Open navigation

Công văn 339/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về thực hiện Lộ trình SX, KD xăng E5


VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số:  339 / TB - VPCP 

    Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2015


THÔNG BÁO


KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP KIỂM ĐIỂM THỰC HIỆN LỘ TRÌNH SẢN XUẤT, KINH DOANH XĂNG E5


Ngày 13 tháng 10 năm 2015, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm thực hiện Lộ trình sản xuất, kinh doanh xăng E5 theo Quyết định số  53 / 2012 / QĐ - TTg  ngày 22 tháng 11 năm 2012 (Quyết định số 53) và Chỉ thị số  23 / CT - TTg  ngày 31 tháng 8 năm 2015 (Chỉ thị số 23) của Thủ tướng Chính phủ. Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ, cơ quan: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và Văn phòng Chính phủ; đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu; đại diện một số doanh nghiệp: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học miền Trung. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:

Việc thực hiện Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống (Lộ trình) có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường không khí, đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải nhà kính, góp phần tạo thu nhập bền vững hơn cho khu vực nông nghiệp và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhiều cơ chế, chính sách được các cấp có thẩm quyền ban hành để tạo thuận lợi và khuyến khích đưa xăng E5 vào sử dụng, bảo đảm thực hiện đạt mục tiêu Lộ trình đã đề ra.

Thời gian vừa qua, các Bộ, cơ quan, địa phương, thương nhân kinh doanh xăng dầu đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường sử dụng, phối trộn, phân phối xăng E5 theo Lộ trình quy định và đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác thông tin, tuyên truyền về xăng E5 đã được đẩy mạnh ở cả cấp quốc gia và địa phương giúp người tiêu dùng nhận thức và hiểu biết tốt hơn về những lợi ích, ưu điểm của việc sử dụng xăng E5. Quá trình phối trộn, vận chuyển, tồn trữ và phân phối xăng E5 đã bảo đảm các yêu cầu về an toàn, môi trường; các mẫu xăng E5 được cơ quan chức năng kiểm nghiệm đều đạt chất lượng theo quy định. Các địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng... đã đạt kết quả tích cực; các địa phương mục tiêu khác theo Quyết định số 53 đều đã ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện theo yêu cầu tại Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ; bên cạnh đó nhiều địa phương cũng đã chủ động thông tin, tuyên truyền và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để có thể triển khai phân phối xăng E5 theo đúng Lộ trình đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế: Kết quả mở rộng mạng lưới phân phối và sản lượng tiêu thụ xăng E5 tại một số địa phương mục tiêu theo Quyết định số 53 còn thấp; mặc dù nguồn cung xăng E5 hiện nay đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nhưng sự kết nối, hợp tác giữa các đơn vị cung ứng E100, phối trộn và phân phối xăng E5 còn lỏng lẻo, nếu không có sự đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung; cơ chế,

chính sách về giá, tài chính, thuế để tạo thuận lợi cho sản xuất, phân phối xăng E5 chưa thực sự phù hợp; các trạm trộn, phối chế xăng E5 mặc dù đã được tăng cường đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường; hoạt động kinh doanh xăng E5 của một số doanh nghiệp đầu mối còn bị lỗ nên chưa khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh phối trộn và bán xăng E5; hợp đồng của các nhà máy sản xuất E100 với các vùng nguyên liệu cần được thiết lập và bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Để tiếp tục thực hiện Lộ trình này theo mục tiêu, yêu cầu của Quyết định số 53 và Chỉ thị số 23, khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng yêu cầu:

  1. Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan, địa phương và thương nhân kinh doanh xăng dầu tiếp tục triển khai khẩn trương, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường sử dụng, phối trộn, phân phối xăng E5 theo đúng quy định tại Quyết định số 53 và Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ.

  2. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương, thương nhân kinh doanh xăng dầu:

  1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc sử dụng xăng E5 với các hình thức phù hợp, trong đó cần nêu rõ lợi ích và khẳng định chất lượng, kỹ thuật của xăng E5 (lưu ý thông tin kết quả kiểm tra chất lượng xăng E5 do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện vừa qua) để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

  2. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện việc mở rộng mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu có bán xăng E5 thuộc các địa phương, thương nhân kinh doanh xăng dầu, bảo đảm thực hiện có hiệu quả mục tiêu đã đề ra tại Chỉ thị số 23.

  3. Rà soát, làm việc cụ thể với các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, xác định rõ tiến độ, kế hoạch sản xuất, cung ứng E100 để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho phối trộn xăng E5.

  4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích làm rõ những vấn đề vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; đề xuất cơ chế, chính sách về giá, thuế, tài chính cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và khuyến khích sản xuất, phối trộn, phân phối xăng E5, bảo đảm lợi ích các bên liên quan; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 10 năm 2015.

đ) Tổ chức đánh giá 01 năm triển khai thực hiện Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống; báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương hướng điều hành thời gian tiếp theo trước ngày 15 tháng 11 năm 2015.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.



Nơi nhận:

  • Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;

  • Các Bộ: CT, TC, KHĐT, NNPTNT, KHCN;

  • UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu;

  • Các Tập đoàn: Dầu khí VN, Xăng Dầu VN;

  • Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh;

  • Công ty CP nhiên liệu sinh học miền Trung;

  • VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: KTN, KGVX, TKBT, TH; TGĐ Cổng TTĐT;

  • Lưu: VT, KTTH (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM 

PHÓ CHỦ NHIỆM


Nguyễn Sỹ Hiệp

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.