Open navigation

Công văn 3837/BTTTT-TTĐN ngày 16/09/2024 Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch công tác thông tin đối ngoại năm 2025

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________________

Số: 3837/BTTTT-TTĐN

V/v hướng dẫn xây dựng Kế hoạch công tác thông tin đối ngoại năm 2025

Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2024

 Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 15/6/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, sau một năm triển khai thực hiện Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị, công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả tích cực: thông tin đối ngoại đã từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, đa dạng hóa các phương thức theo phương châm của Kết luận số 57-KL/TW “chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”. Thông tin tích cực giữ vai trò chủ đạo. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam đang không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Bên cạnh những thuận lợi, công tác thông tin đối ngoại cũng đứng trước những thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề vượt ngoài dự báo. Trong nước, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Trong bối cảnh đó, công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) cần tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Chính trị, Chính phủ đã chỉ đạo tại Kết luận số 57-KL/TW, Nghị quyết số 47/NQ-CP. Căn cứ Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động TTĐN; Thông tư số 22/2016/TT-BTTTT ngày 19/10/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) hướng dẫn quản lý hoạt động TTĐN của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ TTTT hướng dẫn triển khai công tác TTĐN năm 2025, gồm các nội dung như sau:

1. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15 tháng 6 năm 2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTĐN trong tình hình mới, tập trung một số nhiệm vụ sau:

1.1. Triển khai công văn số 1578/BTTTT-TTĐN ngày 25/4/2024 của Bộ TTTT hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 của Chính phủ, với trọng tâm năm 2025:

- Bố trí ít nhất 01 vị trí việc làm chuyên trách về TTĐN

- Triển khai thực hiện các hoạt động TTĐN trên không gian mạng, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm TTĐN. Đồng thời, đổi mới cách làm theo hướng đo được hiệu quả.

- Phối hợp với Bộ TTTT xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 7/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động TTĐN.

1.2. Triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ TTĐN cho các đối tượng cán bộ quản lý cấp tỉnh, huyện, xã; cán bộ phụ trách công tác TTĐN, các sở, ban, ngành trong Ban Chỉ đạo công tác TTĐN cấp tỉnh, huyện; các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp, tổ chức tham gia hoạt động TTĐN, nhằm nâng cao nhận thức rõ về vai trò, vị trí của công tác TTĐN là bộ phận quan trọng trong công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; gắn việc triển khai công tác TTĐN với các mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ phát triển đất nước đã đề ra tại Nghị quyết XIII của Đảng (Khung chương trình và tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ TTĐN tại Quyết định số 858a/QĐ-TBDCB ngày 3/11/2023 và Quyết định số 965/QĐ-TBDCB ngày 8/12/2023 của Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông, Bộ TTTT).

1.3. Tổ chức theo dõi và tổng hợp dư luận báo chí trong và ngoài nước về tình hình tỉnh, thành phố; chủ động triển khai các biện pháp thông tin, tuyên truyền, TTĐN để bảo vệ và nâng cao uy tín, hình ảnh của tỉnh, thành phố, trong đó, tập trung triển khai tuyên truyền, TTĐN giải thích, làm rõ, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch trên không gian mạng và các nền tảng xã hội.

1.4. Khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội hóa trong các hoạt động TTĐN, thiết lập cụm thông tin điện tử tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền, cảng biển và cảng hàng không quốc tế, trung tâm giao thương phục vụ công tác quảng bá quốc gia, hình ảnh tỉnh, thành phố.

2. Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý công tác TTĐN

Đề nghị các địa phương tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý hoạt động TTĐN trên địa bàn tỉnh, thành phố. Đến ngày 30/6/2024, hiện còn 6 tỉnh, gồm: Đồng Tháp, Long An, Thanh Hóa, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, chưa ban hành Quy chế quản lý hoạt động TTĐN căn cứ theo Nghị định số 72/2015/NĐ-CP và Thông tư số 22/2016/TT-BTTTT.

3. Triển khai thực hiện Quyết định số 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực công tác thông tin tuyên truyền và TTĐN góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, và các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về lĩnh vực TTĐN:

3.1. Đối với nhiệm vụ “Thực hiện TTĐN vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực công tác thông tin tuyên truyền và TTĐN góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” của Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 10 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025: đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở TTTT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BTTTT ngày 30/5/2023 của Bộ TTTT hướng dẫn thực hiện một số nội dung về TTTT trong Tiểu dự án 1 và Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 10 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; tránh tình trạng chỉ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, không bảo đảm hiệu quả Chương trình MTQG.

3.2. Đối với nhiệm vụ “Thiết lập các cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu biên giới và cung cấp nội dung thông tin phục vụ tuyên truyền ở các xã biên giới” tại Điều 4, Thông tư số 06/2022/TT-BTTTT của Bộ TTTT hướng dẫn thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025: đề nghị các địa phương đã thực hiện nhiệm vụ, triển khai xây dựng Quy chế phối hợp quản lý, vận hành cụm thông tin điện tử theo biểu mẫu Phụ lục 01 của Thông tư; sản xuất nội dung đăng phát trên cụm thông tin điện tử; khai thác ảnh, video và trang địa phương trên Cổng TTĐN vietnam.vn để đăng phát trên cụm thông tin điện tử.

3.3. Phối hợp với Bộ TTTT triển khai sơ kết 05 năm thực hiện Quyết định số 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

4. Triển khai Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam: đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở TTTT:

4.1. Chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, triển khai xây dựng truyền thông về quyền con người trên địa bàn tỉnh, thành phố năm 2025, đưa vào Kế hoạch công tác TTĐN hằng năm của địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt và cấp kinh phí triển khai thực hiện.

4.2. Phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy, Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh triển khai hướng dẫn của Bộ TTTT tại Công văn số 1531/BTTTT-TTĐN ngày 22/4/2024 về việc cung cấp thông tin phục vụ Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và TTĐN tỉnh, thành phố. Năm 2025, Bộ TTTT triển khai đánh giá hiệu quả Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và TTĐN tại một số địa phương.

5. Căn cứ Chương trình phối hợp số 922/CTPH-BTTTT-UBDT ngày 04/6/2024, giữa Bộ TTTT và Ủy ban Dân tộc trong công tác dân tộc về lĩnh vực TTTT: đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (đối với các tỉnh có Ban Dân tộc) chỉ đạo Sở TTTT chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc triển khai ký kết chương trình phối hợp cấp tỉnh (Chương trình phối hợp gửi kèm theo) phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

6. Về công tác truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia: đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:

6.1. Chỉ đạo Sở TTTT tiếp tục tham khảo Công văn số 532/BTTTT-TTĐN ngày 21/2/2022 về việc hướng dẫn thí điểm truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài và Công văn số 765/BTTTT-TTĐN ngày 10/3/2023 về việc thúc đẩy công tác truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài theo cách làm mới, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan để tham mưu, xây dựng kế hoạch, hoạt động quảng bá hình ảnh tỉnh, thành phố cho phù hợp.

6.2. Tiếp tục phối hợp với Bộ TTTT quảng bá hình ảnh địa phương trên Cổng Vietnam.vn; cập nhật thông tin các sự kiện quan trọng của địa phương trên Cổng Vietnam.vn hình thành bản đồ sự kiện toàn quốc; phối hợp tổ chức triển lãm cuộc thi ảnh và video “Vietnam hạnh phúc - Happy Việt Nam năm 2025” trên địa bàn các địa phương nhằm đẩy mạnh truyền thông về quyền con người, quảng bá hình ảnh quốc gia và tỉnh, thành phố (Bộ TTTT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể).

6.3. Tăng cường mời các phóng viên trong nước, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông, phóng viên nước ngoài thực hiện các sản phẩm truyền thông giới thiệu, quảng bá hình ảnh của tỉnh, thành phố.

6.4. Phối hợp với Bộ TTTT sử dụng, khai thác các KOLs trong các chiến dịch quảng bá hình ảnh quốc gia, tỉnh, thành phố.

7. Chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo, các ngày lễ lớn năm 2025

7.1. Công tác tuyên truyền, TTĐN bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo, tập trung các nội dung sau:

- Tuyên truyền, TTĐN về kết quả thực thi 3 văn kiện pháp lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; các văn bản pháp lý liên quan đến biên giới Việt Nam - Lào; thành quả phân giới cắm mốc (khoảng 84%) đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, đoàn kết truyền thống giữa Việt Nam với các quốc gia có chung đường biên giới.

- Nâng cao nhận thức người dân, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc thiểu số về công tác xây dựng và bảo vệ biên giới trên đất liền, nhận diện được hoạt động của các loại tội phạm đang diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất, nhập cảnh trái phép, ma túy.

Đẩy mạnh tuyên truyền, TTĐN những chứng cứ lịch sử, pháp lý, thực tiễn khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển; quan điểm của Đảng ta về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982...

Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, TTĐN; tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các lực lượng chức năng, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt, ngư dân 28 tỉnh ven biển, đối với công tác chống khai thác IUU nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản, bảo vệ uy tín hình ảnh quốc gia.

- Chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình, triển khai các biện pháp tuyên truyền, TTĐN, giải thích, làm rõ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo. Giải thích, làm rõ, phản bác, đấu tranh hiệu quả với hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội ở trong và ngoài nước âm mưu lợi dụng các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo Việt Nam làm tổn hại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

- Lồng ghép TTĐN với các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch... đặc biệt là các hoạt động giao lưu biên phòng, giao lưu hữu nghị nhân dân, giao lưu giữa các đoàn thể xã hội, nhất là thế hệ trẻ giữa các địa phương biên giới nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, góp phần củng cố nền tảng hữu nghị vững chắc cho quan hệ Việt Nam với các nước láng giềng tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định.

7.2. Triển khai các hoạt động tuyên truyền, TTĐN các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2025 theo kết luận của Ban Bí thư, gồm 05 sự kiện kỷ niệm lớn: kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2025); 135 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2025); 80 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025); đặc biệt là kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).

8. Đối các các nhiệm vụ cụ thể khác, Bộ TTTT sẽ có văn bản hướng dẫn riêng.

Trên cơ sở hướng dẫn này, căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở TTTT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xây dựng Kế hoạch công tác TTĐN năm 2025 (Kế hoạch kèm theo Phụ lục nhiệm vụ và kinh phí thực hiện) và bố trí kinh phí triển khai thực hiện công tác TTĐN năm 2025.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phản ánh về Bộ TTTT (Cục TTĐN số 115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội, ĐT: 04. 37676666, máy lẻ 118, Fax: 04 37675959) để kịp thời có hướng dẫn.

Trân trọng./.

 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm;
- Sở TTTT các tỉnh, thành phố;
 - Lưu: VT, TTĐN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




 Nguyễn Thanh Lâm

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.