BỘ CÔNG THƯƠNG ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 13467/BCT-XNK V/v vướng mắc C/O mẫu D | Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2015 |
Kính gửi: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan)
Bộ Công Thương nhận được các công văn số 8894/DVN-KDSPD ngày 24 tháng 11 năm 2015 của Tổng công ty Dầu Việt Nam về việc ấn định thuế đối với các lô hàng nhập khẩu C/O mẫu D về Hải Phòng và công văn số 0559/2015/CV-HH ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà về việc đề nghị giải đáp giá tính thuế nhập khẩu và C/O mẫu D (đính kèm). Trong đó, các thương nhân phản ánh tình trạng một số C/O mẫu D do cơ quan có thẩm quyền của Xinh-ga-po cấp bị Cục Hải quan Hải Phòng (Chi cục Kiểm tra sau thông quan) kết luận là không đủ điều kiện để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt với lý do tại ô số 8 của C/O ghi tiêu chí xuất xứ là CTH nhưng ô số 9 lại ghi trị giá CFR. Về việc này, Bộ Công Thương xin trao đổi với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) như sau:
Ô số 8 của C/O mẫu D ghi tiêu chí xuất xứ là CTH và ô số 9 ghi giá CFR
Tại phiên họp lần thứ 11 của Tiểu ban Quy tắc xuất xứ ATIGA, có sự tham dự của đại diện Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), được tổ chức tại Bru-nây vào tháng 5 năm 2013, các nước ASEAN thống nhất có thể chấp nhận C/O mẫu D nếu trị giá FOB vẫn được thể hiện trên C/O mẫu D trong trường hợp áp dụng các tiêu chí xuất xứ thuần túy/sản xuất toàn bộ (WO), chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC) và quy tắc gia công, chế biến cụ thể (SP).
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 11141/TCHQ-GSQL ngày 12 tháng 9 năm 2014 và công văn số 16/TCHQ-GSQL ngày 05 tháng 01 năm 2015 gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn việc kiểm tra, xử lý hàng hóa trên C/O mẫu D có tiêu chí không phải là RVC nhưng thể hiện trị giá FOB. Theo đó, trường hợp C/O mẫu D cấp cho hàng hóa áp dụng các tiêu chí khác (WO/CTC/SP) thể hiện trị giá FOB có thể được xem xét chấp nhận nếu các thông tin khác trên C/O phù hợp với bộ chứng từ trong hồ sơ hải quan, thực tế hàng hóa (nếu hàng hóa phải kiểm tra thực tế) và cơ quan hải quan không có nghi ngờ nào khác về xuất xứ lô hàng.
Việc từ chối và xác minh C/O mẫu D
Điều 13 và Điều 18 của Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư số 21/2010/TT-BCT ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN quy định việc từ chối và xác minh C/O mẫu D như sau:
“Điều 13. Nộp C/O
“1. Để được hưởng ưu đãi thuế quan, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu, Người nhập khẩu phải nộp cho cơ quan Hải quan nước nhập khẩu tờ khai, C/O, kèm các chứng từ chứng minh (như hóa đơn thương mại, và vận tải đơn chở suốt được cấp trên lãnh thổ của Nước thành viên xuất khẩu khi được yêu cầu) và các tài liệu khác theo quy định của pháp luật Nước thành viên nhập khẩu.
Trong trường hợp C/O bị cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu từ chối, C/O đó sẽ được đánh dấu vào ô số 4 và gửi lại cho Tổ chức cấp C/O trong một khoảng thời gian hợp lý nhưng không quá sáu mươi (60) ngày. Cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu cũng cần phải thông báo cho Tổ chức cấp C/O lý do đã từ chối không cho hưởng ưu đãi.
Trong trường hợp C/O bị từ chối như nêu tại khoản 2, cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu có thể chấp nhận và xem xét các giải trình của Tổ chức cấp C/O và đánh giá lại liệu
C/O đó có được chấp nhận cho hưởng thuế suất ưu đãi hay không. Các giải trình của Tổ chức cấp C/O phải chi tiết và lý giải được những vấn đề mà Nước thành viên nhập khẩu đã đưa ra để từ chối cho hưởng ưu đãi.
Điều 18. Kiểm tra sau
Nước thành viên nhập khẩu có thể yêu cầu Tổ chức cấp C/O của Nước thành viên xuất khẩu kiểm tra ngẫu nhiên và/hoặc khi có lý do nghi ngờ tính xác thực của các chứng từ hoặc tính chính xác của các thông tin liên quan đến xuất xứ thực sự của sản phẩm đang bị nghi ngờ hoặc các bộ phận của sản phẩm đó. Khi nhận được yêu cầu của Nước thành viên nhập khẩu, Tổ chức cấp C/O của Nước thành viên xuất khẩu sẽ tiến hành kiểm tra bản kê chi phí của người sản xuất/Người xuất khẩu, dựa trên chi phí và giá cả trong khoảng thời gian sáu (06) tháng kể từ ngày xuất khẩu trở về trước với các điều kiện như sau:
Yêu cầu kiểm tra phải được gửi kèm với C/O liên quan và nêu rõ lý do cũng như bất cứ thông tin bổ sung nào cho thấy rằng các chi tiết ghi trên C/O có thể không chính xác, trừ trường hợp kiểm tra ngẫu nhiên;
Khi nhận được yêu cầu kiểm tra, Tổ chức cấp C/O phải phản hồi ngay việc đã nhận được yêu cầu và có ý kiến trả lời trong vòng chín mươi (90) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu;
Cơ quan Hải quan của Nước thành viên nhập khẩu có thể trì hoãn việc cho hưởng ưu đãi trong khi chờ kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, cơ quan Hải quan có thể cho phép Người nhập khẩu được thông quan hàng hóa cùng với việc áp dụng các biện pháp hành chính cần thiết với điều kiện các hàng hóa này không thuộc diện cấm hoặc hạn chế nhập khẩu và không có nghi ngờ về gian lận;
Tổ chức cấp C/O sẽ gửi ngay kết quả quá trình kiểm tra cho Nước thành viên nhập khẩu để làm cơ sở xem xét quyết định lô hàng có đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hay không. Toàn bộ quá trình kiểm tra, bao gồm cả quá trình nước nhập khẩu thông báo cho Tổ chức cấp C/O của nước xuất khẩu quyết định về việc liệu lô hàng có đạt tiêu chuẩn xuất xứ hay không phải được hoàn thành trong vòng một trăm tám mươi (180) ngày. Trong khi chờ kết quả kiểm tra, khoản 3 điều này được áp dụng.”
Bộ Công Thương gửi ý kiến trên để Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) phối hợp quản lý./.
Nơi nhận:
Như trên;
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (để b/c);
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải;
Các Vụ: CSTMĐB, PC;
Tổng công ty Dầu Việt Nam;
Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà;
Lưu: VT, XNK.