Open navigation

Công văn 2333/BTTTT-CĐSQG ngày 20/06/2023 Triển khai ICT phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) tại các địa phương

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2333/BTTTT-CĐSQG 

V/v triển khai ICT phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tại các địa phương

Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 2023 

 Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chủ trương phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam đã được đề cập tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, cụ thể tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế.

Các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể ưu tiên phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đã được xác định tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950).

Phát triển đô thị thông minh bền vững là vấn đề lớn, đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, cần nhiều nguồn lực để tổ chức triển khai và sự phối hợp tham gia của nhiều ngành, lĩnh vực và của cả cộng đồng xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 09/8/2022 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2022 trực tuyến với địa phương, trên cơ sở tổng hợp báo cáo tình hình triển khai công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) và kết quả kiểm tra thực tế tại một số địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, lưu ý các nội dung sau trong chỉ đạo và tổ chức triển khai ICT phát triển ĐTTM nói chung và việc triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) nói riêng:

1. Về nhận thức:

- Phát triển ĐTTM là một quá trình liên tục và lâu dài, do vậy cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện và một cách tiếp cận tổng thể, không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ. Cũng giống như chuyển đổi số, đó là sự thay đổi về tư duy và nhận thức nhiều hơn. Người đứng đầu chính quyền địa phương, đô thị cần nhận thức đúng và đầy đủ về ĐTTM dựa trên các quan điểm và nguyên tắc đã nêu tại Đề án 950.

- Phát triển ĐTTM chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị bao gồm giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị,... Và để đạt được những nội dung này một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị, thành phố. Phần lớn các Đề án, Kế hoạch phát triển ĐTTM của các địa phương hiện nay còn thiếu nội dung quy hoạch thông minh.

- Phát triển ĐTTM chính là xây dựng một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả dựa trên việc ứng dụng các công nghệ có tính đổi mới, sáng tạo, không phải một tập hợp rời rạc các hệ thống, ứng dụng của các cơ quan chuyên môn do các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau.

- Phát triển ĐTTM tại địa phương phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa.

- Cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác. Một hạ tầng thông tin mạnh, thống nhất và an toàn là nền tảng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong không gian đô thị.

- Việc xây dựng ĐTTM đòi hỏi sự tham gia tích cực và chủ động của tất cả các cấp, các ngành tại địa phương, không phải nhiệm vụ riêng của bất kỳ ngành hay cơ quan cụ thể nào. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay sự tham gia của các cơ quan chuyên môn như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải,... vào sự phát triển ĐTTM tại các địa phương còn hạn chế.

2. Về nội dung triển khai:

- Các địa phương hiện nay đang chủ yếu tập trung vào việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích ĐTTM gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số, mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, chưa chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết các vấn đề căn cơ, bài toán lớn của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường,… dẫn đến hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn, chưa thực sự đi vào chiều sâu nhằm đạt được kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và quản lý đô thị hiệu quả, tinh gọn.

- Mỗi đô thị khác nhau phát triển ĐTTM theo những tiêu chí, những lĩnh vực khác nhau, tùy thuộc vào quy mô, tính chất đô thị, điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội, mức độ đầu tư mong muốn và các vấn đề đô thị phải đối mặt. Kinh nghiệm thực tế cho thấy không có 02 ĐTTM giống hệt nhau và không có một mô hình mẫu hoàn hảo để có thể áp dụng chung cho các đô thị, thành phố. Do vậy, chính quyền địa phương, đô thị phải tự xác định các vấn đề bức thiết cần giải quyết của đô thị, từ đó tìm kiếm các giải pháp công nghệ phù hợp và áp dụng một cách thông minh, hiệu quả vào đô thị. Mức độ thông minh hoàn toàn không dựa vào sản phẩm, giải pháp sẵn có của các doanh nghiệp trên thị trường mà phụ thuộc vào tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn và quyết tâm của người đứng đầu địa phương, đô thị.

- Để phát triển ĐTTM gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các địa phương chủ động rà soát các Đề án, Kế hoạch phát triển ĐTTM đã ban hành để kịp thời cập nhật, bổ sung các nội dung triển khai, bảo đảm bám sát 07 nhóm nhiệm vụ ưu tiên triển khai theo lộ trình tại Đề án 950 và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương.

- Phát triển ĐTTM cần một kiến trúc ICT tổng thể để bảo đảm tính đồng bộ và bền vững trong triển khai. Hiện tại, nhiều địa phương đã phê duyệt Đề án, Kế hoạch phát triển ĐTTM nhưng chưa xây dựng và ban hành Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các địa phương đã phê duyệt Đề án, Kế hoạch phát triển ĐTTM sớm xây dựng và ban hành Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM, bảo đảm gắn kết, kế thừa các thành phần chức năng của Kiến trúc với Kiến trúc Chính quyền điện tử của địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM phiên bản 1.0 (tại Quyết định số 829/QĐ-BTTTT ngày 31/5/2019) là cơ sở để các địa phương xây dựng Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM.

- Các địa phương khi phát triển ĐTTM phải quan tâm thích đáng đến việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng, ban hành Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả triển khai ĐTTM trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Văn bản số 3098/BTTTT- KHCN ngày 13/9/2019 về việc công bố Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0). Định kỳ đo lường, đánh giá hiệu quả triển khai để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Thực hiện truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích mang lại của ĐTTM để người dân, doanh nghiệp cùng tham gia với chính quyền ngay từ khi bắt đầu triển khai ĐTTM. Xây dựng công cụ cho phép đo lường mức độ quan tâm, mức độ sử dụng, mức độ hài lòng của người dân để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ ĐTTM.

3. Đối với việc triển khai Trung tâm IOC:

Đến nay một số địa phương đã đầu tư từ ngân sách nhà nước, một số địa phương hợp tác với doanh nghiệp để triển khai thử nghiệm, thí điểm bằng chi phí của doanh nghiệp, một số địa phương đầu tư một phần và doanh nghiệp tài trợ một phần. Nhìn chung, Trung tâm IOC cấp tỉnh đều được tích hợp thông tin các dịch vụ ĐTTM chủ yếu bao gồm các dịch vụ: phản ánh hiện trường, giám sát giao thông, giám sát an ninh trật tự, quan trắc chất lượng môi trường, giám sát thông tin trên môi trường mạng, các dịch vụ y tế, giáo dục,... và tích hợp thông tin, dữ liệu từ các hệ thống chính quyền điện tử như hệ thống văn bản điều hành, Cổng dịch vụ công, hệ thống báo cáo, các hệ thống, cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực. Các số liệu được tổng hợp và hiển thị trực quan dưới dạng biểu đồ giúp người sử dụng dễ hình dung và so sánh. Việc triển khai Trung tâm IOC bước đầu giúp Lãnh đạo tỉnh có được cái nhìn tổng quan về các số liệu liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương cũng như của các ngành, lĩnh vực tùy thuộc vào mức độ nhiều hay ít các số liệu được tích hợp về Trung tâm IOC.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các địa phương đặc biệt lưu ý các vấn đề sau trong triển khai Trung tâm IOC:

- Không nóng vội trong triển khai Trung tâm IOC, không triển khai Trung tâm IOC khi chưa xác định rõ sự cần thiết, mục tiêu, yêu cầu cụ thể, chưa bảo đảm sẵn sàng các yếu tố cần thiết cho việc duy trì, vận hành và chưa xác định rõ các tiêu chí, chỉ tiêu đo lường, đánh giá hiệu quả triển khai Trung tâm IOC.

- Các địa phương phải chủ động xác định bài toán cụ thể khi triển khai Trung tâm IOC để giải quyết các vấn đề mang tính đặc thù, đặc trưng của địa phương, đô thị, không phụ thuộc vào các sản phẩm, giải pháp sẵn có của doanh nghiệp, chủ động xác định bài toán để đặt hàng với doanh nghiệp công nghệ và làm chủ công nghệ, làm chủ các nguồn dữ liệu của Trung tâm IOC.

- Các yếu tố thông minh và hiệu quả khai thác sử dụng Trung tâm IOC chủ yếu nằm ở hệ thống phần mềm của Trung tâm IOC, hệ thống màn hình hiển thị (dashboard) chỉ giúp hiển thị thông tin, dữ liệu một cách trực quan trên hệ thống màn hình lớn để dễ dàng quan sát, phù hợp với việc giám sát, điều hành các hoạt động thường ngày của đô thị gắn với hiện trường như giám sát giao thông, an ninh trật tự,... Do vậy, các địa phương cần cân nhắc việc triển khai phòng giám sát, điều hành với hệ thống dashboard nếu chỉ hiển thị các thông tin, dữ liệu mang tính thống kê, tổng hợp.

- Hiện nay, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc hình thành hạ tầng dữ liệu, chưa có chiến lược dữ liệu trong khi dữ liệu là yếu tố cốt lõi của Trung tâm IOC. Các chức năng thông minh, có tính đổi mới, sáng tạo như phân tích dữ liệu lớn để hỗ trợ ra quyết định chưa được thể hiện rõ trong kết quả triển khai Trung tâm IOC của các địa phương, trong đó nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu có vai trò quyết định đến yếu tố thông minh của Trung tâm IOC. Do vậy, các địa phương cần sớm xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp tỉnh phục vụ cho cả chuyển đổi số và phát triển ĐTTM. Thành lập tổ liên ngành phân tích dữ liệu phục vụ lãnh đạo chính quyền trong chỉ đạo, điều hành.

- Mức đầu tư cho Trung tâm IOC giữa các địa phương là rất khác nhau, tiềm ẩn nguy cơ và rủi ro lãng phí trong triển khai nếu không xác định và đánh giá rõ được hiệu quả triển khai.

4. Về cách thức tổ chức triển khai:

- Người đứng đầu địa phương phải trực tiếp vào cuộc để xác định tầm nhìn, chiến lược dài hạn cho phát triển ĐTTM tại địa phương. Trực tiếp chỉ đạo tổ chức triển khai và giám sát, đánh giá kết quả, hiệu quả triển khai ĐTTM tại địa phương.

- Phát triển ĐTTM đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan, trong đó người dân phải được tham gia ngay từ đầu khi chính quyền xây dựng chính sách phát triển ĐTTM, không nên thực hiện theo cách áp đặt từ trên xuống. Tư duy lấy người dân làm trung tâm phải được định hình ngay từ khi thiết kế ĐTTM.

- Thực hiện dần từng bước, tổ chức thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân; đảm bảo hiệu quả đầu tư ngắn hạn và dài hạn, không phát triển tự phát, tràn lan, theo phong trào.

- Hiện nay tuy chưa có sự chồng chéo nhưng có sự thiếu đồng bộ trong tổ chức triển khai ĐTTM. Hầu hết các địa phương giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phát triển ĐTTM trong khi Bộ Xây dựng đang thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Đề án 950. Vai trò của ngành xây dựng trong phát triển ĐTTM tại các địa phương cần được quan tâm đúng mức để triển khai đồng bộ các nội dung về quy hoạch và quản lý ĐTTM.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, lưu ý các nội dung trên trong phát triển ICT cho ĐTTM và Trung tâm IOC tại địa phương.

Trân trọng./.

 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Bộ Xây dựng (để p/h);
- Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
 - Lưu: VT, CĐSQG.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




 Nguyễn Huy Dũng

 

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.