BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1314/KL-ĐT V/v phúc đáp Văn bản số 56/HHG-VP ngày 23/10/2024 của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam | Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2024 |
Kính gửi: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam
Cục Kiểm lâm nhận được Văn bản số 56/HHG-VP ngày 23/10/2024 của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam về việc khó khăn, vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu, Cục Kiểm lâm có ý kiến như sau:
1. Về hồ sơ xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ
Tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 120/2024/NĐ-CP), quy định: “2. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với Ủy ban thực thi chung thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định này, Thủ tướng Chính phủ quyết định thời điểm thực hiện đối với quản lý gỗ xuất khẩu quy định tại Mục 2 Chương II, cấp giấy phép FLEGT quy định tại Mục 1 Chương IV Nghị định này.”.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chưa quyết định thời điểm thực hiện đối với quản lý gỗ xuất khẩu quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định số 102/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 120/2024/NĐ-CP). Vì vậy, hồ sơ gỗ xuất khẩu hiện nay thực hiện theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT).
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT) thì gỗ loài thực vật thông thường có nguồn gốc từ rừng trồng trong nước không thuộc đối tượng bắt buộc phải xác nhận Bảng kê lâm sản, cơ quan Kiểm lâm sở tại chỉ xác nhận khi có đề nghị của chủ lâm sản.
2. Về phân loại doanh nghiệp
Quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất gỗ (sau đây viết tắt là Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT), có hiệu lực từ ngày 01/5/2022. Hiện nay toàn quốc đã có 16 tỉnh thực hiện phân loại với 194 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được phân loại doanh nghiệp Nhóm I, thông tin doanh nghiệp Nhóm I được Cục Kiểm lâm tổng hợp và đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử: www.kiemlam.org.vn.
Tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2024/NĐ-CP ngày 30/9/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP (sau đây viết tắt là Nghị định số 120/2024/NĐ-CP), quy định: “2. Quy định phân loại doanh nghiệp đối với đối tượng ngoài doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ tại Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 18 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành”.
Theo đó, các đối tượng doanh nghiệp mở rộng tại Nghị định số 120/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 16/3/2026. Hiện nay, Cục Kiểm lâm đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT để hướng dẫn phân loại doanh nghiệp phù hợp với các đối tượng theo quy định tại Nghị định số 120/2024/NĐ-CP.
3. Về tuân thủ hồ sơ nguồn gốc gỗ rừng trồng trong nước khi xuất khẩu
Tại khoản 2 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), quy định: “2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.”.
Theo đó, khi quy định về quản lý gỗ xuất khẩu quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định số 102/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 120/2024/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành thì việc xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 120/2024/NĐ-CP).
Cục Kiểm lâm đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng, thực hiện theo quy định pháp luật./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |