BỘ CÔNG THƯƠNG ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 5380/BCT-XTTM V/v khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19 | Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2021 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thời gian qua, kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất, linh hoạt tìm kiếm, mở rộng thị trường kết hợp với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, hoạt động xuất khẩu của nước ta vẫn đạt kết quả tích cực:
Trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản, lâm sản đạt 15,4 tỷ USD, tăng 14,9%, thủy sản đạt 5,58 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Công tác phát triển thị trường đạt kết quả tích cực, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực (thủy sản, gạo, rau quả, cà phê) đã thâm nhập được vào các thị trường lớn với mức tăng trưởng tích cực nhờ tận dụng cơ hội từ các FTA và sự hồi phục của các nền kinh tế lớn sau đại dịch Covid-19.
Theo công bố mới nhất về dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu ngày 18/8/2021 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhờ sự phục hồi của các nền kinh tế lớn, chỉ số thương mại hàng hóa đã tăng lên mức 110,4 điểm, mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được công bố lần đầu tiên vào tháng 7/2016 và tăng hơn 20 điểm so với cùng kỳ năm ngoái, giúp thương mại hàng hóa tăng 8% trong năm 2021 và dự kiến khoảng 4% trong năm 2022. Tổ chức Nông Lương (FAO) dự báo nhu cầu tiêu dùng nông sản trên thế giới tăng bình quân 1,5-3%/năm trong giai đoạn 2019-2028, mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong 8 tháng đầu năm và đang đứng trước những triển vọng khả quan như trên đã trình bày nhưng do chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, chuỗi cung ứng bị gián đoạn ở nhiều ngành hàng và địa phương, nhất là nhóm nông sản, lâm sản, thủy sản..., xuất khẩu của nước ta đang đối diện với rủi ro không có hàng để xuất khẩu, từ đó, không tận dụng được các cơ hội do phục hồi kinh tế và tiêu dùng thế giới đem lại.
Bộ Công Thương đã tổ chức rà soát, phân tích, đánh giá dung lượng thị trường tiềm năng đối với 9 nhóm/mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trên 14 khu vực/thị trường xuất khẩu trọng điểm. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các khu vực thị trường là đối tác của Việt Nam trong các FTA (xin xem Phụ lục kèm theo). Những phân tích này dựa trên số liệu và phương pháp đánh giá tiềm năng xuất khẩu của ITC (Tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại thuộc WTO), có lưu ý đến những tiêu chuẩn, quy định cụ thể của nước nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm và các vấn đề khác.
Để giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội trên thị trường xuất khẩu, khắc phục những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 và góp phần hồi phục kinh tế, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung sau:
- Chỉ đạo UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương căn cứ những phân tích, đánh
giá về tiềm năng, triển vọng thị trường xuất khẩu của Bộ Công Thương, giao nhiệm vụ cho các Sở/Ban/Ngành hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn khẩn trương tổ chức lại sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu trên địa bàn để khai thác cơ hội thị trường xuất khẩu thời gian tới; khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện (từ cuối năm 2021) Kế hoạch Xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau Covid-19 để đảm bảo thế chủ động. Trong đó, đặc biệt ưu tiên nhóm nông sản, lâm sản và thủy sản.
Giao Bộ Công thương làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn xây dựng, hỗ trợ triển khai có hiệu quả Kế hoạch Xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau Covid-19 của các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản, lâm sản, thủy sản và thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau Covid-19.
Bộ Công Thương kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
Như trên;
Các Bộ: NN&PTNT, NG, KH&ĐT, TC (để ph/h);
UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương;
Các đ/c Thứ trưởng (để biết);
SCT các tỉnh/thành phố;
Các Vụ, Cục: AP, AM, XNK;
Lưu: VT, XTTM.