BỘ XÂY DỰNG ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 05/VBHN-BXD | Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2019 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN XUẤT KHẨU KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Thông tư số 05/2018/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng, có hiệu lực từ ngày 29 tháng 6 năm 2018 được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 05/2019/TT-BXD ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung Phụ lục của Thông tư số 05/2018/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng;
Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH11 ban hành ngày 17/11/2010;
Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương;
Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP 17/07/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng;
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng1
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Thông tư này hướng dẫn các hoạt động liên quan đến việc xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu (quy định tại khoản 6 Điều 3 của Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng) và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (được quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Khoáng sản). Sau đây gọi chung là khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về thương mại tham gia xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại Việt Nam (trừ trường hợp đưa khoáng sản làm vật liệu xây dựng từ nội địa vào khu phi thuế quan hoặc khu vực hải quan riêng để xây dựng, sửa chữa và bảo dưỡng kết cấu công trình).
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
Chế biến khoáng sản là quá trình sử dụng riêng biệt hoặc kết hợp các phương pháp cơ- lý-hóa để làm thay đổi tính chất của khoáng sản sau khi khai thác nhằm tạo ra các sản phẩm có quy cách, chỉ tiêu kỹ thuật phù hợp với yêu cầu sử dụng và có giá trị thương mại cao hơn khoáng sản sau khai thác.
Đá khối là đá tự nhiên được khai thác từ các mỏ đá granit, đá gabro, đá bazan, đá quăczit, đá hoa, đá phiến, đá vôi, đá dolomit,... bằng phương pháp cắt dây kim cương hoặc cưa đĩa hoặc các phương pháp khác tại moong khai thác tạo ra sản phẩm có các mặt phẳng dạng khối và thể tích ≥ 0,5 m3.
Đá ốp lát là các loại đá được gia công cưa, xẻ, mài, đánh bóng hoặc không đánh bóng,... từ đá khối tự nhiên thành dạng tấm dùng để ốp, lát hoặc trang trí trong các công trình xây dựng.
Đá xây dựng là các loại đá tự nhiên thuộc danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được gia công đập, nghiền, phân loại hoặc đẽo, cắt, gọt theo kích thước dùng làm cốt liệu bê tông, kè bờ, xây móng, xây tường, lát vỉa hè, lòng đường.
Đá mỹ nghệ là các loại đá tự nhiên được khai thác từ các mỏ đá vôi, đá hoa, đá thạch anh, đá metacarbonat,... và chế tác thành các sản phẩm mỹ nghệ kích thước phi tiêu chuẩn như: phù điêu, tượng đá, trụ đá và lan can cầu thang, đèn trang trí, khung lăng mộ, tranh đá, hòn non bộ, đá quý,...
Điều 3. Danh mục, quy cách, chỉ tiêu kỹ thuật và nguồn gốc khoáng sản làm vật liệu xây dựng xuất khẩu
Danh mục, quy cách, chỉ tiêu kỹ thuật khoáng sản làm vật liệu xây dựng xuất khẩu tại Phụ lục I của Thông tư này (trừ khoáng sản tạm nhập - tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh).
Khoáng sản làm vật liệu xây dựng xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp theo quy định pháp luật về khoáng sản.
Trường hợp khoáng sản làm vật liệu xây dựng chuyển ra nước ngoài để phân tích, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ hoặc khoáng sản chưa có tên trong danh mục xuất khẩu, Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến hướng dẫn cụ thể khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
Điều 4. Hồ sơ xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng
Hồ sơ xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan và pháp luật về quản lý ngoại thương.
Điều 5. Hiệu lực thi hành2
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2018 và thay thế Thông tư số 04/2012/TT-BXD ngày 20 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện
Bộ Xây dựng có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện Thông tư này; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành pháp luật trong hoạt động xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở các địa phương.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản phải lập báo cáo định kỳ hàng năm (hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền) gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu) theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này trước ngày 15 tháng 01 hàng năm; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 30 tháng 01 hàng năm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Xây dựng để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
Cổng TTĐT Chính phủ (để đăng tải);
Trung tâm thông tin của Bộ Xây dựng (để đăng lên Trang thông tin điện tử);
Lưu: VT, PC, Vụ VLXD.