TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21841/CT-TTHT | Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 2019 |
Kính gửi: Công ty TNHH điện Stanley Việt Nam
(Đ/c: Xã
Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội)
MST:
0100114515
Trả lời công văn số 0404/CV đề ngày 04/04/2019 của Công ty TNHH điện Stanley Việt Nam (sau đây gọi tắt là công ty) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp:
“Điều 4. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:
“Điều 6. Các khoản chỉ được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
...2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.2. Chi khấu hao tài sản cố định thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Riêng tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo, dạy nghề, thư viện, nhà trẻ, khu thể thao và các thiết bị, nội thất đủ điều kiện là tài sản cố định lắp đặt trong các công trình nêu trên; bể chứa nước sạch, nhà để xe; xe đưa đón người lao động, nhà ở trực tiếp cho người lao động; chi phí xây dựng cơ sở vật chất, chi phí mua sắm máy, thiết bị là tài sản cố định dùng để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
…”
- Căn cứ Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định:
+ Tại Khoản 1 Điều 3 quy định về tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định hữu hình:
“1. Tư liệu lao động là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thỏa mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:
a) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
b) Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;
c) Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên.
…”
+ Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 6 quy định về phân loại tài sản cố định của doanh nghiệp:
“1. Tài sản cố định dùng cho mục đích kinh doanh là những tài sản cố định do doanh nghiệp quản lý, sử dụng cho các mục đích kinh doanh của doanh nghiệp.
...2. Tài sản cố định dùng cho mục đích phúc lợi, sự nghiệp, an ninh, quốc phòng là những tài sản cố định do doanh nghiệp quản lý sử dụng cho các mục đích phúc lợi, sự nghiệp, an ninh, quốc phòng trong doanh nghiệp. Các tài sản cố định này cũng được phân loại theo quy định tại điểm 1 nêu trên.”
+ Tại Điều 9 quy định về nguyên tắc trích khấu hao TSCĐ:
“1. Tất cả TSCĐ hiện có của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao, trừ những TSCĐ sau đây:
...- TSCĐ sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ người lao động của doanh nghiệp (trừ các TSCĐ phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, nhà để xe, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, xe đưa đón người lao động, cơ sở đào tạo, dạy nghề, nhà ở cho người lao động do doanh nghiệp đầu tư xây dựng).
...2. Các khoản chi phí khấu hao tài sản cố định được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
3. Trường hợp TSCĐ sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ cho người lao động của doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này có tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp căn cứ vào thời gian và tính chất sử dụng các tài sản cố định này để thực hiện tính và trích khấu hao vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý để theo dõi, quản lý.
- Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 147/2016/TT-BTC ngày 13/10/2016 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25 tháng 4 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định như sau:
...2. Điểm a Khoản 1 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Đối với tài sản cố định hữu hình, doanh nghiệp phân loại như sau:
Loại 1: Nhà cửa, vật kiến trúc: là tài sản cố định của doanh nghiệp được hình thành sau quá trình thi công xây dựng như trụ sở làm việc, nhà kho, hàng rào, tháp nước, sân bãi, các công trình trang trí cho nhà cửa, đường xá, cầu cống, đường sắt, đường băng sân bay, cầu tầu, cầu cảng, ụ triền đà.
…”
Căn cứ quy định trên, trường hợp năm 2019 công ty xây dựng khu thể thao phục vụ cho người lao động làm việc tại công ty nếu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về TSCĐ quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính và quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính thì công ty được trích khấu hao TSCĐ và tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Về nhận biết TSCĐ hữu hình và phân loại TSCĐ hữu hình dùng cho mục đích phúc lợi, đề nghị công ty nghiên cứu và thực hiện theo hướng dẫn.tại Khoản 1 Điều 3, Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 45/2013/TT-BTC , Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 147/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Trường hợp Công ty còn vướng mắc, đề nghị Công ty liên hệ với Phòng Thanh tra- Kiểm tra số 2 để được hướng dẫn cụ thể.
Cục thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH điện Stanley Việt Nam biết và thực hiện./.
| CỤC TRƯỞNG |