BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3014/QĐ-BNN-LN | Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN THÔNG BÁO SỐ 167/TB-VPCP NGÀY 01 THÁNG 5 NĂM 2023 CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ VỀ KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI LĨNH VỰC SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU LÂM SẢN CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 01/5/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Lâm nghiệp về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 01/5/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ đối với lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu lâm sản tại Tờ trình số 464/TTr-LN-CBTM ngày 20/7/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 01/5/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ đối với lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu lâm sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 2. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, các đơn vị chủ trì xây dựng nội dung, tổ chức thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Cục Lâm nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Hiệp hội chế biến gỗ, lâm sản và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN THÔNG BÁO SỐ 167/TB-VPCP NGÀY 01 THÁNG 5 NĂM 2023 CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ VỀ KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI LĨNH VỰC SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU LÂM SẢN CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3014/QĐ-BNN-LN ngày 27 tháng 7 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quan điểm
a) Các nội dung, hoạt động của Kế hoạch phải bám sát quan điểm, định hướng chỉ đạo, các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 01/5/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản (Thông báo số 167/TB-VPCP).
b) Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo đầy đủ nội dung, cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm, định hướng và giải pháp của Thông báo số 167/TB-VPCP đến các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm tạo đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai, thực hiện.
c) Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Thông báo số 167/TB-VPCP và Kế hoạch hành động này, các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong Thông báo số 167/TB-VPCP.
d) Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thực hiện vai trò tập hợp, gắn kết hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành trước những cơ hội và thách thức mới; là ngôi nhà chung của cộng đồng các doanh nghiệp, là cầu nối, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp, hội viên; sát cánh cùng các thành viên; hỗ trợ các doanh nghiệp đề xuất ý kiến tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cùng nhau phát triển.
đ) Các doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam, tuân thủ quy định, thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đa phương và song phương và cam kết quốc tế, coi đây là chìa khóa mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản bền vững.
2. Mục tiêu
- Triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao tại Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 01/5/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ đối với lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu lâm sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản; nhằm nâng cao công tác quản lý, điều hành; gắn kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các Bộ, ngành trung ương, địa phương trên phạm vi cả nước và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện Thông báo số 167/TB-VPCP đối với lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu lâm sản.
- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, định hướng và giải pháp; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần ưu tiên thực hiện; xây dựng các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Thông báo số 167/TB-VPCP đối với lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu lâm sản, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời và thống nhất; góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 17 tỷ USD năm 2023 và 20 tỷ USD vào năm 2025.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Rà soát, xây dựng và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, thúc đẩy triển khai hiệu quả quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam); hướng dẫn quy định về truy xuất nguồn gốc lâm sản; các chính sách lâm nghiệp nhằm đảm bảo toàn bộ gỗ nguyên liệu đi vào chuỗi cung ứng sản xuất là hợp pháp, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ lâm sản.
2. Thúc đẩy sản xuất gỗ nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân: Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, cấp mã số vùng trồng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp, sản xuất lâm sản không làm mất rừng. Thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm duy trì các thị trường truyền thông, mở rộng các thị trường tiềm năng mới nổi như thị trường các nước Nam Mỹ, Trung Đông, Canada, New Zealand thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức hiệu quả các hội chợ triển lãm về đồ gỗ, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật, thị trường tại các thị trường xuất khẩu chính, thị trường mới nôi cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
4. Thực hiện chuyển đổi số và đổi mới khoa học công nghệ; tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính.
5. Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản; hoàn thuế giá trị gia tăng, tích tụ đất đai phục vụ trồng rừng, mở rộng bằng sản xuất, chế biến lâm sản, nhà ở cho người lao động.
6. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật; vận động chủ rừng sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao, áp dụng biện pháp trồng rừng thâm canh gỗ lớn, gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững, mã số vùng trồng, không khai thác rừng non, các doanh nghiệp chế biến gỗ nói không với gỗ bất hợp pháp, tuân thủ quy định, thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đa phương và song phương và cam kết quốc tế.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục Lâm nghiệp
- Tiếp tục rà soát các văn bản hướng dẫn Luật Lâm nghiệp liên quan đến lĩnh vực chế biến gỗ và thương mại lâm sản. Hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về một số cơ chế chính sách phát triển lâm nghiệp.
- Xây dựng mô hình thí điểm và hướng dẫn về cấp mã số vùng trồng đối với rừng trồng sản xuất. Xây dựng và ban hành nhãn hiệu tập thể gỗ Việt.
- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng gắn với phát triển liên kết trong đánh giá, cấp chứng chỉ rừng theo Quyết định 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
- Phối hợp với Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức diễn đàn, hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến và thương mại lâm sản; hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các hội chợ quốc tế về đồ gỗ.
Xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín sản phẩm gỗ của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
- Phối hợp với các Bộ: Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra, ngăn chặn chống gian lận xuất xứ hàng hóa và chuyển tải bất hợp pháp; Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ về hoàn thuế giá trị gia tăng; Bộ xây dựng hoàn thiện các cơ chế chính sách về hỗ trợ nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trong đó có công nhân ngành sản xuất, chế biến lâm sản.
2. Cục Kiểm Lâm
- Xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; triển khai thực hiện hiệu quả Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ; Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về Quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và xây dựng, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư trên
- Rà soát, cập nhật, bổ sung Danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam tại Quyết định số 2752/QĐ-BNN-TCLN ngày 20/7/2022.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc lâm sản.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu vi phạm pháp và hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp, hệ thống cơ sở dữ liệu cấp giấy phép FLEGT phục vụ quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
- Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc lâm sản
3. Vụ Kế hoạch
- Rà soát, đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích hợp tác công tư, đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực lâm sản thuộc thẩm quyền của Bộ.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; phát triển các dịch vụ logitic, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo trong ngành chế biến lâm sản.
4. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường: Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao hỗ trợ, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật, thị trường của các thị trường xuất khẩu chính cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
5. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đề xuất cơ chế sử dụng quỹ khoa học công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học phát triển ngành nông nghiệp trong đó có chế biến lâm sản.
6. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Đẩy mạnh nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu giống, cung cấp giống cây mới có năng suất và chất lượng cao phù hợp quy cách gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu của hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn cho các cơ sở chế biến gỗ và các bên liên quan về tiêu chuẩn chuỗi hành trình sản phẩm PEFC CoC; đào tạo tập huấn cho chủ rừng và các bên liên quan thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh cắt giảm, số hóa các thủ tục hành chính tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao, áp dụng biện pháp trồng rừng thâm canh gỗ lớn, gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững, mã số vùng trồng, không khai thác rừng non
- Tuyên truyền, vận động các chủ rừng sử dụng giống có năng suất, chất lượng, cao, áp dụng biện pháp trồng rừng thâm canh gỗ lớn, gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững, mã số vùng trồng, không khai thác rừng non.
(Kế hoạch chi tiết tại Phụ biểu kèm theo)
Trong quá trình thực hiện, nếu có những khó khăn, vướng mắc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ động báo cáo Bộ trưởng để xem xét, quyết định./.
PHỤ LỤC:
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
THỰC HIỆN THÔNG BÁO SỐ 167/TB-VPCP NGÀY 01 THÁNG 5 NĂM 2023 CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ VỀ KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI LĨNH VỰC SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU LÂM SẢN CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3014/QĐ-BNN-LN ngày 27/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
| Nội dung hoạt động | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Sản phẩm | Thời gian |
1 | Xây dựng và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan | ||||
1.1 | Rà soát các văn bản hướng dẫn Luật Lâm nghiệp liên quan đến lĩnh vực chế biến gỗ và thương mại lâm sản | Cục Lâm nghiệp | Các đơn vị liên quan | Báo cáo kết quả rà soát | Hàng năm |
1.2 | Hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp | Cục Lâm nghiệp | Các đơn vị liên quan | Nghị định được ban hành | 2023 |
1.3 | Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam | Cục Kiểm lâm | Các đơn vị liên quan | Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung và ban hành | 2023 |
1.4 | Đề xuất cơ chế, chính sách đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực lâm sản thuộc thẩm quyền của Bộ | Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường | Các đơn vị liên quan | Các cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực lâm sản được cấp có thẩm quyền ban hành | 2023 |
1.5 | Rà soát, cập nhật, bổ sung Danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam tại Quyết định số 2752/QĐ-BNN-TCLN ngày 20/7/2022 | Cục Kiểm lâm | Các đơn vị liên quan | Quyết định số 2752/QĐ-BNN-TCLN được cập nhật, bổ sung Danh mục và ban hành | 2023 |
1.6 | Xây dựng và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững | Cục Lâm nghiệp | Các đơn vị liên quan | Thông tư số 28/2018/TT- BNNPTNT được sửa đổi, bổ sung và ban hành | 2023 |
1.7 | Xây dựng và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi: Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về Quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản; Thông tư số 21/2021/TT -BNNPTNT ngày 29/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ | Cục Kiểm lâm | Các đơn vị liên quan | Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT và Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT được ban hành | 2023-2025 |
2 | Thúc đẩy sản xuất gỗ nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu lâm sản tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân | ||||
2.1 | Xây dựng hướng dẫn cấp mã số vùng trồng đối với rừng trồng sản xuất | Cục Lâm nghiệp | Các đơn vị liên quan | Hướng dẫn tạm thời cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành | 2023-2024 |
2.2 | Xây dựng mô hình thí điểm cấp mã số vùng trồng cho rừng trồng sản xuất tại một số tỉnh miền núi phía bắc, tổng kết, nhân diện rộng | Cục Lâm nghiệp | Các đơn vị liên quan | Dự kiến có 5 mô hình, với quy mô khoảng 10 nghìn ha/mô hình tại một số tỉnh miền núi phía Bắc | 2023-2025 |
2.3 | Thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ | Cục Lâm nghiệp | Các đơn vị liên quan | - Bộ ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Đề án | 2023-2025 |
2.4 | Thúc đẩy thực hiện Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng theo Quyết định 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ | Cục Lâm nghiệp | Các đơn vị liên quan | Đến năm 2023 có thêm 90 nghìn ha đạt chứng chỉ, đến năm 2025 đạt 500 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững | 2023-2025 |
2.5 | Xây dựng Đề án phát triển trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn | Cục Lâm nghiệp | Các đơn vị liên quan | Đề án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và tổ chức thực hiện | 2023 |
2.6 | Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh sử dụng giống cây mới có năng suất và chất lượng cao | Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam | Cục Lâm nghiệp | Phát triển được 10 giống mới chọn tạo vào sản xuất ở một số tỉnh thuộc các vùng trồng rừng trọng điểm, tỷ lệ sử dụng giống mới đạt ít nhất 20% diện tích trồng rừng. | 2023-2025 |
3 | Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường | ||||
3.1 | Tổ chức diễn đàn, hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến gỗ và thương mại lâm sản, thu hút đầu tư cho các vùng trọng điểm | Cục Lâm nghiệp | Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam; các doanh nghiệp chế biến gỗ | Diễn đàn, hội nghị được tổ chức | Hàng năm |
3.2 | Xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực của Việt Nam | Cục Lâm nghiệp | Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam; các doanh nghiệp chế biến gỗ | Nhãn hiệu chứng nhận cho một số sản phẩm gỗ Việt Nam được Cục Sở hữu trí tuệ và hệ thống vận hành cấp giấy chứng nhận | 2023-2025 |
3.3 | Tham gia các cuộc kết nối thị trường trong nước và ngoài nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài; cung cấp thông tin về thị trường, thông tin về thay đổi chiến lược, cơ chế chính sách, thể chế của các nước do với Bộ Ngoại Giao tổ chức | Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường | Cục Lâm nghiệp | Các cuộc kết nối thị trường được thực hiện | Theo Kế hoạch của Bộ Ngoại Giao |
3.4 | Hỗ trợ các hiệp hội tổ chức hiệu quả các hội chợ triển lãm về đồ gỗ nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại | Cục Lâm nghiệp | Các đơn vị liên quan | Các hội chợ triển lãm đồ gỗ do các hiệp hội tổ chức được hỗ trợ tổ chức thực hiện” | Hàng năm |
3.5 | Xây dựng Hướng dẫn về gỗ hợp pháp Việt Nam | Cục Lâm nghiệp | Các đơn vị liên quan | “Hướng dẫn về gỗ hợp pháp Việt Nam theo quy định của APEC” | 2024 |
3.6 | Xây dựng Hướng dẫn xuất khẩu sản phẩm gỗ sang một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam | Cục Lâm nghiệp | Các đơn vị liên quan | Hướng dẫn xuất khẩu sản phẩm gỗ sang một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam | 2024 |
3.7 | Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc lâm sản | Cục Kiểm lâm | Các cơ quan chức năng có liên quan, các địa phương | Các cuộc kiểm tra được thực hiện | Hàng năm |
3.8 | Phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công thương tổ chức kiểm tra nhằm ngăn chặn, chống gian lận xuất xứ hàng hóa và chuyển tải bất hợp pháp | Cục Lâm nghiệp | Các đơn vị, địa phương liên quan | Các cuộc kiểm tra được thực hiện | Theo kế hoạch của Bộ Công Thương |
4 | Chuyển đổi số và đổi mới khoa học công nghệ | ||||
4.1 | Rà soát và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hài hòa với quốc tế | Cục Lâm nghiệp | Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường | Xác định và ban hành các các tiêu chuẩn quy chuẩn còn thiếu trong quản lý ngành chế biến lâm sản hài hòa với tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế | Hàng năm |
4.2 | Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về ngành công nghiệp chế biến gỗ | Cục Lâm nghiệp | Các địa phương | Dữ liệu thông tin về cơ sở chế biến gỗ được tích hợp vào hệ thống thông tin quản lý ngành nghiệp | 2024 |
4.3 | Xây dựng cơ sở dữ liệu vi phạm pháp luật | Cục Kiểm lâm | Các đơn vị liên quan | Hệ thống cơ sở dữ liệu vi phạm pháp luật về lâm nghiệp được vận hành | 2023-2025 |
4.4 | Xây dựng Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp | Cục Kiểm lâm | Các đơn vị liên quan | Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp được vận hành | 2024-2025 |
4.5 | Hệ thống cơ sở dữ liệu cấp giấy phép FLEGT | Cục Kiểm lâm | Các đơn vị liên quan | Hệ thống cơ sở dữ liệu cấp giấy phép FLEGT được vận hành | 2024-2025 |
4.6 | Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản | Cục Kiểm lâm | Các đơn vị liên quan | Cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản được vận hành | 2024-2025 |
4.7 | Xây dựng cơ sở dữ liệu của hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia | Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững và các đơn vị liên quan | Cục Lâm nghiệp | Dữ liệu về rừng được cấp chứng chỉ theo hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia VFSC | 2024 |
5 | Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản | ||||
5.1 | Đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; phát triển dịch vụ logitic, công nghệ cao trong ngành chế biến lâm sản | Cục Lâm nghiệp | Vụ kế hoạch | Chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, dịch vụ logitic, công nghệ cao trong ngành chế biến lâm sản được ban hành | Theo Kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
5.2 | Đề xuất chính sách đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất chuyên canh, chuyên nghiệp, quy mô lớn. | Cục Lâm nghiệp | Các cơ quan liên quan | Chính sách đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất chuyên canh, chuyên nghiệp, quy mô lớn được ban hành | Theo Kế hoạch Bộ Tài nguyên và Môi trường |
5.3 | Đề xuất chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trong đó có công nhân ngành sản xuất, chế biến lâm sản | Cục Lâm nghiệp | Các cơ quan liên quan | Chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất được ban hành | Theo kế hoạch của Bộ Xây dựng |
5.4 | Cắt giảm thủ tục hành chính, số hóa các thủ tục hành chính tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư trồng rừng, chế biến lâm sản | Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW | Các cơ quan liên quan | Báo cáo đề xuất UBND cắt giảm, số hóa các thủ tục hành chính tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp trong trồng rừng, chế biến lâm sản | Hàng năm |
5.5 | Rà soát chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài trồng rừng | Cục Lâm nghiệp | Các cơ quan liên quan | Báo cáo rà soát | 2024 |
5.6 | Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ về hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) | Cục Lâm nghiệp | Các đơn vị liên quan | Các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật được hoàn thuế giá trị gia tăng | Theo kế hoạch của Bộ Tài chính |
6 | Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật | ||||
6.1 | Xây dựng và thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao, áp dụng biện pháp trồng rừng thâm canh gỗ lớn, gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững, mã số vùng trồng, không khai thác rừng non | Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW | Các đơn vị liên quan | Kế hoạch được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành | Năm 2023 |
6.2 | Tập huấn cho các cơ sở chế biến gỗ và các bên liên quan về tiêu chuẩn chuỗi hành trình sản phẩm PEFC CoC | Viện Khoa học Lâm nghiệp (Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững) | Cục Lâm nghiệp | Mỗi năm có 5 lớp đào tạo về tiêu chuẩn chuỗi hành trình sản phẩm PEFC CoC cho các doanh nghiệp chế biến gỗ được thực hiện (30 học viên/lớp) | Hàng năm |
6.3 | Tổ chức đào tạo tập huấn cho chủ rừng và các bên liên quan thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng | Viện Khoa học Lâm nghiệp | Cục Lâm nghiệp | 10 lớp đào tạo, tập huấn/năm cho chủ rừng, cán bộ ngành lâm nghiệp được tổ chức thực hiện (30 học viên/lớp) | Hàng năm |
6.4 | Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc lâm sản | Cục Kiểm lâm | Các đơn vị liên quan | 10 lớp đào tạo, tập huấn/năm cho cán bộ ngành lâm nghiệp được tổ chức thực hiện (30 học viên/lớp) | Hàng năm |