Open navigation

Quyết định 48/QĐ-BCĐNQ98 ngày 20/07/2023 Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98_2023_QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính

BAN CHỈ ĐẠO
TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 98/2023/QH15 CỦA QUỐC HỘI
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/QĐ-BCĐNQ98

Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2023

 QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 98/2023/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI
 NGHỊ QUYẾT SỐ 98/2023/QH15 CỦA QUỐC HỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thành lập tổ chức hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Căn cứ Quyết định số 850/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tại Tờ trình số 5591/TTr-BKHĐT ngày 14 tháng 7 năm 2023 và Công văn số 5593/BKHĐT-KTĐPLT ngày 15 tháng 7 năm 2023,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Trưởng Ban Chỉ đạo, các Thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Thành viên Ban Chỉ đạo;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký của TTg và các PTTg; TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, BCĐNQ98 (2b).NQ

TRƯỞNG BAN




THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 Phạm Minh Chính



QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 98/2023/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(Ban hành kèm theo Quyết định số 48/QĐ-BCĐNQ98 ngày 20 tháng 7 năm 2023 của Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định nguyên tắc, chế độ làm việc; trách nhiệm của Thành viên, cơ quan Thường trực; chế độ thông tin, báo cáo của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo).

Quy chế này áp dụng đối với Thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Nghị quyết).

Điều 2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và Thành viên Ban Chỉ đạo

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện theo quy định tại Quyết định số 850/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương II

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 3. Nguyên tắc làm việc

1. Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và các Thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

2. Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, đề cao trách nhiệm của Trưởng Ban; Trưởng Ban là người quyết định cuối cùng đối với các vấn đề của Ban Chỉ đạo; Phó Trưởng Ban được quyết định một số vấn đề cụ thể theo phân công, ủy quyền của Trưởng Ban; các Thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm triển khai công việc được phân công và chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao để thực hiện Nghị quyết.

3. Trưởng Ban chủ trì cuộc họp định kỳ theo kế hoạch và triệu tập cuộc họp đột xuất khi cần thiết. Trưởng Ban có thể ủy quyền cho Phó Trưởng Ban chủ trì các cuộc họp để thảo luận, quyết định một số vấn đề cụ thể thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Điều 4. Chế độ làm việc, thông tin và báo cáo

1. Cuộc họp định kỳ: Ban Chỉ đạo họp định kỳ 2 lần/năm và họp bất thường khi cần thiết theo quyết định của Trưởng Ban. Ngoài việc họp trực tiếp, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo có thể lấy ý kiến bằng văn bản của Thành viên Ban Chỉ đạo, tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban xem xét, quyết định.

2. Nội dung cuộc họp định kỳ tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, hoạt động đề ra tại Nghị quyết; báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền của Ban Chỉ đạo.

3. Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ từng thời điểm, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo có thể đề xuất mời các các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tham dự cuộc họp Ban Chỉ đạo.

4. Thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo Trưởng Ban tình hình triển khai nhiệm vụ, hoạt động được phân công tại Kế hoạch triển khai Nghị quyết hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban, đồng thời chủ động báo cáo những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Báo cáo của các Thành viên Ban Chỉ đạo được gửi tới Trưởng ban, đồng thời gửi tới cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo để theo dõi, tổng hợp chung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Trưởng Ban.

Chương III

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Điều 5. Trách nhiệm của Trưởng Ban

1. Quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về toàn bộ hoạt động của Ban Chỉ đạo theo nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo tại Quyết định số 850/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Chỉ đạo, điều hành thống nhất, toàn diện các hoạt động của Ban Chỉ đạo; trực tiếp chủ trì các cuộc họp Ban Chỉ đạo; phân công, ủy quyền cho Phó Trưởng Ban chủ trì họp thảo luận, quyết định một số vấn đề cụ thể thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo khi cần thiết.

3. Chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo, Kế hoạch triển khai Nghị quyết, tình hình thực hiện Nghị quyết; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.

4. Phân công, ủy quyền cho Phó Trưởng Ban hoặc Thành viên Ban Chỉ đạo giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Trưởng Ban khi cần thiết.

Điều 6. Trách nhiệm của Phó Trưởng Ban

1. Giúp Trưởng Ban điều hành, giải quyết một số nhiệm vụ cụ thể liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo theo phân công, ủy quyền của Trưởng Ban.

2. Chỉ đạo tổng hợp xây dựng chương trình công tác của Ban Chỉ đạo, trình Trưởng Ban xem xét, quyết định; đề xuất Trưởng Ban chủ trì các cuộc họp đột xuất để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai Nghị quyết.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc trách nhiệm của Ban Chỉ đạo được Trưởng Ban giao.

Điều 7. Trách nhiệm của Thành viên Ban Chỉ đạo

1. Thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ, ngành và nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của cơ quan mình.

3. Sử dụng bộ máy, cơ sở vật chất, con dấu của cơ quan mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

2. Giúp Trưởng Ban trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban giao.

4. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo được làm việc với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tham gia triển khai thực hiện Nghị quyết và các hoạt động liên quan khác.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Các Thành viên Ban Chỉ đạo và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định tại Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện Quy chế, trường hợp phát sinh bất cập, vướng mắc, Thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ động đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung nội dung cụ thể gửi cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban xem xét, quyết định./.

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.