Open navigation

Nghị định 148/2013/NĐ-CP Nghị định 148/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề

 Hết hiệu lực: 01/11/2015 


CHÍNH PHỦ

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------

Số:  148 / 2013 / NĐ - CP 

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2013


NGHỊ ĐỊNH


QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC DẠY NGHỀ


Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;


Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Căn cứ Luật dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;


Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,


Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề.


Chương 1.


QUY ĐỊNH CHUNG


Điều 1. Phạm vi điều chỉnh


Nghị định này quy định các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề.


Điều 2. Đối tượng áp dụng


  1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề.


  2. Người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và cá nhân, tổ chức khác có liên quan.


Điều 3. Biện pháp khắc phục hậu quả


Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:


  1. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định thành lập, cho phép thành lập;

  2. Buộc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề;


  3. Buộc khôi phục quyền lợi học tập cho người học, hoàn trả cho người học các khoản đã thu, trường hợp không xác định được người học để hoàn trả thì buộc nộp vào ngân sách nhà nước;


  4. Buộc giảng dạy bổ sung số giờ học còn thiếu;


  5. Buộc thực hiện đúng việc xây dựng tiến độ đào tạo, kế hoạch đào tạo, kế hoạch giáo viên và sử dụng biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học;


  6. Buộc xây dựng lại chương trình dạy nghề;


  7. Buộc hủy bỏ kết quả trúng tuyển;


  8. Buộc thông báo công khai việc dừng tuyển sinh;


  9. Buộc cải chính trên các phương tiện thông tin;


  10. Buộc thực hiện việc bố trí số lượng học sinh, sinh viên của một lớp học theo đúng quy định;


  11. Buộc bố trí, sử dụng giáo viên, giảng viên đủ tiêu chuẩn để giảng dạy;


  12. Buộc đánh giá, xếp loại kết quả học tập đúng thực tế của người học;


  13. Buộc cấp bản sao, xác nhận tính hợp pháp của văn bằng, chứng chỉ nghề;


  14. Buộc tiêu hủy phôi văn bằng, chứng chỉ nghề đã in;


  15. Buộc thu hồi văn bằng, chứng chỉ nghề đã cấp;


  16. Buộc cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến chương trình liên kết đào tạo nghề;


  17. Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật buộc thôi học;


  18. Buộc thu hồi thẻ kiểm định viên chất lượng dạy nghề, thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia;


  19. Buộc thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng dạy nghề, giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình dạy nghề, giấy chứng nhận trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia giả mạo.


Điều 4. Quy định phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức


  1. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực dạy nghề đối với cá nhân là 75.000.000 đồng, đối với tổ chức là 150.000.000 đồng.

  2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, trừ mức phạt tiền quy định tại Khoản 1 Điều 8; Điều 14; các khoản 1, 2 và 4 Điều 18; các khoản 1, 2 và 4 Điều 19.


    Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.


  3. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân; đối với tổ chức gấp hai lần thẩm quyền xử phạt tiền đối với cá nhân.


Chương 2.


HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ


Điều 5. Vi phạm quy định về thành lập, cho phép thành Iập cơ sở dạy nghề


  1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không nộp lại quyết định thành lập, cho phép thành lập theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền.


  2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:


    1. Tẩy, xóa, sửa chữa, làm thay đổi nội dung quyết định thành lập, cho phép thành lập;


    2. Gian lận, giả mạo giấy tờ, tài liệu để được thành lập, cho phép thành lập cơ sở dạy nghề.


  3. Phạt tiền đối với hành vi thành lập cơ sở dạy nghề mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép với một trong các mức sau đây:


    1. Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trung tâm dạy nghề;


    2. Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường trung cấp nghề;


    3. Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường cao đẳng nghề.


  4. Biện pháp khắc phục hậu quả:


Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định thành lập, cho phép thành lập đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.


Điều 6. Vi phạm quy định về đăng ký hoạt động dạy nghề


  1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không nộp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề theo thời hạn quy định tại quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền.

  2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tẩy, xóa, sửa chữa, làm thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề.


  3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề khi tăng quy mô tuyển sinh của từng nghề so với quy mô tuyển sinh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề như sau:


    1. Đến dưới 5% quy mô tuyển sinh đối với trình độ cao đẳng nghề;


    2. Đến dưới 20% quy mô tuyển sinh đối với trình độ trung cấp nghề;


    3. Đến dưới 30% quy mô tuyển sinh đối với trình độ sơ cấp nghề.


  4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề khi tăng quy mô tuyển sinh của từng nghề so với quy mô tuyển sinh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề như sau:


    1. Từ 5% đến dưới 30% quy mô tuyển sinh đối với trình độ cao đẳng nghề;


    2. Từ 20% đến dưới 40% quy mô tuyển sinh đối với trình độ trung cấp nghề;


    3. Từ 30% đến dưới 50% quy mô tuyển sinh đối với trình độ sơ cấp nghề.


  5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề khi tăng quy mô tuyển sinh của từng nghề so với quy mô tuyển sinh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề như sau:


    1. Từ 30% đến dưới 50% quy mô tuyển sinh đối với trình độ cao đẳng nghề;


    2. Từ 40% đến dưới 60% quy mô tuyển sinh đối với trình độ trung cấp nghề;


    3. Từ 50% đến dưới 70% quy mô tuyển sinh đối với trình độ sơ cấp nghề.


  6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề khi tăng quy mô tuyển sinh của từng nghề so với quy mô tuyển sinh ghi trong giấy chứng nhận đãng ký hoạt động dạy nghề như sau:


    1. Từ 50% quy mô tuyển sinh trở lên đối với trình độ cao đẳng nghề;


    2. Từ 60% quy mô tuyển sinh trở lên đối với trình độ trung cấp nghề;


    3. Từ 70% quy mô tuyển sinh trở lên đối với trình độ sơ cấp nghề.


  7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký hoạt động dạy nghề thuộc một trong các trường hợp sau đây:


    1. Bổ sung nghề đào tạo, trình độ đào tạo;

    2. Chia, tách, sáp nhập hoặc hợp nhất cơ sở dạy nghề;


    3. Thay đổi cơ quan chủ quản, chủ đầu tư của cơ sở dạy nghề;


    4. Chuyển trụ sở chính hoặc phân hiệu hoặc cơ sở đào tạo đến nơi khác; đ) Thành lập phân hiệu hoặc cơ sở đào tạo mới;

    5. Liên kết với tổ chức, cá nhân để tổ chức hoạt động dạy nghề.


  8. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức đào tạo nghề mà chưa đăng ký hoạt động dạy nghề với cơ quan có thẩm quyền với một trong các mức sau đây:


    1. Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trình độ sơ cấp nghề;


    2. Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trình độ trung cấp nghề;


    3. Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trình độ cao đẳng nghề.


  9. Hình thức xử phạt bổ sung:


    Đình chỉ hoạt động đào tạo nghề có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều này.


  10. Biện pháp khắc phục hậu quả:


  1. Buộc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này;


  2. Buộc khôi phục quyền lợi học tập cho người học, hoàn trả cho người học các khoản đã thu đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều này, trường hợp không xác định được người học để hoàn trả thì buộc nộp vào ngân sách nhà nước.


Điều 7. Vi phạm quy định về chương trình, nội dung và kế hoạch đào tạo


  1. Phạt tiền đối với hành vi không bảo đảm số giờ học quy định theo chương trình khung cho mỗi môn học hoặc mô-đun với một trong các mức sau đây:


    1. Từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng khi vi phạm dưới 5% số giờ học;


    2. Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi vi phạm từ 5% đến dưới 10% số giờ học;


    3. Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm từ 10% đến dưới 15% số giờ học;


    4. Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi vi phạm từ 15% đến dưới 20% số giờ học; đ) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm từ 20% số giờ học trở lên.

  2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:


    1. Không xây dựng tiến độ đào tạo, kế hoạch đào tạo, kế hoạch giáo viên theo quy định;




    2. Không sử dụng hoặc sử dụng không đúng biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học theo quy 

      định.

  3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về quy trình tổ chức xây dựng, thẩm định, phê duyệt chương trình dạy nghề.


  4. Phạt tiền đối với hành vi ban hành chương trình dạy nghề không đúng với nội dung, cấu trúc của chương trình khung dạy nghề của các cấp trình độ đào tạo với một trong các mức sau đây:


    1. Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trình độ sơ cấp nghề;


    2. Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trình độ trung cấp nghề;


    3. Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với trình độ cao đẳng nghề.


  5. Biện pháp khắc phục hậu quả:


  1. Buộc giảng dạy bổ sung số giờ học còn thiếu đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này;


  2. Buộc thực hiện đúng việc xây dựng tiến độ đào tạo, kế hoạch đào tạo, kế hoạch giáo viên và sử dụng biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này;


  3. Buộc xây dựng lại chương trình dạy nghề đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.


Điều 8. Vi phạm quy định về tuyển sinh


  1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi khai man hồ sơ tuyển sinh.


  2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tay cho việc khai man hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển.


  3. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về đối tượng, tiêu chuẩn tuyển sinh học nghề với một trong các mức sau đây:


    1. Từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng khi tuyển sinh sai từ 01 đến dưới 05 người;


    2. Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi tuyển sinh sai từ 05 đến dưới 10 người;


    3. Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi tuyển sinh sai từ 10 đến dưới 20 người;

    4. Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi tuyển sinh sai từ 20 đến dưới 30 người; đ) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi tuyển sinh sai từ 30 người trở lên.

  4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi thông báo tuyển sinh bằng mọi hình thức khi chưa đăng ký hoạt động dạy nghề với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.


  5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thu nhận hồ sơ, tổ chức thi hoặc xét tuyển khi chưa đăng ký hoạt động dạy nghề với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.


  6. Biện pháp khắc phục hậu quả:


  1. Buộc hủy bỏ kết quả trúng tuyển đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều này;


  2. Buộc hoàn trả cho người học các khoản đã thu đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều này, trường hợp không xác định được người học để hoàn trả thì buộc nộp vào ngân sách nhà nước;


  3. Buộc thông báo công khai việc dừng tuyển sinh đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều này.


Điều 9. Vi phạm quy định về quy mô lớp học


  1. Phạt tiền đối với hành vi bố trí số lượng học sinh, sinh viên trong một lớp học vượt quá mức quy định với một trong các mức sau đây:


    1. Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vượt quá mức quy định dưới 15%;




    2. Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi vượt quá mức quy định từ 15% đến dưới 

      30%;


    3. Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vượt quá mức quy định từ 30% trở lên.


  2. Biện pháp khắc phục hậu quả:


Buộc thực hiện việc bố trí số lượng học sinh, sinh viên trong một lớp học đúng quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.


Điều 10. Vi phạm quy định về bảo đảm giáo viên, giảng viên cơ hữu


Phạt tiền đối với hành vi không có giáo viên, giảng viên cơ hữu cho nghề đào tạo với một trong các mức sau đây:


  1. Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trung tâm dạy nghề;


  2. Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường trung cấp nghề;

  3. Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường cao đẳng nghề.


Điều 11. Vi phạm quy định về sử dụng giáo viên, giảng viên


  1. Phạt tiền đối với hành vì sử dụng giáo viên, giảng viên không đủ tiêu chuẩn để giảng dạy theo quy định với một trong các mức sau đây:


    1. Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trình độ sơ cấp nghề;


    2. Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trình độ trung cấp nghề;


    3. Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trình độ cao đẳng nghề.


  2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mỗi giáo viên, giảng viên dạy thêm giờ vượt quá 50% số giờ tiêu chuẩn của năm học đối với giáo viên, giảng viên; 33,33% số giờ tiêu chuẩn của năm học đối với mỗi cán bộ quản lý của cơ sở dạy nghề tham gia giảng dạy.


  3. Biện pháp khắc phục hậu quả:


Buộc bố trí, sử dụng giáo viên, giảng viên đủ tiêu chuẩn để giảng dạy đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.


Điều 12. Vi phạm quy định về bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất


  1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không tổ chức thư viện, y tế, khu rèn luyện thể chất theo quy định.


  2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm diện tích tối thiểu đối với phòng học lý thuyết, phòng thực hành, xưởng thực hành.


Điều 13. Vi phạm quy định về đánh giá kết quả học tập


  1. Phạt tiền đối với hành vi không thực hiện đầy đủ các quy định về đánh giá, xếp loại hoặc làm sai lệch kết quả đánh giá, xếp loại học tập học kỳ, năm học, khóa học với một trong các mức sau đây:


    1. Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 đến dưới 05 người;


    2. Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 05 đến dưới 10 người;


    3. Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 10 người trở lên.


  2. Biện pháp khắc phục hậu quả:


Buộc đánh giá, xếp loại kết quả học tập đúng thực tế của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.


Điều 14. Vi phạm quy định về thi tốt nghiệp

  1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:


    1. Chấm bài thi tốt nghiệp không đúng đáp án, thang điểm;


    2. Lập bảng điểm sai lệch với kết quả chấm của bài thi.


  2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:


    1. Thi thay người khác;


    2. Chuyển tài liệu, phương tiện, thông tin trái phép vào phòng thi;


    3. Làm lộ số phách bài thi;


    4. Viết thêm hoặc sửa chữa bài thi.


  3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi hoặc tiếp tay cho người khác đánh tráo bài thi.


  4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi làm mất bài thi.


  5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi làm lộ đề thi, làm mất đề thi.


  6. Hình thức xử phạt bổ sung:


Tịch thu tang vật đã sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.


Điều 15. Vi phạm quy định về văn bằng, chứng chỉ nghề


  1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không cấp chứng nhận bản sao hoặc xác nhận tính hợp pháp của văn bằng, chứng chỉ nghề đã cấp.


  2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:


    1. Không lập hồ sơ hoặc lập hồ sơ không đầy đủ theo quy định để cấp và quản lý văn bằng, chứng chỉ nghề;


    2. Cấp văn bằng, chứng chỉ nghề với nội dung không đúng quy định.




  3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau 

    đây:


    1. In phôi văn bằng, chứng chỉ nghề không đúng mẫu quy định;


    2. Cấp văn bằng, chứng chỉ nghề không đúng mẫu quy định.

  4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cấp văn bằng, chứng chỉ nghề cho người không đủ tiêu chuẩn.


  5. Hình thức xử phạt bổ sung:


    Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.


  6. Biện pháp khắc phục hậu quả:


  1. Buộc cấp bản sao, xác nhận tính hợp pháp của văn bằng, chứng chỉ nghề đã cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này;


  2. Buộc tiêu hủy phôi văn bằng, chứng chỉ nghề đã in đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này;


  3. Buộc thu hồi văn bằng, chứng chỉ nghề đã cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2, Điểm b Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.


Điều 16. Vi phạm quy định về liên kết đào tạo nghề


  1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:


    1. Sử dụng chương trình đào tạo của nước ngoài nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng;


    2. Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ các thông tin liên quan đến chương trình liên kết đào tạo trên trang thông tin điện tử của cơ sở liên kết.


  2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:


    1. Liên kết đào tạo nghề với cơ sở giáo dục nước ngoài mà chưa được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng hoặc cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài công nhận về chất lượng hoặc chưa được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam công nhận;


    2. Liên kết đào tạo nghề với cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo những nghề ngoài danh mục các ngành, nghề đào tạo được phép hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dạy nghề tại Việt Nam.


  3. Hình thức xử phạt bổ sung:


    Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động liên kết đào tạo nghề có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều này.


  4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

  1. Buộc hoàn trả cho người học các khoản tiền đã thu đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, trường hợp không xác định được người học để hoàn trả thì buộc nộp vào ngân sách nhà nước;


  2. Buộc cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến chương trình liên kết đào tạo nghề đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.


Điều 17. Vi phạm quy định về hình thức kỷ luật buộc thôi học


  1. Phạt tiền đối với hành vi kỷ luật buộc người học thôi học không đúng quy định với một trong các mức sau đây:


    1. Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm đến dưới 3 người;


    2. Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi vi phạm từ 3 đến dưới 5 người;


    3. Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm từ 5 người trở lên.


  2. Biện pháp khắc phục hậu quả:


Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật, khôi phục quyền lợi học tập cho người học đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.


Điều 18. Vi phạm quy định về hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề


  1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không nộp lại thẻ kiểm định viên chất lượng dạy nghề theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền.


  2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin sai về tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp thẻ kiểm định viên chất lượng dạy nghề.


  3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:


    1. Cung cấp thông tin sai về điều kiện để được tiến hành kiểm định cơ sở dạy nghề, chương trình dạy nghề;


    2. Không nộp lại giấy chứng nhận kiểm định chất lượng dạy nghề hoặc giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình dạy nghề theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền;


    3. Cơ sở dạy nghề đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định không thực hiện tự kiểm định chất lượng dạy nghề theo quy định.


  4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:


    1. Cho người khác sử dụng thẻ kiểm định viên;


    2. Cung cấp thông tin về kết quả kiểm định khi chưa được phép;

    3. Làm sai lệch nội dung báo cáo tự kiểm định chất lượng dạy nghề;




    4. Làm sai lệch kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề của đoàn kiểm định chất lượng dạy 

      nghề.

  5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:


    1. Sử dụng giấy chứng nhận kiểm định chất lượng dạy nghề, giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình dạy nghề giả mạo;


    2. Thông tin sai về kết quả kiểm định chất lượng của cơ sở dạy nghề, chương trình dạy nghề trên phương tiện thông tin.


  6. Hình thức xử phạt bổ sung:


    Tước quyền sử dụng thẻ kiểm định viên chất lượng dạy nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.


  7. Biện pháp khắc phục hậu quả:


  1. Buộc thu hồi thẻ kiểm định viên chất lượng dạy nghề đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này;


  2. Buộc thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng dạy nghề, giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình dạy nghề giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều này;


  3. Buộc cải chính trên các phương tiện thông tin đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều này.


Điều 19. Vi phạm quy định về hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia


  1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không nộp lại thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền.


  2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi báo cáo sai về tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia.


  3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không nộp lại giấy chứng nhận trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo thời hạn quy định tại quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.


  4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:


    1. Cho người khác sử dụng thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia;


    2. Làm sai lệch hoặc xác nhận sai kết quả đánh giá kỹ năng nghề.

  5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giấy chứng nhận trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia giả mạo.


  6. Hình thức xử phạt bổ sung:


    Tước quyền sử dụng thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.


  7. Biện pháp khắc phục hậu quả:


  1. Buộc thu hồi thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này;


  2. Buộc thu hồi giấy chứng nhận trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều này.


Điều 20. Vi phạm quy định về chế độ báo cáo trong lĩnh vực dạy nghề


  1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi chậm báo cáo định kỳ và báo cáo kết quả tuyển sinh, công nhận tốt nghiệp từ 15 ngày đến 30 ngày.


  2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chậm báo cáo định kỳ và báo cáo kết quả tuyển sinh, công nhận tốt nghiệp từ 31 ngày trở lên hoặc không báo cáo khi đã có văn bản đôn đốc.


Chương 3.


THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH


Điều 21. Thẩm quyền của thanh tra


  1. Thanh tra viên và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về dạy nghề đang thi hành công vụ có quyền:


    1. Phạt cảnh cáo;


    2. Phạt tiền đến 500.000 đồng;


    3. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm b Khoản này;


    4. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c và đ Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính.


  2. Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Dạy nghề có quyền:


    1. Phạt cảnh cáo;

    2. Phạt tiền đến 37.500.000 đồng;


    3. Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dạy nghề, hoạt động liên kết đào tạo nghề có thời hạn;


    4. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm b Khoản này;


  3. đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này.


  4. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có quyền:


    1. Phạt cảnh cáo;


    2. Phạt tiền đến 52.500.000 đồng;


    3. Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dạy nghề, hoạt động liên kết đào tạo nghề có thời hạn;


    4. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm b Khoản này;


  5. đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này.


  6. Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề có quyền:


  1. Phạt cảnh cáo;


  2. Phạt tiền đến 75.000.000 đồng;


  3. Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dạy nghề, hoạt động liên kết đào tạo nghề có thời hạn;


  4. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;


đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này.


Điều 22. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân

  1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:


    1. Phạt cảnh cáo;


    2. Phạt tiền đến 37.500.000 đồng;


    3. Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dạy nghề, hoạt động liên kết đào tạo nghề có thời hạn;


    4. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm b Khoản này;


  2. đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, h và i Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này.


  3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:


  1. Phạt cảnh cáo;


  2. Phạt tiền đến 75.000.000 đồng;


  3. Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dạy nghề, hoạt động liên kết đào tạo nghề có thời hạn;


  4. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;


đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này.


Điều 23. Thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề


  1. Những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 21 và Điều 22 Nghị định này.


  2. Thành viên đoàn thanh tra theo quyết định thanh tra của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.


  3. Thành viên đoàn thanh tra theo quyết định thanh tra của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra huyện.


Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH


Điều 24. Hiệu lực thi hành


  1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2013.


  2. Nghị định số  116 / 2009 / NĐ - CP  ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.


Điều 25. Điều khoản chuyển tiếp


  1. Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề xảy ra trước ngày 01 tháng 7 năm 2013 mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.


  2. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số  116 / 2009 / NĐ - CP  ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề để giải quyết.


Điều 26. Trách nhiệm thì hành


Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.



Nơi nhận:

  • Ban Bí thư Trung ương Đảng;

  • Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

  • Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

  • HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;

  • Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

  • Văn phòng Tổng Bí thư;

  • Văn phòng Chủ tịch nước;

  • Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

  • Văn phòng Quốc hội;

  • Tòa án nhân dân tối cao;

  • Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

  • Kiểm toán Nhà nước;

  • Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

  • Ngân hàng Chính sách xã hội;

  • Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

  • UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

  • Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

  • VPCP: BTCN; các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, 

    các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

  • Lưu: Văn thư, KGVX (3b).300

TM CHÍNH PHỦ 

THỦ TƯỚNG


Nguyễn Tấn Dũng

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.