuộc quản lý của Bộ Công an. Trong đó, đề nghị báo cáo TTgCP kéo dài thời gian giảm phí, lệ phí đến khi dịch Covid-19 kết thúc.

- Công văn số 8236/BGTVT-TC ngày 10/8/2021 của Bộ Giao thông vận tải đề nghị tiếp tục giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đến hết năm 2022. Công văn số 10062/BGTVT-TC ngày 27/9/2021 của Bộ Giao thông vận tải đề nghị giảm phí sử dụng đường bộ đến hết tháng 6/2022.

- Một số doanh nghiệp đề nghị miễn phí sử dụng đường bộ trong thời gian bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND cấp tỉnh trong thời gian giãn cách.

Năm 2021, do hậu quả nặng nề bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 gây ra, kinh tế quý III/2021 tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%). Kinh tế - xã hội cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, và có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021.

Dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối; để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương:

- Cho phép tiếp tục kéo dài thời gian hết 06 tháng đầu năm 2022 đối với các khoản phí, lệ phí đã giảm năm 2021; chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ tiếp tục rà soát, điều chỉnh giảm phí, lệ phí khác để hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2022.

- Cho phép Bộ Tài chính ban hành các Thông tư giảm phí, lệ phí theo trình tự, thủ tục rút gọn, có hiệu lực thi hành ngay, để kịp thời hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bộ Tài chính cũng đã có công văn số 12311/BTC-CST ngày 27/10/2021 đề nghị Bộ tư pháp cho ý kiến với đề xuất ban hành Thông tư tiếp tục giảm phí, lệ phí theo trình tự thủ tục rút gọn và gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 03/11/2021 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo.

Bộ Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ (để phối hợp);
- Các Vụ: PC, NSNN, HCSN;
- Cục TCDN, TCT;
 - Lưu: VT, Vụ CST (P5).

BỘ TRƯỞNG




 Hồ Đức Phớc

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.