BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2716/TCHQ-TXNK | Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 2020 |
Kính gửi: Hiệp hội Điều Việt Nam.
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 05/2020/CV-HHĐ ngày 31/01/2020 của Hiệp hội Điều Việt Nam về việc đề nghị có biện pháp thích hợp ngăn chặn tình trạng nhập khẩu nhân điều còn vỏ lụa hoặc đã bóc vỏ lụa. Về việc này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về phân loại hàng hóa.
Căn cứ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm;
Căn cứ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính và Thông tư 09/2019TT-BTC ngày 15/02/2019 sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các Phụ lục của Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; thì:
Nhóm 08.01: Dừa, quả hạch Brazil (Brazil nuts) và hạt điều, tươi hoặc khô, đã hoặc chưa bóc vỏ hoặc lột vỏ.
- Hạt điều:
0801.31.00 - - Chưa bóc vỏ
0801.32.00 - - Đã bóc vỏ
Theo đó, trường hợp mặt hàng được xác định là “Hạt điều chưa bóc vỏ cứng bên ngoài (hạt điều thô), tươi hoặc khô” thì thuộc nhóm 08.01, mã số 0801.31.00.
Trường hợp mặt hàng được xác định là “Hạt điều đã bóc vỏ cứng, còn vỏ lụa hoặc đã bóc vỏ lụa (nhân điều), tươi hoặc khô” thì thuộc nhóm 08.01, mã số 0801.32.00.
2. Về kiến nghị “Không coi đây là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, từ đó loại bỏ mọi ưu đãi, đồng thời áp mã thuế riêng và mức thuế cao hoặc/và quy định giá nhập khẩu tối thiểu, nếu mua bán dưới mức đó sẽ không cho nhập”.
(i) Về chính sách thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu.
Căn cứ Khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu.
Căn cứ khoản 20, Điều 5 Luật thuế Giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 thì nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Căn cứ các quy định nêu trên, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu và thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
(ii) Các quy định về thủ tục, giấy phép nhập khẩu đối với nhân điều còn vỏ lụa hoặc đã bóc vỏ lụa hiện nay.
+ Chính sách nhập khẩu:
Căn cứ Mục 11 Bảng mã số HS đối với danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì mặt hàng hạt điều chưa bóc vỏ (mã số HS là 0801.31.00) thuộc đối tượng phải kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu.
Căn cứ Mục 12 Bảng mã số HS đối với danh mục thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu phải kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NNPTNT (ban hành kèm theo Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT dẫn trên) thì mặt hàng hạt điều chưa bóc vỏ (mã số HS là 0801.31.00) và mặt hàng hạt điều đã bóc vỏ (mã số HS là 0801.32.00) thuộc đối tượng phải kiểm tra an toàn thực phẩm khi nhập khẩu.
+ Về ý kiến “Không coi đây là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu”:
Điều 54 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 34 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC quy định về nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; Khoản 2 Điều 70 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 48 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC quy định về việc quản lý sản phẩm xuất khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nhân điều còn vỏ hoặc đã bóc vỏ đáp ứng các quy định nêu trên thì được coi là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.
+ Về Nhãn mác Việt Nam:
Quy tắc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu được quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và Thông tư số 05/2018/TT-BTC. Theo đó, trường hợp hàng hóa chỉ trải qua công đoạn gia công, chế biến đơn giản thì không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Khoản 6 Điều 9 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và không được ghi xuất xứ Việt Nam trên bao bì hàng khi xuất khẩu.
(iii) Về đề xuất quy định giá nhập khẩu tối thiểu đối với mặt hàng nhân điều còn vỏ lụa hoặc đã bóc vỏ lụa:
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì trị giá hải quan phải được xác định theo các phương pháp xác định trị giá. Giá tối thiểu không phải là phương pháp xác định trị giá hải quan được quy định.
(iv) Về việc áp mã thuế riêng và mức thuế cao đối với mặt hàng nhân điều còn vỏ lụa hoặc đã bóc vỏ lụa.
Theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định số 125/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ, thuế suất MFN của mặt hàng hạt điều như sau:
- Hạt điều chưa bóc vỏ cứng bên ngoài, tươi hoặc khô, thuộc mã số 0801.31.00, có mức thuế nhập khẩu ưu đãi MFN là 5%, cam kết WTO là 30%.
- Hạt điều đã bóc vỏ cứng, còn vỏ lụa hoặc đã bóc vỏ lụa, tươi hoặc khô thuộc mã số 0801.32.00, có mức thuế nhập khẩu ưu đãi MFN là 25%, cam kết WTO là 25%.
Như vậy, đã có sự chênh lệch thuế suất nhập khẩu ưu đãi giữa mặt hàng hạt điều đã bóc vỏ và chưa bóc vỏ, phù hợp với nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất quy định tại Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
Theo đó, đề nghị của Hiệp hội Điều “áp mã thuế riêng và mức thuế cao” là không cần thiết vì thực tế mặt hàng điều chưa bóc vỏ và đã bóc vỏ đã có mã HS riêng, thuế suất khác nhau và chênh lệch 20%.
Tổng cục Hải quan trả lời để Hiệp hội Điều Việt Nam biết./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |