Open navigation

Công văn 95/HD-TLĐ ngày 10/10/2023 Xây dựng dự toán tài chính công đoàn năm 2024

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 95/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2023

 HƯỚNG DẪN

XÂY DỰNG DỰ TOÁN TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN NĂM 2024

- Căn cứ Luật Công đoàn năm 2012; Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

- Căn cứ Quyết định số 8086/QĐ-TLĐ ngày 10/10/2023 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc ban hành Quy định về nguyên tắc xây dựng và giao dự toán tài chính công đoàn năm 2024;

- Căn cứ kết quả thực hiện thu - chi tài chính công đoàn năm 2022, tình hình thực hiện dự toán tài chính công đoàn năm 2023;

Xét đề nghị của Ban Tài chính Tổng Liên đoàn, Tổng Liên đoàn hướng dẫn các cấp công đoàn xây dựng dự toán tài chính công đoàn năm 2024 như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN NĂM 2023

1. Về thu, chi tài chính công đoàn

Căn cứ kết quả tổ chức thực hiện thu, chi, nộp nghĩa vụ tài chính công đoàn 10 tháng đầu năm 2023 và ước thực hiện cả năm 2023, các cấp công đoàn cần tập trung đánh giá một số nội dung chủ yếu sau:

- Đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong việc thu kinh phí và đoàn phí công đoàn theo quy định hiện hành; đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu, chi tài chính công đoàn, việc giao dự toán và cấp kinh phí năm 2023.

- Đánh giá sự tác động của việc đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng đến việc thực hiện dự toán thu chi tài chính công đoàn năm 2023.

- Đánh giá công tác thống kê, theo dõi số liệu lao động, đoàn viên theo báo cáo của tổ chức và số liệu lao động, đoàn viên theo số liệu thu tài chính công đoàn.

- Đánh giá việc thực hiện: Nghị quyết số 07b/NQ-TLĐ ngày 21/1/2016; Quy chế phối hợp số 3601/QCPH-TLĐ-BHXH ngày 20/9/2016 giữa Tổng Liên đoàn và Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Đánh giá việc thực hiện công tác chỉ đạo phối hợp theo Quyết định số 887/QĐ-TLĐ ngày 02/7/2015 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn; Đánh giá việc thực hiện Quy chế số 1822/QCPH/BTC-TLĐ ngày 08/12/2014 giữa Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó tập trung phân tích đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong công tác phối hợp kiểm tra, thanh tra đóng kinh phí công đoàn, kết quả tăng thêm về số thu kinh phí công đoàn khi thực hiện công tác phối hợp trên.

- Đánh giá việc thực hiện công tác quản lý tài chính, tài sản tại công đoàn cơ sở khu vực SXKD theo Công văn số 6173/TLĐ-TC ngày 17/3/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Đơn vị sự nghiệp công đoàn: Đánh giá công tác thực hiện dự toán năm 2023; kết quả thu, chi sự nghiệp; tình hình thực hiện chi từ nguồn ngân sách nhà nước; phân tích rõ chi tiết tiền lương; tình hình triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định của Chính phủ và Tổng Liên đoàn.

2. Về quản lý tài chính, tài sản công đoàn

- Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính công đoàn theo phân cấp của Tổng Liên đoàn; quyết định nguyên tắc xây dựng, phân bổ, duyệt dự toán cho các đơn vị cấp dưới theo quy định của Tổng Liên đoàn; xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện dự toán, quyết toán; công khai dự toán, quyết toán; kiểm tra, hướng dẫn đơn vị cấp dưới thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính công đoàn và nộp kinh phí lên công đoàn cấp trên; phê duyệt báo cáo dự toán, quyết toán của các đơn vị cấp dưới.

- Đánh giá những khó khăn, thuận lợi tại từng cấp công đoàn trong việc triển khai thực hiện các quy định về thu, chi, quản lý tài chính. Đánh giá, phân tích về việc thực hiện cơ chế thu, phân cấp tài chính tác động đến kết quả thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn.

- Đánh giá công tác quản lý tài sản, đầu tư xây dựng theo các quy định hiện hành.

- Báo cáo kết quả triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và tình hình sử dụng tài chính đối với các cơ quan công đoàn.

II. XÂY DỰNG DỰ TOÁN TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN NĂM 2024

1. Mục tiêu, yêu cầu

1.1. Mục tiêu

Dự toán thu tài chính công đoàn năm 2024 các cấp công đoàn xây dựng có tính khả thi cao. Căn cứ tình hình thực tế, từng ngành, từng địa phương xây dựng dự toán thu đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời theo quy định hiện hành, đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ hoạt động.

1.2. Yêu cầu

- Xây dựng dự toán thu tài chính công đoàn phải bảo đảm đúng Quyết định số 8086/QĐ-TLĐ ngày 10/10/2023 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc ban hành Quy định về nguyên tắc xây dựng và giao dự toán tài chính công đoàn năm 2024. Xác định được số phải thu tài chính công đoàn trong năm 2024 và tổ chức thực hiện việc thu kinh phí và đoàn phí công đoàn, khắc phục tình trạng thất thu kinh phí, đoàn phí, đặc biệt tại các đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn.

- Dự toán chi tài chính công đoàn cần đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, Nội dung chi tập trung cho các hoạt động thiết thực, hiệu quả như: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, phát triển đoàn viên, hạn chế chi tiếp khách, hành chính và các chi phí khác.

- Trong năm dự toán, khi Tổng Liên đoàn ban hành các văn bản mới liên quan đến việc thực hiện dự toán thì các đơn vị thực hiện theo hiệu lực của văn bản mới ban hành.

2. Một số nội dung chủ yếu trong công tác xây dựng dự toán

2.1. Thu kinh phí công đoàn

Thực hiện theo mục 1 phần II Nguyên tắc xây dựng và giao dự toán tài chính công đoàn năm 2024.

2.2. Thu đoàn phí công đoàn

Thực hiện theo mục 2 phần II Nguyên tắc xây dựng và giao dự toán tài chính công đoàn năm 2024.

2.3. Thu khác

Trên cơ sở số thực hiện theo báo cáo quyết toán tài chính công đoàn của đơn vị năm 2022, số ước thực hiện năm 2023, các đơn vị dự kiến số thu khác trong dự toán năm 2024 theo hướng ổn định và tăng nguồn thu.

2.4. Chi tài chính công đoàn

Việc xác định số chi, số nộp nghĩa vụ của các đơn vị thực hiện theo mục 2 phần III Nguyên tắc xây dựng và giao dự toán tài chính công đoàn năm 2024, ngoài ra các đơn vị phải đảm bảo một số nội dung sau:

- Dự toán chi phải trong phạm vi nguồn thu được phân phối, sử dụng trong năm theo quy định của Tổng Liên đoàn. Trong dự toán chi cần dành nguồn kinh phí để tổ chức nhiệm vụ trọng tâm, nội dung và hình thức hoạt động thiết thực vì lợi ích cho đoàn viên công đoàn và người lao động, tránh hình thức, lãng phí... Việc mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên tài sản cân đối từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Việc đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện theo Kế hoạch đầu tư công được Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn phê duyệt. Đồng thời, cần xác định các khoản nghĩa vụ nộp kinh phí về Tổng Liên đoàn theo đúng quy định được giao.

- Các cơ quan công đoàn cần chủ động thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và thực hiện khoán kinh phí quản lý hành chính theo các quy định hiện hành của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.

+ Phân phối tài chính công đoàn: Thực hiện theo Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc ban hành Quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn; Quyết định số 887/QĐ-TLĐ ngày 02/7/2015 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc ban hành Quy định về kinh phí chỉ đạo phối hợp.

+ Năm 2024, Công đoàn cơ sở được sử dụng 70% tổng số thu đoàn phí và 75% tổng số thu kinh phí công đoàn; công đoàn cấp trên (các cấp) được sử dụng 30% tổng số thu đoàn phí công đoàn và 25% tổng số thu kinh phí công đoàn.

+ Chi của công đoàn cấp trên cơ sở: Thực hiện theo Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc ban hành Quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn; Quyết định số 1764/QĐ-TLĐ ngày 28/12/2020 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tài chính công đoàn; Quyết định số 4291/QĐ-TLĐ ngày 01/3/2022 về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu trong các cơ quan Công đoàn.

+ Chi của công đoàn cơ sở: Thực hiện theo Quyết định số 4290/QĐ-TLĐ ngày 01/3/2022 của Tổng Liên đoàn về việc ban hành Quy định về thu, chi, quản lý tài chính, tài sản tại công đoàn cơ sở.

+ Dự toán thu chi tài chính công đoàn năm 2024 của đơn vị nếu sử dụng các quỹ thực hiện theo Quyết định số 4407/QĐ-TLĐ ngày 25/3/2022. Nội dung sử dụng được thuyết minh cụ thể trong hồ sơ dự toán và được thực hiện theo đúng thẩm quyền Tổng Liên đoàn đã phân cấp.

+ LĐLĐ tỉnh thành phố; Công đoàn ngành TW và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có đơn vị sự nghiệp trực thuộc hướng dẫn đơn vị sự nghiệp trực thuộc lập dự toán và đề xuất cấp trên giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.... cho niên độ tài chính 2024 từ tài chính công đoàn.

- Các đơn vị sự nghiệp thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hồ sơ dự toán tài chính công đoàn năm 2024

Hồ sơ dự toán tài chính công đoàn năm 2024 gửi về Tổng Liên đoàn gồm 02 bộ đầy đủ các biểu mẫu bắt buộc theo Hướng dẫn số 22/HD-TLĐ ngày 29/4/2021 về việc thực hiện chế độ kế toán HCSN trong các đơn vị kế toán cơ quan công đoàn và Hướng dẫn số 86/HD-TLĐ ngày 29/5/2023 về việc sửa đổi, bổ sung tạm thời một số nội dung của Hướng dẫn số 22/HD-TLĐ ngày 29/4/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bao gồm:

- Báo cáo tổng hợp dự toán thu - chi tài chính công đoàn.

- Báo cáo dự toán thu - chi đơn vị sự nghiệp.

- Thống kê danh sách tên đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn gồm: lao động, đoàn viên... theo khu vực hành chính sự nghiệp, sản xuất kinh doanh (theo mẫu nhập phần mềm thu kinh phí công đoàn qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam).

- Mẫu 01a, 01b kèm theo Quyết định số 887/QĐ-TLĐ ngày 02/7/2015 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc ban hành Quy định về kinh phí chỉ đạo phối hợp.

- Danh sách cán bộ công đoàn chuyên trách và lao động khác tại công đoàn cấp trên cơ sở trở lên (thời điểm 30/10/2023).

- Mẫu biểu giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu theo Công văn số 6912/TLĐ-TC ngày 27/6/2023 (nếu có).

- Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện dự toán năm 2023, thuyết minh chi tiết dự toán năm 2024.

2. Quy trình, thời hạn nộp Báo cáo dự toán

- Báo cáo dự toán của đơn vị được thông qua Ban Thường vụ LĐLĐ các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn xem xét thống nhất trước khi gửi về Tổng Liên đoàn (qua Ban Tài chính).

- Thời hạn nộp: Báo cáo dự toán tài chính công đoàn năm 2024 nộp trước ngày 15 tháng 11 năm 2023.

3. Về phương thức xét duyệt dự toán

- Căn cứ theo hồ sơ báo cáo dự toán của đơn vị, Ban Tài chính Tổng Liên đoàn dự kiến giao chỉ tiêu thu, chi cho đơn vị trình Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn phê duyệt, không mời các đơn vị về làm việc với Tổng Liên đoàn để duyệt dự toán (thông báo giao dự toán tài chính công đoàn năm 2024 hoàn thành trong tháng 01/2024).

- Căn cứ hướng dẫn này và tình hình thực tế, các LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn hướng dẫn công đoàn cấp dưới thực hiện.

Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có vướng mắc đơn vị phản ánh về Tổng Liên đoàn (qua Ban Tài chính) để được xem xét, giải quyết./.

 
Nơi nhận:
- Thường trực ĐCT TLĐ;
- Các LĐLĐ tỉnh, thành phố;
- Các CĐ ngành TW và tương đương, CĐ TCT trực thuộc TLĐ;
- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc TLĐ;
 - Lưu: VT, TC.

TL. ĐOÀN CHỦ TỊCH
TRƯỞNG BAN TÀI CHÍNH




 Nguyễn Minh Dũng

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.