Open navigation

Công văn 6011/TCHQ-GSQL Ghi xuất xứ và dán nhãn phụ trên hàng hóa nhập khẩu


BỘ TÀI CHÍNH

TỔNG CỤC HẢI QUAN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 6011/TCHQ-GSQL

V/v ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2014


Kính gửi: - Bộ Khoa học và Công nghệ (Thanh tra, Tổng cục TCĐLCL);

- Bộ Công Thương (Cục Quản lý thị trường).

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính Phủ về nhãn hàng hóa và Thông tư 09/2007/TT-BKHCN ngày 6/4/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Hải quan nhận được phản ánh vướng mắc của Hải quan địa phương và doanh nghiệp liên quan đến việc ghi xuất xứ và dán nhãn phụ trên hàng hóa nhập khẩu. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:


  1. Một số vướng mắc:


    1. Về ghi nhãn hàng hóa


      Thực hiện Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính Phủ quy định về nhãn hàng hóa và các văn bản hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và các Vụ, Cục chức năng thuộc Tổng cục Hải quan tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm các quy định về dán nhãn hàng hóa theo quy định tại điểm e Khoản 5 Điều 14 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính Phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hành vi: "e) Nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam mà trên nhãn thể hiện chưa đúng, đủ những nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật", bị xử phạt với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng và buộc khắc phục các vi phạm về nhãn hàng hóa trước khi hàng hóa được thông quan.


      Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp và cơ quan hải quan, việc quy định về dán nhãn hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP nêu trên chỉ thực hiện trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông trên thị trường, không quy định phải dán nhãn phụ ngay khi làm thủ tục nhập khẩu khi nhãn gốc trên hàng hóa chưa đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật.


      Mặt khác, đối với các mặt hàng là linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp, thay thế; máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu để phục vụ sản xuất; (trường hợp di chuyển toàn bộ nhà máy đang hoạt động sang Việt Nam thì không thể có nhãn của nhà sản xuất ra máy móc thiết bị như trường hợp Công ty Intel, các Công ty Nhật Bản di chuyển máy móc tại Trung Quốc và các nước sang Việt Nam) hàng hóa không có bao bì, đóng gói hoặc do yêu cầu bảo quản vận chuyển không thể đảm bảo nguyên trạng nhãn trên sản phẩm,... Việc yêu cầu dán nhãn trên hàng hóa phải có đầy đủ các thông tin, nội dung cơ bản, cần thiết theo quy định tại Nghị định

      89/2006/NĐ-CP trên nhãn hàng hóa khi làm thủ tục hải quan gây nhiều khó khăn và trong một số trường hợp không thể thực hiện được.


      Điều này dẫn đến tranh chấp trong quá trình xử lý vi phạm và xác định hành vi vi phạm giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp.


    2. Về ghi xuất xứ:


      Căn cứ tại điều 17 Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính Phủ về nhãn hàng hóa và hướng dẫn tại Thông tư 09/2007/TT-BKHCN ngày 6/4/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ thì cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: "ghi "sản xuất tại" hoặc "chế tạo tại" hoặc "xuất xứ" kèm tên nước hay vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.


      Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế một số lô hàng nhập khẩu, cơ quan hải quan thấy rằng việc ghi xuất xứ bằng tiếng Anh trên hàng hóa không thống nhất, như: Made in/by; Produced in/by; Manufactured in/by; Technology of; Designed by...kèm tên nước và tên của cơ sở sản xuất hoặc doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ: Điện thoại di động nhập khẩu nhãn hiệu Nokia ghi: Made by Nokia, Finland (sản xuất bởi Nokia, Phần Lan), nhưng không ghi sản xuất tại nước nào nên có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là sản phẩm sản xuất tại Phần Lan, nhưng thực chất hàng sản xuất tại Trung Quốc. Các sản phẩm Iphone, Ipad nhập khẩu ghi xuất xứ trên sản phẩm là Assembled in China (Lắp ráp tại Trung Quốc), chứ không ghi xuất xứ như quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP.


      Điều này gây khó khăn cho cơ quan hải quan trong việc xác định hành vi vi phạm và xử lý

      vi phạm hành chính.


    3. Chưa thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn:


    Trong quá trình thực hiện các quy định về dán nhãn hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã nhiều lần nhận được văn bản hướng dẫn trả lời của Bộ Khoa học và Công nghệ, cụ thể:


    • Theo công văn số 292/TĐC-QLCLHH ngày 25/3/2008 thì: "khi làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam, hàng hóa có nhãn trên bao bì ghi bằng tiếng Việt nhưng chưa đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật, cần được bổ sung đầy đủ trước khi đưa ra lưu thông"


    • Ngày 25/10/2011, Thanh tra - Bộ Khoa học và Công nghệ có công văn số 341/Ttra về việc trao đổi ý kiến liên quan việc xử lý vi phạm trên nhãn thực phẩm chức năng nhập khẩu, theo đó: trường hợp nhà nhập khẩu không có chứng cứ chứng minh các thông tin trình bày trên vỏ hộp và trên vỉ đóng sản phẩm hoặc ghi xuất xứ hàng hóa là "P.R.C" trên vỏ hộp và trên nhãn phụ là không đúng quy định về ghi nhãn, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 23 (vi phạm quy định về nhãn hàng hóa) Nghị định 112/2010/NĐ-CP ngày 01/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.


    • Tại công văn số 236/BKHCN-TĐC ngày 25/01/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời: "hàng hóa nhập khẩu phải ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam trước

      khi đưa ra lưu thông, trường hợp trên nhãn gốc không thể hiện bằng tiếng Việt theo quy định thì phải có nhãn phụ ghi bằng tiếng Việt và phải giữ nguyên nhãn gốc"


    • Tại công văn số 3779/BKHCN-TĐC ngày 15/11/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời: "hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đầy đủ nội dung bắt buộc tiếng Việt thì không vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa nhưng phải bổ sung nhãn phụ bằng tiếng Việt trước khi đưa ra lưu thông".


      Như vậy, nội dung hướng dẫn tại các văn bản nêu trên chưa có sự thống nhất dẫn đến việc triển khai thực hiện và xác định hành vi vi phạm để xử lý người khai hải quan cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.


  2. Kiến nghị:


Để đảm bảo thống nhất thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng các quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Hải quan kiến nghị như sau:


  1. Về việc kiểm tra nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu:


    a.1) Phương án 1:


    • Đối với lô hàng phải kiểm tra thực tế khi làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan kiểm tra, đối chiếu thực tế hàng hóa theo quy trình thủ tục hải quan hiện hành, không kiểm tra việc dán nhãn trên hàng hóa khi nhập khẩu (bao gồm cả nhãn gốc và nhãn phụ), không xử phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, trừ trường hợp cơ quan hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc có yêu cầu về bảo vệ sở hữu trí tuệ.


      Doanh nghiệp chịu trách nhiệm dán nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.


    • Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp doanh nghiệp vi phạm quy định về dán nhãn hàng hóa khi đưa ra lưu thông trên thị trường theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP.


    a.2) Phương án 2:


    Việc quy định hàng hóa phải đáp ứng các quy định về dán nhãn hàng hóa theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP (bao gồm cả nhãn gốc và nhãn phụ) chỉ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu để trực tiếp đưa vào kinh doanh, tiêu dùng (bán ra thị trường). Hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu để trực tiếp đưa vào sản xuất, lắp ráp hoặc thay thế; hàng hóa không có bao bì, đóng gói hoặc do yêu cầu bảo quản vận chuyển không thể đảm bảo nguyên trạng nhãn hàng hóa thì không yêu cầu phải dán nhãn (bao gồm cả nhãn phụ và nhãn gốc) khi làm thủ tục nhập khẩu.

    Tổng cục Hải quan đề nghị thực hiện theo phương án 1.


  2. Kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì báo cáo Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính Phủ về nhãn hàng hóa, trong đó cần quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định để đảm bảo phù hợp với thực tế.


Để có cơ sở hướng dẫn Hải quan địa phương và doanh nghiệp thống nhất thực hiện, Tổng cục Hải quan trao đổi, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương có ý kiến về nội dung kiến nghị nêu trên và gửi về Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về Hải quan) trong ngày 30/5/2014.


Rất mong nhận được sự phối hợp của các Đơn vị./.



Nơi nhận:

  • Như trên;

  • Vụ Pháp chế (để biết);

  • Cục ĐTCBL (để biết);

  • Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG


Vũ Ngọc Anh

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.