Open navigation

Công văn 16/CT-TTg Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số:  16 / CT - TTg 

Hà Nội, ngày 08 tháng 07 năm 2015


CHỈ THỊ


VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ  13 - NQ / TW  NGÀY 16 THÁNG 01 NĂM 2012 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA XI VỀ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ NHẰM ĐƯA NƯỚC TA CƠ BẢN TRỞ THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI VÀO NĂM 2020


Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số  13 - NQ / TW  ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” (sau đây gọi là Nghị quyết số  13 - NQ / TW ), đến nay đã đạt được những kết quả tích cực. Nghị quyết đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đạt được nhiều thành tựu rõ nét trong phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.


Các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển kết cấu hạ tầng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã và đang được khẩn trương xây dựng, hoàn thiện theo Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số  16 / NQ - CP  ngày 08 tháng 6 năm 2012 (sau đây gọi là Nghị quyết số  16 / NQ - CP ).


Một số công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và quốc tế; các tuyến đường đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển... đang được đẩy nhanh tiến độ thi công; hạ tầng giao thông ở các vùng kinh tế trọng điểm được ưu tiên bố trí vốn đầu tư để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.


Hạ tầng năng lượng đã được đầu tư, tăng thêm năng lực cho hệ thống năng lượng quốc gia, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển. Hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhiều công trình hạ tầng các đô thị được đầu tư, tạo sự chuyển biến trong phát triển kết cấu hạ tầng tại các đô thị lớn.


Hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư xây dựng hiện đại, rộng khắp, kết nối với quốc tế và từng bước hình thành siêu xa lộ thông tin. Hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện. Hạ tầng y tế đang được khẩn trương đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Các công trình kết cấu hạ tầng để xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đã thực sự phát huy tác dụng, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống nhân dân được nâng lên.


Nhiều hình thức thu hút đầu tư từ xã hội đã được thực hiện, tăng thêm nguồn lực cho phát triển hạ tầng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số  13 - NQ / TW  và Nghị quyết số  16 / NQ - CP  vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chưa bao quát đầy đủ các hình thức, các mô hình mới về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Khả năng tích lũy và đầu tư của nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư cho các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm; Công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn trong triển khai các dự án đầu tư phát triển, nhất là ở các khu vực đô thị; Công tác duy tu, bảo dưỡng chưa được quan tâm kịp thời, đúng mức, làm hạn chế hiệu quả tổng thể của toàn bộ công trình; Công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông trong thi công các công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt tại các đô thị, khu vực đông dân cư còn nhiều bất cập; Việc tính toán tác động của biến đổi khí hậu trong xây dựng kết cấu hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là đối với các dự án chống ngập cho các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; Công tác kiểm tra giám sát, năng lực của các nhà đầu tư, của tư vấn thiết kế đối với một số dự án còn bất cập...


Để tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết số  13 - NQ / TW , Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, thực hiện đầy đủ các giải pháp đã nêu tại Nghị quyết, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:


  1. Về xây dựng thể chế


    • Các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thành xây dựng các văn bản Luật trong Chương trình hành động của Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số  16 / NQ - CP .


    • Các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, đảm bảo cân đối giữa nhu cầu và nguồn lực thực hiện, nâng cao tính khả thi của các quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2015 - 2016 để triển khai thực hiện.


  2. Về các nhiệm vụ cụ thể


    1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương:


      • Hướng dẫn thực hiện quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư; thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư dự án đang đầu tư bằng vốn đầu tư công; hồ sơ, thủ tục phê duyệt đề xuất dự án của nhà đầu tư; hồ sơ, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án; chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quy định tại Nghị định số  15 / 2015 / NĐ - CP  ngày 14 ngày 02 tháng 2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, ban hành trong quý IV năm 2015.


      • Nghiên cứu sửa đổi quy định về chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có nội dung đảm bảo việc duy tu, bảo trì các công trình kết cấu hạ tầng trong quá trình sử dụng, vận hành, khai thác.


      • Ưu tiên vốn ODA cho các dự án đặc biệt quan trọng cấp bách, không có khả năng thu hút vốn tư nhân. Sử dụng ODA là chất xúc tác để khơi thông các nguồn vốn tư nhân qua các mô hình PPP.

      • Nghiên cứu đánh giá tình hình huy động, sử dụng vốn từ khu vực tư nhân (bao gồm cả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) cho đầu tư kết cấu hạ tầng để thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết số  13 - NQ / TW  và Nghị quyết số  16 / NQ - CP , báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2015.


      • Tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số  16 / NQ - CP , định kỳ báo cáo và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cần thiết bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình.


    2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương:


      • Hướng dẫn xác định giá và phí sử dụng kết cấu hạ tầng theo cơ chế thị trường để thực hiện Nghị định số  130 / 2013 / NĐ - CP  ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2015.


      • Nghiên cứu đánh giá tình hình huy động, sử dụng vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng (theo các nguồn vốn: ngân sách nhà nước, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi, nguồn vốn từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và khai thác quỹ đất gắn liền với tài sản kết cấu hạ tầng) và dự kiến khả năng huy động vốn từ các nguồn trên để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng cho giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết số  13 - NQ / TW  và Nghị quyết số  16 / NQ - CP , báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2015.


      • Hướng dẫn sử dụng kinh phí chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ chế tài chính thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT; phương án tài chính của dự án; quyết toán công trình dự án và các vấn đề có liên quan khác thuộc thẩm quyền quy định tại Nghị định số  15 / 2015 / NĐ - CP  ngày 14 tháng 02 năm 2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, ban hành trong quý IV năm 2015.


    3. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương:


      • Xây dựng danh mục và đề xuất hình thức chuyển nhượng quyền khai thác, cho thuê các dự án, hạng mục kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2015.


      • Tập trung chỉ đạo hoàn thành đúng tiến độ đối với các công trình hạ tầng giao thông như nâng cấp quốc lộ, các tuyến đường cao tốc, cảng Lạch Huyện, đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh... để sớm đưa vào khai thác, sử dụng.


    4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương:


      • Tiếp tục rà soát, nghiên cứu điều chỉnh và hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là với các vùng khó khăn, vùng đặc thù nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn của các tiêu chí, đặc biệt là đối với các tiêu chí như thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, giáo dục, y tế để đảm bảo Chương trình nông thôn mới được thực hiện,mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao đời sống của người dân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2015.


      • Nghiên cứu cơ chế, chính sách xã hội hóa thu hút đầu tư vào hạ tầng thủy lợi, đặc biệt đối với các dự án chống ngập cho các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2015.


      • Xây dựng Nghị định về chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn, trình Chính phủ trong quý IV năm 2015.


    5. đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu đề án và các biện pháp, cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai năm 2013, giải quyết các vướng mắc thực tiễn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2016.


    6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tích cực thực hiện công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng.


  3. Về công tác đảm bảo an toàn trong các hoạt động thi công xây dựng và quản lý công trình: Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo để có các biện pháp hữu hiệu bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông trong thi công các công trình kết cấu hạ tầng./.



Nơi nhận:

  • Ban Bí thư Trung ương Đảng;

  • Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

  • Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

  • HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

  • Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

  • Văn phòng Tổng Bí thư;

  • Văn phòng Chủ tịch nước;

  • Văn phòng Quốc hội;

  • VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTTH, KGVX, NC, QHQT; V.III;

  • Lưu: VT, KTN (3b) pvc

THỦ TƯỚNG


Nguyễn Tấn Dũng

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.