Open navigation

Công văn 4904/TCT-CS Chính sách thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn


BỘ TÀI CHÍNH

TỔNG CỤC THUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số:  4904 / TCT - CS 

V/v chính sách thuế.

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2015


Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Hưng Yên.


Trả lời công văn số  2827 / CT - KTT2  ngày 28/9/2015 của Cục Thuế tỉnh Hưng Yên đề nghị hướng dẫn về giá vốn chuyển nhượng của Công ty Cổ phần Huyndai Aluminum ViNa, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:


- Tại tiết a, khoản 2, Điều 14 Thông tư số  123 / 2012 / TT - BTC  ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính về xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn quy định:


“a) Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định:


Thu nhập tính thuế =Giá chuyển nhượng -Giá mua của phần vốn chuyển nhượng Chi phí chuyển nhượng

Trong đó:

     …

- Giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định đối với từng trường hợp như sau:


+ Nếu là chuyển nhượng vốn góp thành lập doanh nghiệp là giá trị phần vốn góp trên cơ sở sổ sách, hồ sơ, chứng từ kế toán tại thời điểm chuyển nhượng vốn và được các bên tham gia đầu tư vốn hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh xác nhận, hoặc kết quả kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.


+ Nếu là phần vốn do mua lại thì giá mua là giá trị vốn tại thời điểm mua, Giá mua được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp, chứng từ thanh toán


Trường hợp doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng ngoại tệ (đã được Bộ Tài chính chấp thuận) có chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng và giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định bằng đồng ngoại tệ; Trường hợp doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng Việt Nam có chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng phải được xác định bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm chuyển nhượng”.


- Tại Điều 4 Thông tư số  244 / 2009 / TT - BTC  ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính quy định:

“Điều 4. Đơn vị tiền tệ trong kế toán


“Đơn vị tiền tệ trong kế toán” là Đồng Việt Nam (Ký hiệu quốc gia là “đ”; Ký hiệu quốc tế là “VND”) được dùng để ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ thì được chọn một loại ngoại tệ do Bộ Tài chính quy định làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính.”


Căn cứ theo các quy định nêu trên và theo báo cáo tại công văn số  476 / CT - KT2  ngày 14/2/2015 của Cục thuế thì đơn vị tiền tệ Công ty CP Huyndai Aluminum Vina sử dụng trong hạch toán kế toán là Đồng Việt Nam. Do đó khi phát sinh nghiệp vụ góp vốn của các bên bằng ngoại tệ thì Công ty phải thực hiện quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá tương ứng tại từng thời điểm góp vốn và giá trị phần vốn góp đã được quy đổi ra đồng Việt Nam được phản ánh trên sổ sách, hồ sơ, chứng từ kế toán của Công ty CP Huyndai Aluminum Vina được làm căn cứ xác định giá mua của phần vốn chuyển nhượng (khi chuyển nhượng vốn).


Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế tỉnh Hưng Yên được biết./.



Nơi nhận:

  • Như trên;

  • Vụ PC - TCT;

  • Lưu: VT, CS (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG 

PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG


Cao Anh Tuấn

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.