BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5132/TCT-CS | Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2017 |
Kính gửi: Ông Philippe Jean Broianigo - Tổng Giám đốc tập đoàn Central tại Việt Nam thay mặt và đại diện cho các Công ty Big C tại Việt Nam.
(Đ/c: Số 1231, Quốc lộ 1A,
Quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh)
Trả lời văn bản số 08092017/CV ngày 08/09/2017 của Ông Philippe Jean Broianigo - Tổng Giám đốc tập đoàn Central tại Việt Nam thay mặt và đại diện cho các Công ty Big C tại Việt Nam về việc phí sử dụng thương hiệu Big C và hợp đồng li-xăng nhãn hiệu thứ cấp theo công văn số 10146/VPCP-ĐMDN ngày 23/9/2017 của Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Căn cứ Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế nhà thầu;
Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) quy định về khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN:
“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.”
Tại điểm 2 công văn số 655/BCT-TTTN ngày 20/01/2016 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn hợp đồng Lixăng thương hiệu thứ cấp và nhượng quyền thương mại nhãn hiệu Big C có nêu:
“2. Để nhãn hiệu Big C được sử dụng hợp pháp ở Việt Nam theo phương thức nhượng quyền thương mại thì Bên nhượng quyền ban đầu (Big C Supercenter Public Company Limited - chủ sở hữu nhãn hiệu Big C) hoặc Bên nhượng quyền thứ cấp (sau khi được sự cho phép của Bên nhượng quyền ban đầu) phải làm thủ tục để được Bộ Công Thương xem xét chấp thuận đăng ký hoạt động nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/03/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại; Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16/12/2011 sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại; và Thông tư số 09/2006/TT-BTM ngày 25/05/2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại”.
Căn cứ các quy định trên và theo trình bày của Công ty TNHH TMDV siêu thị Big C An Lạc (Công ty EBA), trường hợp ngày 01/01/2008, Công ty EBA ký Hợp đồng li-xăng thứ cấp với Công ty Cavi Retail Limited (Hồng Kông) để được sử dụng nhãn hiệu Big C tại các cơ sở bán lẻ tại Việt Nam. Công ty Cavi Retail Limited được chủ sở hữu nhãn hiệu này là Công ty Big C Supercenter Public Company Limited (Big C Thái Lan) cấp quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu Big C tại Việt Nam và quyền cấp quyền sử dụng nhãn hiệu này cho các cơ sở kinh doanh thứ cấp tại Việt Nam thì Hợp đồng Li-xăng thứ cấp giữa Công ty Cavi Retail Limited và Công ty EBA phải đăng ký và được sự chấp thuận của Bộ Công Thương mới đảm bảo giá trị pháp lý tại Việt Nam theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Vì vậy, khi Hợp đồng Li-xăng thứ cấp nêu trên chưa đăng ký và chưa được sự chấp thuận của Bộ Công Thương để đảm bảo giá trị pháp lý tại Việt Nam theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành thì các khoản chi phí sử dụng thương hiệu Big C mà Công ty EBA chi trả cho Công ty Cavi Retail Limited không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của Công ty EBA.
Tổng cục Thuế trả lời để Ông Philippe Jean Broianigo biết./.
Nơi nhận: | TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |