Open navigation

Công văn 7420/TCHQ-TXNK Vướng mắc doanh nghiệp bỏ trốn, không nộp báo cáo quyết toán

BỘ TÀI CHÍNH 
TỔNG CỤC HẢI QUAN
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 ---------------

Số: 7420/TCHQ-TXNK
V/v vướng mắc DN bỏ trốn, không nộp báo cáo quyết toán

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2019

 

Kính gửi: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh.

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 297/HQHCM-TXNK ngày 30/01/2019 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh liên quan đến vướng mắc đối với trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn, không nộp báo cáo quyết toán. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về việc xác định định mức thực tế của hàng hóa tương tự

Căn cứ khoản 39 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 (sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015) của Bộ Tài chính quy định: Đối với tổ chức, cá nhân bỏ trốn, mất tích mà cơ quan hải quan không có định mức thực tế để xác định số tiền thuế thì sử dụng định mức thực tế đối với hàng hóa tương tự của tổ chức, cá nhân khác.

Cơ quan hải quan căn cứ hồ sơ, tài liệu, dữ liệu lưu trữ tại cơ quan hải quan, định mức sản xuất đối với một số hàng hóa tương tự của doanh nghiệp khác để xác định lượng nguyên liệu, vật tư mà doanh nghiệp (trước khi bỏ trốn) đã sử dụng để sản xuất sản phẩm đã xuất khẩu, trên cơ sở đó, tính toán lượng nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu nhưng không đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Trường hợp không tìm được mặt hàng tương tự của doanh nghiệp khác thì không đủ cơ sở để xác định lượng nguyên liệu, vật tư mà doanh nghiệp (trước khi bỏ trốn) đã sử dụng để sản xuất sản phẩm đã xuất khẩu.

2. Về việc xác định số tiền thuế phải nộp

a. Cơ sở xác định số tiền thuế phải nộp

Căn cứ khoản 5 Điều 60 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 quy định tổ chức, cá nhân gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu có trách nhiệm thực hiện báo cáo quyết toán việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan;

Căn cứ khoản 1 Điều 39 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 quy định các trường hợp cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

Căn cứ khoản 6, khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, SXXK được miễn thuế nhập khẩu. Cơ sở xác định hàng hóa được miễn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ,

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn, không nộp báo cáo quyết toán thì nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu để gia công, SXXK không đáp ứng điều kiện miễn thuế theo quy định tại Điều 10, Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP. Cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, SXXK, bao gồm các khâu nghiệp vụ: (i) Xác định số tiền thuế doanh nghiệp phải nộp; (ii) Ban hành quyết định ấn định thuế.

Tuy nhiên, do doanh nghiệp bỏ trốn không có đại diện pháp lý để thực hiện trách nhiệm với quyết định ấn định thuế, cơ quan hải quan chỉ thực hiện xác định số tiền thuế doanh nghiệp phải nộp; sau đó lập phụ lục kèm hồ sơ chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo hướng dẫn tại điểm 3 công văn này.

Trường hợp cơ quan hải quan có cơ sở xác định doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu nhưng chưa quyết toán, cơ quan hải quan tính toán số tiền thuế phải nộp sau khi trừ đi số tiền thuế tương ứng lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu cấu thành trong sản phẩm đã xuất khẩu.

b. Cách tính toán xác định số tiền thuế, tiền chậm nộp (nếu có)

Căn cứ khoản 27 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 (sửa đổi, bổ sung Điều 48 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015) của Bộ Tài chính quy định về ấn định thuế;

Căn cứ khoản 9 Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 17 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015) của Bộ Tài chính quy định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu đã sử dụng tại Việt Nam có thay đổi mục đích sử dụng so với mục đích đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế,

Căn cứ các quy định nêu trên, việc xác định trị giá tính thuế, số tiền ấn định thuế thực hiện như sau:

(i) Trường hợp tờ khai hải quan lần đầu đã xác định được số liệu về số tiền thuế hoặc căn cứ tính thuế:

Trường hợp hàng hóa chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc nhiều tờ khai hải quan khác nhau nhưng trên các tờ khai xuất khẩu hoặc nhập khẩu lần đầu đã xác định được số tiền thuế thì số tiền thuế doanh nghiệp phải nộp là số tiền thuế trung bình, được xác định theo công thức tại khoản 27 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC. Số tiền chậm nộp tính theo thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan cuối cùng.

ii) Trường hợp tờ khai hải quan lần đầu không xác định được số liệu về số tiền thuế hoặc căn cứ tính thuế:

Trường hợp trên các tờ khai nhập khẩu lần đầu không có số liệu về số tiền thuế hoặc không xác định được căn cứ tính thuế thì cơ quan hải quan thực hiện xác định số tiền thuế doanh nghiệp phải nộp căn cứ tên hàng, số lượng, chủng loại, mức thuế, tỷ giá tính thuế, phương pháp tính thuế tại thời điểm lập hồ sơ chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền (tương tự cách tính đối với trường hợp ban hành quyết định ấn định thuế). Trị giá tính thuế thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 17 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015).

Trường hợp cần xác định định mức thực tế của hàng hóa tương tự, cơ quan hải quan thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 1 công văn này.

c. Cách xác định số tiền thuế đối với nguyên liệu được chuyển tồn từ những năm trước đã báo cáo quyết toán theo trị giá (không theo số lượng) tại thời điểm hiệu lực của Thông tư 38/2015/TT-BTC

Trường hợp doanh nghiệp báo cáo quyết toán nguyên liệu chuyển tồn theo trị giá (không có số lượng cụ thể theo từng chủng loại mặt hàng) thì cơ quan hải quan không có cơ sở xác định số tiền thuế do mỗi mặt hàng có trị giá, mã số HS, thuế suất tương ứng là khác nhau. Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc này và sẽ có hướng dẫn trong thời gian tới.

3. Về hồ sơ chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra về tội buôn lậu, trốn thuế

a) Trường hợp vụ việc có dấu hiệu của tội buôn lậu

Căn cứ Điều 153 Bộ Luật hình sự số 15/1999/QH10, Điều 188 Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 12/2017/QH14);

Căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13,

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp vụ việc có dấu hiệu của tội buôn lậu thì cơ quan hải quan ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13.

(i) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực kiểm soát của Hải quan, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp Điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc Điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

(ii) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực kiểm soát của Hải quan, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

b) Trường hợp vụ việc có dấu hiệu của tội trốn thuế

Trường hợp vụ việc có dấu hiệu của tội trốn thuế, số tiền trốn thuế được quy định cụ thể tại Điều 161 Bộ Luật hình sự số 15/1999/QH10, Điều 200 Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 12/2017/QH14) không thuộc thẩm quyền khởi tố của cơ quan hải quan, tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan hải quan xem xét việc chuyển hồ sơ vụ việc theo quy định tại Điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13, hoặc ra văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định về kiến nghị khởi tố tại Bộ Luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định về việc phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ban hành.

Tổng cục Hải quan có ý kiến để Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Cục HQ tỉnh, TP (để thực hiện);
- Cục Giám sát quản lý (để biết);
- Cục Điều tra chống buôn lậu (để biết);
- Vụ Pháp chế - TCHQ (để biết);
 - Lưu: VT, TXNK-H.Linh (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




 Nguyễn Dương Thái

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.